Hội thảo về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp”

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 21:59, 27/05/2014

Sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo “Đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp”.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan: TANDTC, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp… và đại diện một số TAND địa phương.

Bám sát những định hướng quan trọng

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng, nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu trên tinh thần xây dựng Luật Tổ chức TAND cho phù hợp và đúng định hướng của Bộ Chính trị.

Ông Scott Ciment, cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý UNDP tại Việt Nam cũng nêu nhận định rằng việc xây dựng Luật Tổ chức Tòa án theo tinh thần đổi mới là điều rất quan trọng, trong ba nhánh quyền lực thì “quyền tư pháp” là quan trọng nhất và gần gũi với người dân. Hàng ngày, các Thẩm phán ban hành những quyết định liên quan đến trực tiếp người dân. Tất cả các quốc gia đều đề cập đến vấn đề quan trọng là tính độc lập của các cơ quan tư pháp cả về nhân sự, ngân sách và nhiều vấn đề khác. Hội thảo hướng đến mục tiêu làm cho hệ thống Tòa án độc lập trong xét xử như bản chất vốn có.

Ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC đã báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND. Theo đó, Luật Tổ chức TAND được quy định theo tinh thần nhất thể hóa các luật, pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của TAND, về Thẩm phán và Hội thẩm nhằm đảm bảo cho các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục chồng chéo giữa các quy định của luật và pháp lệnh hiện nay.

Chức năng, nhiệm vụ của TAND được quy định trên tinh thần cụ thể hóa Điều 102 Hiến pháp 2013 về TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; đồng thời kế thừa những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị. Trong đó đã thể chế hóa những định hướng về cải cách tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.

Làm rõ khái niệm “quyền tư pháp”

Nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống tư pháp nước ta cũng đã trải qua ba lần cải cách và đều tập trung vào Tòa án, như vậy thấy rằng, Tòa án luôn luôn là trung tâm trong các cuộc cải cách đó. Và, Hiến pháp 2013 cũng đã quy định: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Theo ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công,  phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCNVN, thực hiện quyền tư pháp”.

Hội thảo về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp”

Quang cảnh hội thảo

Qua nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, quyền tư pháp là quyền lực Nhà nước giao cho Tòa án thực hiện, bao gồm từ quyền phán quyết đối với các vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm hiến pháp trong các đạo luật; xử lý các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội; công nhận giá trị pháp lý của các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức… cho đến quyền giải thích pháp luật để pháp luật được áp dụng thống nhất, công bằng, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

GS Đào Trí Úc, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội lại đề cập đến góc nhìn về “quyền tư pháp” hạn hẹp hơn. Ông cho rằng, Tòa án thực hiện quyền tư pháp là toàn bộ từ khâu xét xử cho đến giai đoạn thi hành án. Điều đó cũng khẳng định sự độc lập của Tòa án, là một trong ba nhánh quyền lực Nhà nước hiện nay.

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cũng cho rằng, việc thực hiện quyền tư pháp giao cho Tòa án là trọng trách rất lớn, với yêu cầu rất cao là Tòa án phải thực sự độc lập. Đây là chủ trương chung về yêu cầu CCTP, đồng thời là điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền tư pháp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, tự chủ kinh phí hoạt động… cũng là yếu tố quan trọng trong việc độc lập của Tòa án hiện nay.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú cũng cho rằng, qua dự thảo Luật Tổ chức TAND, về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã thể chế khá đầy đủ về nhiệm vụ thực hiện “quyền tư pháp” theo tinh thần Hiến pháp. Và, thực tế là quyền này của Tòa án cũng đã được bổ sung qua các thời kỳ lịch sử, sự bổ sung này chứng tỏ Tòa án đã là cơ quan thực hiện quyền tư pháp từ trước tới nay.

Thành lập Tòa giản lược: Rất cần thiết

Tại hội thảo, ông Scott Ciment, cố vấn chính sách pháp quyền, tiếp cận công lý của UNDP tại Việt Nam đã dẫn chứng nhiều nội dung quan trọng về việc cần thiết phải thành lập Tòa giản lược hiện nay.

Ông Scott Ciment cho biết, một số nước trên thế giới hiện nay cũng đang có nhu cầu thành lập Tòa án này, Philippines là một điển hình cho việc thí điểm thành công mô hình đó. Tại Philippines, sau khi thành lập thí điểm ở ba thành phố và hiện nay đã xuất hiện trên 1.000 Tòa giản lược trên toàn lãnh thổ. Tòa giản lược không phải xử những vụ hình sự mà giải quyết những vụ việc dân sự nhỏ (dưới 100 triệu đồng chẳng hạn). Việc thành lập Tòa này không gây tốn kém cho ngân sách nhà nước hay đào tạo, bồi dưỡng thêm cho Thẩm phán không có gì phức tạp. Các Tòa án cấp sơ thẩm hiện tại có thể thành lập “bàn đăng ký” đặc biệt cho các vụ việc giải quyết theo thủ tục giản lược, có thể một ngày, một tuần hoặc thường xuyên hơn nếu cần thiết tiếp nhận giải quyết vụ việc theo thủ tục giản lược.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để người dân được tiếp cận với cơ quan công quyền qua việc xét xử vụ việc mà qua đó việc tôn trọng pháp quyền được tăng cao, Việt Nam có thể tham khảo các mô hình trên thế giới để thành lập Tòa này.

Kết luận hội thảo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho biết, việc nghiên cứu để cụ thể hóa “quyền tư pháp” của TAND trong luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn và rất mới về cả lý luận và thực tiễn ở nước ta, nên cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc, thận trọng khi lựa chọn các nội dung và mức độ cụ thể trong luật cho phù hợp với quá trình hoàn thiện về lý luận, thực tiễn ở Việt Nam.

Việc đổi mới tổ chức Tòa án cũng cần nghiên cứu để làm rõ một số vấn đề cụ thể như: Thành lập Tòa giản lược; vấn đề phát triển án lệ; bộ máy giúp việc của TANDTC… Vì vậy, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, làm cơ sở cho quá trình đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức TAND đang trình Quốc hội khóa XIII xem xét, ban hành.

Quốc Huy