Nên “cấm” hay “quản”?
Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012
Tuy nhiên, có một thực tế là loại hình dịch vụ này vẫn đang tồn tại, thậm chí “sống khỏe” bởi nhu cầu người dân tìm đến thám tử tư ngày càng lớn. Vậy nên “cấm” hay “quản” hoạt động này là vấn đề đang được đặt ra cho các cơ quan chức năng.
Từ nhu cầu thực tế
Bỗng dưng cô con gái ngoan đang chuẩn bị lên lớp 12 bỏ nhà ra đi, gia đình chị Dung ở quận Tây Hồ, Hà Nội vô cùng lo lắng. Nếu như ở nông thôn việc tìm một đứa trẻ không mấy khó khăn thì ở thành phố đó là điều không tưởng.
Đường phố đông nghìn nghịt chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là không thể biết được con đi về đâu. Không còn cách nào khác chị Dung tìm đến một văn phòng thám tử tư trên đường La Thành nhờ tìm giúp.
Một tuần sau chị nhận được tin con gái đang có mặt tại một nhà nghỉ trên đường Phạm Hùng cùng nhóm bạn. Chị tức tốc có mặt, sau khi làm “thủ tục” với chủ nhà nghỉ, thám tử vào vai Công an đã đột nhập vào căn phòng số 205, chị suýt ngất xỉu khi thấy cảnh con gái cùng đám gần chục cô cậu choai choai, có đứa không mảnh vải che thân đang ngả ngốn trong phòng…
Đưa con trở về, chị được thám tử cho biết thêm: do cháu buồn chán chuyện gia đình vì bố mẹ sắp ly hôn, mất phương hướng không muốn học nữa nên bỏ nhà đi “hoang”.
Đây chỉ là một trong hàng trăm nhu cầu cung cấp thông tin hiện nay mà dịch vụ thám tử tư sẵn sàng đáp ứng. Thực ra nhu cầu này là có thật, và tất yếu “có cầu ắt có cung”, họ tự nguyện hợp tác với phương châm cả hai bên cùng có lợi.
Nếu như trước đây chỉ những người có điều kiện kinh tế khá mới dám nhờ thám tử thì hiện nay việc sử dụng dịch vụ này đang trở nên phổ biến, với các yêu cầu ngày càng phong phú, như tìm hiểu những vấn đề liên quan đến quan hệ gia đình, của vợ chồng, con cái, tìm kiếm người thất lạc…
Ngoài ra, hiện nay có thêm nhu cầu như: Cung cấp thông tin phục vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, chống hàng giả, hàng nhái, tìm hiểu về đối tác trước khi quyết định hợp tác làm ăn, tìm hiểu tài sản của con nợ để dễ đòi, và gần đây nhất là nhu cầu quản lý con cái của các bậc cha mẹ chiếm phần lớn trong các “đơn đặt hàng” của các văn phòng thám tử tư.
Đến “lách luật” để hoạt động
Tại Hà Nội hiện có hai doanh nghiệp chính thức được cấp phép hoạt động là Công ty TNHH dịch vụ cung cấp thông tin và thương mại Việt - VDT và Công ty Điều tra và bảo vệ V. Nhưng khi vào google, lập tức sẽ cho ra kết quả hàng vài chục văn phòng hoặc nhóm thám tử tư đang hoạt động, quảng cáo công khai các dịch vụ thám tử.
Tuy nhiên, hầu hết những văn phòng này đều hoạt động “chui” hoặc “lách” dưới danh nghĩa doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “dịch vụ cung cấp thông tin dân sự”. Thậm chí theo một thám tử tư “tiết lộ”, có những trang web được quảng cáo rất rầm rộ các hoạt động thám tử nhưng không có văn phòng, nếu khách cần liên hệ thì họ hẹn gặp “đối tác” ở quán cà phê hoặc có khi một “chủ” nhưng đăng ký nhiều trang web khác nhau để hút khách.
Sở dĩ để đáp ứng một nhu cầu có thực nhưng lại phải “lách” dưới hình thức như vậy là vì tại Việt Nam, luật pháp không thừa nhận loại hình hoạt động này. Nên sau khi cấp phép vài văn phòng hoạt động dưới hình thức “cung cấp thông tin”, “điều tra và bảo vệ” thì siết chặt lại rồi cấm hẳn. Cụ thể, Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do của tổ chức, cá nhân.
Thám tử tư là dịch vụ cực kỳ nhạy cảm mà mọi yếu tố lại hầu hết phụ thuộc vào “đạo đức của người làm nghề” bởi hành lang pháp lý không rõ ràng. Pháp luật hiện hành chỉ quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Nên chỉ cần hơi “quá đà”, hay thiếu “đạo đức nghề nghiệp”, rất có thể các thám tử tư sẽ vướng vào các quy định cấm như xâm phạm bí mật đời tư, quyền công dân, bí mật kinh doanh hoặc cố tình “ăn hai mang” khi sử dụng thông tin có được vừa bán vừa tống tiền phía bên kia… gây ra những hệ lụy khó lường.
Nên “cấm” hay “quản”?
Bên cạnh những “mảng tối” như trên thì điều không thể phủ nhận là dịch vụ thám tử tư đã đáp ứng được một phần không nhỏ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nhờ dịch vụ thám tử mà nhiều người đã tìm được người thân, quản lý được con em họ, không ít doanh nghiệp đã tránh được rủi ro, lừa đảo trong kinh doanh nhờ nắm được thông tin chính xác về tình trạng tài chính của đối tác…
Hiện, không ít văn phòng luật sư, công ty luật làm dịch vụ đại diện quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đã được các công ty nước ngoài, tập đoàn kinh tế ký hợp đồng dài hạn để cung cấp thông tin, xác nhận bằng chứng làm giả, làm nhái sản phẩm của họ.
Và để đáp ứng được nhu cầu đó không còn cách nào khác, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề thám tử theo kiểu “tự phát” hoặc “núp” dưới một công ty kinh doanh loại hình dịch vụ khác. Hoạt động thám tử đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân và tổ chức nhưng lại không phải chịu một khoản thuế nào.
Đây là một bất cập lớn, bởi không được cấp phép, đồng nghĩa với việc không có sự kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến việc Nhà nước thất thu thuế và hệ quả sẽ khó lường vì chất lượng dịch vụ cũng như cách xử lý thông tin tìm kiếm được lại chỉ phụ thuộc vào “đạo đức” của thám tử mà không phải là những quy định của pháp luật và sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ coi thám tử tư là một nghề, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật rất chặt chẽ. Pháp luật Việt Nam không cho phép nên dịch vụ này đang ngấm ngầm hoạt động dưới nhiều hình thức công khai và “bán công khai”. Vì vậy nên chăng đã đến lúc cần có hành lang pháp lý rõ ràng để “quản” loại hình dịch vụ này, nhằm tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra?
Mai Thoa