Quá trình xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân

Tòa án - Ngày đăng : 07:00, 28/08/2015

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm cách mạng tháng Tám thành công.

Quá trình xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân

Trụ sở TANDTC

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu á ra đời. “Giành được chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền lại càng khó hơn”. Xuất phát từ luận điểm nổi tiếng này của Lê Nin, Đảng và Nhà nước ta đã có những sách lược đúng đắn nhằm giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới được thành lập, đang đứng trước những thử thách và khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, đó là: nguy cơ ngoại xâm tiếp tục đe doạ; bọn phản động trong nước lợi dụng lúc quân đồng minh sắp vào Đông Dương, tìm cách ngóc đầu dậy chống phá cách mạng; nền tài chính của nước nhà kiệt quệ; nhân dân có tới 95% mù chữ, lại vừa trải qua nạn đói khủng khiếp năm 1945. Để giữ vững chính quyền, không có cách nào khác là phải có ngay các biện pháp cần thiết để vừa xây dựng, vừa củng cố bộ máy nhà nước trong đó có Toà án nhân dân.

V.I Lê Nin cho rằng dưới chế độ thực dân phong kiến, xã hội tư bản “nền tư pháp chủ yếu là một bộ máy đàn áp, một bộ máy bóc lột tư sản. Vì vậy, nhiệm vụ tuyệt đối của cách mạng vô sản không phải là cải cách các chế định tư pháp... mà là huỷ bỏ hoàn toàn, phá huỷ đến tận gốc rễ nền tư pháp cũ và bộ máy của nó...”. Về Toà án đó chỉ là “... một công cụ mù quáng và tinh vi dùng để áp bức một cách không thương xót những người bị bóc lột, một công cụ bảo vệ quyền lợi của cái túi bạc...”. Chính vì vậy sau khi cách mạng tháng Tám thành công chúng ta khẩn trương phá huỷ đến tận gốc rễ bộ máy hành chính quan liêu, bộ máy tư pháp, quân đội nhà nghề, nhà tù và trại tập trung của chế độ thực dân phong kiến, thải hồi bọn tổng lý, quan lại, mật thám.

Trong mấy ngày đầu tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra nhiều sắc lệnh về vấn đề này. Đó là, Sắc lệnh số 8 ngày 5/9/1945 giải tán “Đại Việt Quốc gia xã hội đảng” và “Đại Việt Quốc dân đảng”; Sắc lệnh số 18 ngày 8/9/1945 bãi bỏ ngạch học quan; Sắc lệnh số 32 ngày 13/9/1945 bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp v.v.. Song song với việc phá huỷ đến tận gốc rễ bộ máy nhà nước của chế độ thực dân phong kiến, chúng ta cũng phải khẩn trương bắt tay xây dựng bộ máy nhà nước cách mạng, nhằm đè bẹp sức phản kháng của bọn thực dân phong kiến đã bị lật đổ, củng cố thành quả của cách mạng, xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Toà án nhân dân là một trong những bộ phận của bộ máy nhà nước, là một trong những công cụ đắc lực của chuyên chính vô sản, được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, vì vậy việc sớm thành lập Toà án nhân dân để thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là trong những ngày đầu trứng nước của Nhà nước cách mạng non trẻ là rất cần thiết. Do nhận định và đánh giá đúng, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh thiết lập các Toà án quân sự, đánh dấu sự ra đời của Toà án nhân dân ở nước ta.

Từ đó đến nay, Toà án nhân dân nước ta đã trải qua những bước phát triển khác nhau, phù hợp với nhận thức, mức độ phát triển của xã hội và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với từng giai đoạn lịch sử.

(Còn nữa) 

PV