Gắn biển phố mang tên Danh nhân Phạm Văn Bạch
Tòa án - Ngày đăng : 14:26, 11/08/2015
Đến dự buổi lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; nguyên lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ; đại diện các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương; đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Bến Tre; đại diện gia đình cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch cùng đông đảo cán bộ, công chức TAND và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Trương Hòa Bình ôn lại thân thế, sự nghiệp của cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC và cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp, đồng chí Trương Hòa Bình đã ôn lại những đóng góp to lớn của Danh nhân Phạm Văn Bạch đối với đất nước nói chung và TAND nói riêng. Theo đó, cố Tiến sĩ Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910, tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 16 tuổi, thời gian là học sinh ở Trà Vinh và Cần Thơ, học sinh Phạm Văn Bạch đã bị trường học của chính quyền đương thời đuổi học vì tham gia biểu tình, bãi khóa phản đối chính sách đàn áp học sinh và vận động học sinh tham gia để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trung học, Phạm Văn Bạch được gia đình cho đi du học tại khoa Luật Trường Đại học Lyon (Pháp) và đỗ Cử nhân Luật, Cử nhân Triết học. Năm 1936, sinh viên Phạm Văn Bạch đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - Giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. Thời kỳ này, Phạm Văn Bạch bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và có tư tưởng tiến bộ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau khi đỗ Tiến sĩ Luật học tại trường Đại học Lyon, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch trở về Việt Nam, hành nghề luật sư và dạy học ở TP Cần Thơ. Thời gian này, đồng chí giác ngộ cách mạng, có liên lạc với các tổ chức kháng chiến đóng trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam bộ và bắt đầu bí mật tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1946, được sự giác ngộ, giáo dục lý tưởng cách mạng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (lúc đó là Xứ ủy viên Nam bộ), Tiến sĩ Phạm Văn Bạch vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trải qua nhiều thời kỳ hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Bạch đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho nhiều trọng trách quan trọng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Phạm Văn Bạch được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Năm 1946, đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam bộ. Từ tháng 12/1946 đến tháng 3/1948, làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Từ tháng 4/1948 đến tháng 9/1954, đồng chí Phạm Văn Bạch được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ; Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Liên chi ủy Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.
Tháng 9/1954, sau khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí Phạm Văn Bạch được cử giữ chức vụ Phó ban Miền Nam của Trung ương Đảng; từ tháng 1/1955 đến tháng 6/1957 là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm Phó ban Quan hệ Bắc Nam của Chính phủ. Từ tháng 6/1957 đến tháng 9/1959, đồng chí là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, kiêm Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương của Chính phủ. Tháng 9/1959, đồng chí Phạm Văn Bạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định làm Chánh án TANDTC và giữ chức vụ này từ năm 1959 cho đến năm 1981.
Trong thời gian làm Chánh án TANDTC, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch còn được Đảng, Nhà nước giao kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác, như: Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, phụ trách ngành Luật học; Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Chánh án Phạm Văn Bạch là Đại biểu Quốc hội, kiêm Ủy viên Đảng đoàn của Quốc hội từ Khóa I (năm 1946) đến Khóa VII (năm 1981), Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Từ tháng 5/1983, đồng chí là thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được bầu vào chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Bạch đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có gần 8 năm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Liên chi ủy Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam và 22 năm giữ chức vụ Chánh án TANDTC.
Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tiến sĩ Phạm Văn Bạch là một trí thức có uy tín trong nước và quốc tế, là một cán bộ lãnh đạo cách mạng trung kiên, một chuyên gia pháp lý tiêu biểu của nền tư pháp Việt Nam. Trong thời gian giữ chức vụ Chánh án TANDTC, với vốn tri thức về luật pháp quốc tế, đồng chí Phạm Văn Bạch được giao phụ trách cơ quan tố cáo tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Đồng chí đã có sáng kiến lập Tòa án quốc tế lên án quân đội Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, nhờ uy tín của mình, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã thu hút được nhiều nhân vật nổi tiếng, các nhà khoa học thế giới tham gia vào Tòa án quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ. Trong đó có những người tiêu biểu như nhà văn Jean Paul Sartre; nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein (người gốc Đức, quốc tịch Mỹ, tác giả phát minh ra Thuyết tương đối). Albert Einstein là người trọng công bằng và hòa bình (ông được giải Nobel Hòa Bình năm 1921) đã đồng ý gia nhập Tòa án quốc tế để lên án Mỹ theo đề nghị của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch, điều này đã nói lên tài năng, uy tín của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đối với giới trí thức quốc tế trong công tác tư pháp và ngoại giao, vì sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình và độc lập, tự do của dân tộc.
