Nhìn lại hội diễn văn nghệ TAND toàn quốc lần thứ III: Sống động, rực rỡ sắc màu và đậm đà sâu lắng
Tòa án - Ngày đăng : 07:57, 09/09/2015
Tới dự khai mạc và dự lễ trao thưởng có sự hiện diện của đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và các đồng chí lãnh đạo TANDTC.
Nếu hội diễn lần thứ nhất năm 2005, lần thứ hai năm 2010 có ít tác phẩm về TAND, thì lần thứ ba này có tới 12 tiết mục nói về Tòa án ở đó có tốp ca nam, với bài “Sáng mãi niềm tin Tòa án” do Đoàn TAND TP Hà Nội thể hiện đã gây tiếng vang, thu hút sự theo dõi, ngợi ca của khan giả và được đánh giá rất cao, đoạt giải tiết mục xuất sắc nhất. Bài hát dày công luyện tập từ khâu phối khí, hòa thanh lại có dàn múa phụ họa rất công phu thể hiện một cách sinh động, giai điệu hào sảng, trang phục rực rỡ mà hài hòa, những tổ hợp động tác, các tạo hình đều tôn lên vị trí xứng đáng của những người cầm cân nẩy mực, không để oan sai và cũng không để lọt tội phạm. Nếu phần I là ngợi ca, da diết yêu thương đằm thắm tình người Tòa án, thì phần II khí phách như thôi thúc chuyển động những bước chân hành khúc, đi đến mọi nơi để xét xử công khai, minh bạch làm cho xã hội bình yên. Tác phẩm này được đồng chí Trương Hòa Bình trực tiếp trao giải cho Đoàn TAND TP Hà Nội trong những tràng pháo tay hào hứng của khán phòng.
Múa “Từ làng Sen” của TAND tỉnh Nghệ An
Thông qua hội diễn nghệ thuật quần chúng TAND toàn quốc lần thứ ba đã tạo nên bức tranh vô cùng sinh động làm náo nức lòng người từ màu sắc, tạo hình, các tuyến đi và tiết tấu giai điệu cũng như phong cách thể hiện rất mộc mạc chân chất. Các tiết mục múa “Đất mẹ” của Đoàn TAND tỉnh Quảng Trị; “Về bên mẹ” của Đoàn TAND tỉnh Bình Phước; “Múa Dao đỏ” của Đoàn TAND tỉnh Thái Nguyên; “Thành đồng giữa biển khơi” của Đoàn TAND tỉnh Quảng Ngãi; “Tiếng suối Cao Nguyên” của Đoàn TAND tỉnh Kon Tum… đã lột tả nội tâm hứng khởi của các diễn viên làm sáng lên phần hồn của những điệu múa dân gian, tất cả hài hòa tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu về non nước quê hương. Đoàn TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa về hội diễn màn múa “Hương sen dâng Bác” đã gây tiếng vang, cả hội trường trào lên những tràng vỗ tay không ngớt, sự táo bạo đến bất ngờ khi đưa Bác Hồ xuất hiện bên các em thiếu nhi. Các cháu sung sướng vui mừng được vuốt chòm râu Bác, ôm hôn Bác và cùng hát múa cho Bác xem bên hồ sen rực rỡ tỏa hương thơm ngào ngạt. Tốp múa hoa sen, tốp thể hiện những lá sen xanh dạt dào bồng bềnh trong hồ sen mênh mông bao la, phía trên phông hậu được đèn Led đưa hình những bông sen từ từ nở từng cánh, nào sen tím, sen vàng, sen trắng, sắc thắm hòa quyện cả trên màn hình với hồ sen mênh mông lại được nghe câu thơ vang lên nhè nhẹ “Tháp mười đẹp nhất bông Sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Màn múa “Hương sen dâng Bác” không chỉ sáng tạo kỳ công, đạo diễn tận dụng và phát huy không chỉ yếu tố động tác, tạo hình, tuyến đi biểu cảm của nghệ sĩ múa mà còn biết xử lý cả ánh sáng, đèn chiếu đến việc đóng cả hình tượng Bác Hồ (rất giống) trên sân khấu thật kỳ diệu đã chiếm được cảm tình sự chào đón của công chúng.
