Tòa án giai đoạn 2002 - 2010
Tòa án - Ngày đăng : 06:00, 13/09/2015
Đặc biệt là trong Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, ngày 02/4/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới thay thế Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1993 và năm 1995.
So với các quy định trước đây, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 có một số điểm mới cơ bản sau đây:
Bỏ quy định về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở tại khoản 2 Điều 2 và quy định về chế độ cử Hội thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 3 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992.
Bổ sung một điều luật mới (Điều 11) quy định về chế độ hai cấp xét xử. Theo quy định này bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức.
Theo quy định tại Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Điều 16 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thì việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nay theo quy định tại Điều 17 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng. Đây là một bước cải cách tư pháp lớn đối với ngành Tòa án nhân dân. Quy định này là sự cụ thể hoá, là việc thực hiện những chủ trương về cải cách, tổ chức và đổi mới hoạt động các cơ quan tư pháp đã được khẳng định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
Bỏ quy định về Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, tức là bỏ một cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại các điều 21 và 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.
Bổ sung một số nhiệm vụ và quyền hạn mới của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Do đổi mới cơ chế quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức, đồng thời quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị “gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, bố trí, sử dụng cán bộ; phân cấp bổ nhiệm theo hướng Chủ tịch nước chỉ bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”; do đó, trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực cũng như về quy định bộ máy giúp việc của các Tòa án này (các điểm 6, 7, 11 và 12 Điều 25).
Bỏ thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 26 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 nhằm bảo đảm thống nhất với quy định trong các đạo luật khác về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là cấp phó giúp cấp trưởng làm nhiệm vụ. Mặt khác việc bỏ quy định này là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần, nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh với lý do bảo đảm cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm những Thẩm phán có năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 29 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002).
Bổ sung quy định “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có bộ máy giúp việc” (khoản 1 Điều 32) tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập bộ máy giúp việc trong cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp này, đặc biệt trong tương lai thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.
Tách khoản 1 Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 thành hai khoản: khoản 1 quy định về tiêu chuẩn của Thẩm phán, khoản 2 quy định về tiêu chuẩn của Hội thẩm, đồng thời bổ sung hai khoản mới quy định về trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002)…
Để triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, ngày 04 tháng 11 năm 2002, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thay thế Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự ngày 19 tháng 4 năm 1993, trong đó quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Tòa án quân sự các cấp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đây để phù hợp với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.