Với thời gian gần 22 năm liên tục giữ chức vụ Chánh án TANDTC, đồng chí Phạm Văn Bạch đã có công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện nền tư pháp đất nước, sự phát triển của hệ thống các TAND. Dù ở cương vị công tác nào, ở hoàn cảnh nào, đồng chí Phạm Văn Bạch luôn là người có lý tưởng cách mạng trong sáng, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiến sĩ đã để lại trong tâm thức, tình cảm của người dân và cán bộ, công chức, người lao động TAND các cấp những ấn tượng đẹp đẽ về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, phong cách giản dị, tận tụy của người trí thức cách mạng, của người cán bộ TAND. Đồng chí Phạm Văn Bạch xứng đáng là tấm gương sáng về sự tận tụy, trung thành, nỗ lực phấn đấu vì công lý để các thế hệ cán bộ Tòa án các cấp học tập và noi theo.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, năm 1955, đồng chí Phạm Văn Bạch đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Ba; năm 1961 được tặng thưởng “Huân chương Kháng chiến chống Pháp” hạng Nhất; năm 1983 được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Nhất và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Tiến sĩ Phạm Văn Bạch nghỉ hưu năm 1982, từ trần năm 1987 tại TP Hồ Chí Minh.
Các đồng chí lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo quận Cầu Giấy, lãnh đạo TP Hà Nội thực hiện nghi thức gắn biển Phố Phạm Văn Bạch
Để ghi nhận công lao, thành tích của đồng chí Phạm Văn Bạch, năm 2005, HĐND TP Hồ Chí Minh đã quyết định đặt tên đường Phạm Văn Bạch tại phường 15, quận Tân Bình. Tại Thủ đô Hà Nội, Ban cán sự Đảng TANDTC đã có Tờ trình gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, và ngày 28/6/2010, Ban Bí thư đã có Thông báo số 355-TB/TW nêu rõ: “Đồng ý đặt tên một con đường tại TP Hà Nội mang tên đồng chí Phạm Văn Bạch, nguyên Chánh án TANDTC đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam”.
Căn cứ Nghị quyết số 02/2015 ngày 6/7/2015 của HĐND TP Hà Nội, ngày 27/7/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3517/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn. Theo đó đã quyết định đặt tên phố Phạm Văn Bạch cho đoạn đường từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ đến bùng binh nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông (cạnh Cung Trí thức TP Hà Nội) thuộc địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Phố Phạm Văn Bạch có độ dài 500m, rộng 40m, cơ sở hạ tầng hiện đại, dân cư đông đúc. Cũng thật ý nghĩa, khi phố mang tên cố Chánh án Phạm Văn Bạch lại chính là con đường dẫn vào trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội. Đây là một sự kiện chính trị, lịch sử có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhân dân Thủ đô, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức người lao động trong toàn hệ thống TAND cũng như của gia đình cố Chánh án Phạm Văn Bạch.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng chí Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 6/7/2015 của HĐND TP Hà Nội về việc đặt tên phố Phạm Văn Bạch. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo quận Cầu Giấy, lãnh đạo TP Hà Nội đã trang trọng thực hiện nghi thức gắn biển phố mang tên Danh nhân Phạm Văn Bạch trước sự chứng kiến của hàng trăm cán bộ Tòa án các cấp và hàng nghìn người dân Thủ đô.
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo TANDTC chụp ảnh lưu niệm tại phố Phạm Văn Bạch
Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng của Trung ương và TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với TANDTC và TAND TP Hà Nội chủ động, tích cực trong việc triển khai, thực hiện đặt tên phố Phạm Văn Bạch đúng vào dịp hệ thống TAND đang phấn khởi, sôi nổi tổ chức các sự kiện văn hóa - chính trị chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND. Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị của TANDTC, các cơ quan hữu quan để tuyên truyền sâu rộng về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Văn Bạch đối với đất nước. Qua đó thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, hun đúc lòng yêu nước, thương dân, lòng tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2015), để ghi nhận công lao của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đối với nền tư pháp đất nước nói chung, đối với hệ thống các TAND nói riêng, TANDTC đã có Tờ trình lên Chủ tịch nước đề nghị Nhà nước xem xét, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đối với cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch. |