Dự thảo lần 9 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được xây dựng chặt chẽ, có tính khả thi
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 17:48, 29/10/2014
Vì vậy, việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được TANDTC tiến hành cẩn trọng, thể hiện toàn diện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; về bảo đảm hoạt động của TAND; xác định rõ thẩm quyền và vai trò của Tòa án trong hệ thống cơ quan tư pháp.
Dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống TAND
Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; TAND gồm TANDTC và các Tòa án khác do luật định; TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo quy định của Hiến pháp mới thì TAND được giao thực hiện quyền tư pháp; TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; các Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Bộ máy giúp việc cho Chánh án TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC được tổ chức hợp lý để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm địa vị pháp lý của TANDTC là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cao nhất của quốc gia… đó là một bước đột phá khẳng định vị thế của Tòa án trong quá trình cải cách tư pháp.
Đây là Dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống TAND trong việc thực hiện quyền tư pháp và cần được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND. Thực chất việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong hiến định là nhằm mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế XHCN. Hiến pháp mới quy định Tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là một điểm mới trong lịch sử lập hiến của nước ta, nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, thực sự là cơ quan bảo vệ công lý.
Từng bước chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Nhằm thể chế hóa những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, TANDTC đã khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mà công việc quan trọng hàng đầu được ưu tiên thực hiện là xây dựng Luật Tổ chức TANDTC (sửa đổi). TANDTC đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nội dung Dự thảo Luật bám sát vào các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở nhất thể hóa phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 2002. Nội dung của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Trên cơ sở thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các góp ý của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan ở Trung ương và địa phương, ý kiến của cán bộ, công chức TAND các cấp, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, TANDTC đã từng bước chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ban soạn thảo đã cụ thể hóa nội hàm quyền tư pháp của Tòa án; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án; xây dựng cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp; bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án; tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Tòa án từng bước hiện đại, khoa học; tính độc lập cũng như mối quan hệ của Tòa án với các cơ quan tư pháp khác…
Dự thảo Luật được xây dựng chặt chẽ, có tính khả thi
Sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, hiện tại Dự thảo lần thứ 9 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được chỉnh lý lần cuối vào ngày 14/10/2014. Theo đó, Dự thảo lần thứ 9 có 11 Chương gồm 93 Điều đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án.
Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tổ chức góp ý vào Dự thảo
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần thứ 9 đã kế thừa những quy định còn phù hợp, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, về chế định Thẩm phán; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng đồng bộ với việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra; bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án. Dự thảo Luật đã thể hiện một luật sửa nhiều luật nhằm bảo đảm cho các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy định của luật và các pháp lệnh hiện nay.
Mặt khác, Dự thảo 9 đã thể hiện được việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng khoa học, hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ việc bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để họ không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực…
Theo đánh giá của Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thì Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được xây dựng chặt chẽ, có tính khả thi trên cơ sở các quan điểm được khẳng định trong những văn bản của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức TAQS năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002. Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được soạn thảo đã đáp ứng yêu cầu về trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Tòa án phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp và quá trình phát triển của xã hội.