Hợp xướng “Hào khí Việt Nam” của TAND TP Hà Nội
Nhưng nếu trong hội diễn mà vắng hình tượng những Anh bộ đội Cụ Hồ thì thật thiếu sót lớn. Nói đến đây, tôi nêu thêm 2 tác phẩm múa đã gây ấn tượng mãnh liệt, xâm chiếm tình cảm của khán giả, thậm chí nhiều người phải ngậm ngùi lau nước mắt, đó chính là điệu múa “Đất mẹ” của Đoàn TAND tỉnh Quảng Trị. Chúng ta đều nhớ những năm chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị diễn ra rất ác liệt. Trong 81 ngày đêm, chúng ta đã đưa 81 Đại đội vào giữ thành Quảng Trị cho đến mãi sau này vẫn vang lên 4 câu thơ bất hủ để nói tới tính ác liệt và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ quân giải phóng bảo vệ Thành Quảng Trị: “Thuyền lên Thạch Hãn, xin chèo nhẹ. Dưới sông còn đó, bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi, thành sóng nước. Để vỗ yên bờ, mãi mãi bình yên”. Ngay khi mở màn đã tạo ấn tượng cho khán giả, đó chính là những bụi tre rừng cây trơ trụi, 3 chiến sỹ nằm bên hầm bị tàn phá. Họ cố gượng đứng lên vẫy gọi đồng đội và giằng co vật vã giữa cái ác liệt đau đớn và hướng tới tương lai sáng ngời. Họ oằn oại xiết chặt đội ngũ, nâng đỡ, an ủi chăm sóc nhau cố vượt qua những giây phút hiểm nghèo. Ở đây không chỉ là ngôn ngữ múa mà sự thể hiện đầy xúc cảm được âm nhạc thổi vào những tạo hình tư thế khắc họa như những bức tranh sống động đã tạo nên một tác phẩm múa ấn tượng, chinh phục người xem.
Tốp ca “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời” của TAQS Quân khu 3
Điệu múa “Về bên mẹ” của Đoàn TAND tỉnh Bình Phước, đoạn 1 nói về tâm trạng bà mẹ đã nâng giấc con mình để tiễn chân các con ra chiến trường, mẹ ở nhà trông mong ngóng đợi từng ngày, còn các con mẹ vẫn hăng say trong cuộc hành quân ra trận cùng đồng đội. Đến đoạn 2, trong cuộc chiến đấu khốc liệt, các con mẹ đã hy sinh, lúc này mẹ lần lượt đi tìm xác con mình đưa về nghĩa trang trong thầm lặng. Đoạn 3, hồi tưởng cảnh các con về đoàn tụ bên mẹ, lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật. Mẹ con đoàn tụ, rừng hoa nở rộ chào đón những giây phút hạnh phúc các con quây quần bên mẹ. Những tạo hình bằng ngôn ngữ múa đầy tính kịch và hành động trên cơ sở múa đương đại đã tạo nên điệu múa đầy tính thuyết phục. Múa “Đất mẹ”; “Về bên mẹ” thật sự là những khúc tráng ca về tinh thần của tuổi trẻ hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự trường tồn của dân tộc.
Múa “Vinh quang lá cờ Việt Nam” của TAND tỉnh Thanh Hóa
Nói về múa dân gian thì khá nhiều và hấp dẫn để tô thêm vẻ đẹp tươi tắn rực rỡ qua các vùng miền của Tổ quốc như “Múa Dao đỏ” của TAND tỉnh Thái Nguyên rộn ràng, sôi động duyên dáng trong giao lưu của tốp nam và tốp nữ; sắc màu rực rỡ của những thiếu nữ như bông hoa chuối rừng đỏ rực tươi thắm để tôn những bước đi, nhịp nhún nhảy, quay chân thật tưng bừng. Múa “Thành đồng giữa trùng khơi” của TAND tỉnh Quảng Ngãi toát lên khí phách hào hứng sẵn sàng đạp bằng bão táp phong ba để ra đảo tạo nên những cột mốc cây số thể hiện chủ quyền của Tổ quốc. Múa “Tiếng suối cao nguyên” của TAND tỉnh Kon Tum là áng thơ tuyệt đẹp trang nhã sắc màu, động tác của các cô thiếu nữ nhịp nhàng ra suối lấy nước, đường xa mệt mỏi, các cô cởi áo… ngoài ra để tắm. Điệu múa thể hiện tình yêu cuộc sống dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian. “Tiếng chuông ngày mùa” của dân tộc Dao quần chẹt của TAND tỉnh Tuyên Quang trên tay nâng những chiếc chuông rung lên sôi động vang vọng âm thanh tưng bừng trong ngày hội. TAND TP Đà Nẵng có múa “Hương Chăm” tạo nên những pho tượng về Vùng Chăm, hình tượng cao đẹp nhất điển hình nhất chính là tượng nữ thần Ponaga luôn được tái hiện như những pho tượng vô cùng quý giá cao đẹp. Về đồng Tháp Mười, Thủ Phủ miền Tây Nam Bộ lại xuất hiện múa “Chợ nổi trên sông” của đoàn TAND TP Cần Thơ. Điệu múa diễn tả nhộn nhịp sôi động trên bến dưới thuyền từ các kênh rạch đỏ về tụ họp tạo nên phiên chợ, kẻ bán trái thơm, tốp khác nâng sọt mãng cầu, chôm chôm… Sự nhộn nhịp, rộn ràng, vui vẻ và hào hứng đi chợ trên sông thật là nét độc đáo và gây ấn tượng trong hội diễn.
