Xây dựng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là cần thiết
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 10:39, 26/11/2014
Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch công tác của Chương trình đối tác tư pháp do Ủy ban châu Âu, Chính phủ Đan Mạch, Thụy Điển đồng tài trợ. Mục đích của hội thảo là nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong công tác xét xử, đồng thời cũng là diễn đàn để các đại biểu thảo luận về mô hình thủ tục rút gọn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Tham gia hội thảo có ông Jacob Gammelgard, Cố vấn trưởng Chương trình đối tác tư pháp; ông Scot Ciment, Cố vấn về chính sách pháp quyền, tiếp cận công lý và xã hội dân sự của Liên hợp quốc; ông Carsten Mahnke, Luật sư Đức, Chuyên gia ngắn hạn Chương trình đối tác tư pháp; ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC; đại diện các TAND cấp tỉnh; Thẩm phán, cán bộ Tòa án TANDTC; luật sư, các nhà nghiên cứu, học giả từ Trường Đại học Luật và đại diện một số cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.
Xây dựng một chương về thủ tục rút gọn trong BLTTDS (sửa đổi)
Ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đều có chung quan điểm: Pháp luật tố tụng dân sự (TTDS) luôn có xu hướng đặt ra những quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhưng chính những quy định chặt chẽ đó vô hình chung đã hình thành nên những thiết chế tố tụng phức tạp, khó tuân thủ và gây tốn kém. Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử của TANDTC thì hàng năm các tranh chấp dân sự phát sinh ngày càng nhiều, tính chất phức tạp ngày càng tăng lên. Tòa án các cấp những năm gần đây luôn ở trong tình trạng quá tải; lực lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, thư ký tại các Tòa án không đáp ứng đủ yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Qua thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự cho thấy, có nhiều vụ án dân sự tuy đơn giản, nhưng thời gian giải quyết lại kéo dài một cách không cần thiết. Trong khi đó các Thẩm phán có thể giải quyết nhanh hơn nếu không phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục được quy định, nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu mà pháp luật tố tụng đã đặt ra. Điều này khiến cho các đương sự và ngay cả Thẩm phán mong muốn có một thủ tục đơn giản hơn, thuận lợi, ít tốn kém hơn cho những vụ án đơn giản, giá trị tranh chấp nhỏ, có chứng cứ rõ ràng như: việc đòi nợ, thanh toán séc, hối phiếu… Xét ở góc độ thực tiễn và khoa học, để hạn chế phần nào những bất cập của thủ tục xét xử thông thường đối với những loại vụ án này thì xây dựng chế định về xét xử vụ việc dân sự theo thủ tục đơn giản là một giải pháp cần thiết. Quy định của pháp luật về thủ tục đơn giản không những đảm bảo được trình tự thủ tục tối thiểu của thủ tục tố tụng mà còn đảm bảo việc giải quyết vụ án nhanh chóng hiệu quả và tiết kiệm.
Ông Jacob Gammelgard, Cố vấn trưởng Chương trình đối tác tư pháp phát biểu về mô hình tố tụng rút gọn cho Việt Nam
Chính vì vậy, ngày 29/12/2011, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS (gọi tắt là Dự án Pháp lệnh). TANDTC là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trách nhiệm chủ trì thực hiện Dự án Pháp lệnh này. Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh; việc triển khai nghiên cứu xây dựng Dự án Pháp lệnh đã được thực hiện khẩn trương, tích cực và theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến ngày 18/6/2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2013/QH13 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, trong đó bổ sung Dự án BLTTDS (sửa đổi) vào chương trình chính thức, TANDTC là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trách nhiệm chủ trì thực hiện Dự án BLTTDS (sửa đổi).
Xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS là cần thiết
Song song với chủ trương thực hiện cải cách tư pháp thì việc đổi mới, cải cách cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp cũng được triển khai thực hiện. Đồng thời với việc nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật thì nhu cầu thành lập Tòa giản lược có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết nhiều vụ việc dân sự đã được Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC thực hiện một số đề án trong Chương trình trọng tâm công tác tư pháp giai đoạn 2012-2016, trong đó có Đề án “Thành lập các Tòa chuyên trách: Tòa Đất đai, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và trẻ vị thành niên…”. Như vậy, thẩm quyền loại việc cũng như thẩm quyền của các cấp Tòa án ngày càng được quy định rõ ràng và mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết các tranh chấp trong nhân dân. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển và hoàn thiện pháp luật TTDS, bắt kịp xu thế tiến bộ của các nước trên thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thì việc nghiên cứu và xây dựng mô hình thủ tục rút gọn trong TTDS đang ngày càng trở nên cần thiết.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Jacob Gammelgard, Cố vấn trưởng Chương trình đối tác tư pháp đã nêu rõ những hiệu quả của thủ tục rút gọn trong việc xét xử các tranh chấp dân sự ít phức tạp hoặc giá trị thấp mà Chương trình đối tác tư pháp đã giúp các nước thực hiện và đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng thủ tục tố tụng rút gọn tại Việt Nam. Tiếp theo, ông Scot Ciment, Cố vấn về chính sách pháp quyền, tiếp cận công lý và xã hội dân sự của Liên hợp quốc đã truyền đạt những kinh nghiệm giải quyết khiếu kiện nhỏ tại Mỹ và sự phát triển thủ tục rút gọn tại Philippines. Ông Carsten Mahnke, Luật sư Đức, chuyên gia ngắn hạn Chương trình đối tác tư pháp đã báo cáo nghiên cứu về thủ tục rút gọn tại Vương quốc Anh và tại Cộng hòa Liên bang Đức… Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài và các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra khi xây dựng mô hình tố tụng rút gọn giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng mô hình này…
Trên cơ sở nghiên cứu phân tích thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật TTDS, đồng thời trên cơ sở báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, hội thảo đã đưa ra những đề xuất cụ thể về mô hình thủ tục đơn giản trong TTDS ở Việt Nam. Trong đó chỉ ra những nguyên tắc phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, các loại vụ việc được áp dụng thủ tục đơn giản để giải quyết; trình tự giải quyết và các vấn đề khác cần thiết đối với việc xây dựng quy định về thủ tục đơn giản trong TTDS ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.