Múa “Hương sen dâng Bác” của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế
TAND tỉnh Bình Định với màn múa trống đồ sộ, cùng múa quyền, múa kiếm. Dàn trống cái trống trung và một trống đại có đường kính tới gần 2m được đặt trang trọng ở trung tâm sân khấu. Màn múa “Hào khí đất võ” thể hiện đã làm sống dậy tinh thần truyền thống của Hoàng đế Quang Trung thần tốc hành quân ngày đêm để đánh tan 30 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789 từ Tam Điệp ra Ngọc Hồi đến gò Đống Đa đã chôn xác bọn xâm lăng. Rồi múa “Mừng quê hương được mùa” của TAND tỉnh Trà Vinh, diễn tả không khí vui tươi của ngày mùa, các chàng trai, cô gái nâng trên tay vỏ quả dừa gõ vào nhau tạo những âm thanh rộn ràng sôi động. Điệu múa “Từ Làng Sen” của Trường Cán bộ Tòa án lại thể hiện một hồ sen đua nở với những bông hoa trên tay, họ bồng bềnh trên mặt nước tạo nên những con đường tới quê Bác toàn là sen tỏa ngát hương thơm. Đoàn TAND tỉnh Khánh Hòa cũng mang về Hội diễn “Hương sắc miền quê” diễn tả cuộc sống lao động thường nhật của nhóm nam nữ thanh niên nông thôn rộn rã tiếng cười và ánh mắt giao duyên say đắm tình yêu và hăng hái trong lao động, đây là cảnh sắc quê hương đượm tình người hồn nhiên, mộc mạc.
Múa hát “Rạng rỡ Việt Nam” của TAND TP Hồ Chí Minh
Đoàn TAND tỉnh Bình Thuận không mang những điệu múa Chăm mà lại nổi lên điệu múa “Vượt sóng” thể hiện sự dũng cảm phi thường và gan dạ. Họ vượt trên ngọn sóng, lướt trên sóng bạc để chuyển những tảng đá lớn tới Trường sa xây cột mốc, giữ chủ quyền của Tổ quốc. Đoàn TAND tỉnh Kiên Giang trình diễn màn múa hát - hát múa “Sự tích xưa và nay” nội dung và tính triết lý sâu sắc thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và nổi hơn cả là chính tác phẩm này gắn liền với vị trí vai trò người Thẩm phán.
Múa “Hào khí đất võ” của TAND tỉnh Bình Định
Nhìn lại Hội diễn văn nghệ TAND toàn quốc lần thứ III với quy mô lớn đã tập hợp và phát hiện ra những tài năng thông qua những tác phẩm hết sức sống động, rực rỡ sắc màu, đậm đà sâu lắng nội dung. Những kỹ thuật khá đồng đều lại có nhiều tạo hình cao đẹp, bê đỡ với sự thể hiện nội tâm toát lên hơi thở, sức sống thời đại và vẻ đẹp duyên dáng hồn nhiên, tôn lên những giá trị nhân văn đã góp phần phản ánh ý chí, tinh thần của Tòa án Việt Nam “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.