Phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:34, 16/03/2020
Dự phiên họp còn có các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học lịch sử, Hội Mỹ thuật Việt Nam; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhà sử học Dương Trung Quốc.
Lựa chọn hình tượng làm biểu tượng công lý
Mở đầu phiên họp Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND, TANDTC đã ban hành kế hoạch triển khai và thành lập Hội đồng nghệ thuật dựng tượng Vua Lý Thái Tông- nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp
Trên cơ sở lấy ý kiến các ngành chức năng, các nhà khoa học thời gian qua, TANDTC thống nhất lựa chọn vị Vua anh minh làm biểu tượng cho công lý nước nhà là Vua Lý Thái Tông để xây dựng tượng. Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, thấy rằng hầu hết các quốc gia đều chọn một nhân vật công lý của đất nước mình và lựa chọn của họ chủ yếu là các nhân vật lịch sử.
Chánh án nhấn mạnh: Để tạo ra một hình ảnh, nhân vật công lý trở thành biểu tượng của Tòa án nước nhà, đặt ở các trụ sở của Tòa án, đặc biệt tại trụ sở TANDTC đang xây dựng hiện nay, TANDTC mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn việc xây dựng tượng đài Lý Thái Tông nhằm đáp ứng được các yêu cầu, phù hợp với hình tượng của vị Vua theo truyền thống lịch sử, thể hiện được công lý ở hình tượng đó.
Tại buổi họp, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng TANDTC đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông- nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ.
Trình bày Tờ trình về việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ, ông Ngô Tiến Hùng cho biết: việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông và các cố Chánh án TANDTC là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
Mục đích dựng tượng Lý Thái Tông còn hướng tới việc xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan thực hiện quyền tư pháp cao nhất nước.
Cùng với công trình trụ sở mới và trụ sở cũ của TANDTC, các bức tượng sau khi đã hoàn thành sẽ phối kết hợp với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất thể hiện được bề dày lich sử, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống Tòa án, góp phần tạo thêm điểm nhấn cho không gian kiến trúc của Thủ đô.
Công trình cũng sẽ là một tác phẩm nghệ thuật, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và chuyển tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về Tòa án nhân dân, cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Công trình mang ý nghĩa lịch sử
Góp ý về việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông các ý kiến cho rằng, việc xây dựng tượng phải khắc họa được vị Vua có nhiều công lao và cống hiến trong việc xây dựng và phát triển đất nước, vừa là nhân vật tiêu biểu nhất trong hoạt động xét xử, bảo vệ công lý trong lịch sử Việt Nam; là biểu tượng của công lý Việt Nam.
Bên cạnh đó, tượng cũng phải thể hiện được tính trang nghiêm, trang trọng, lột tả được thần thái, ý chí của nhân vật biểu tượng cho hoạt động xét xử; thể hiện vẻ đẹp, trí tuệ của người làm công tác xét xử, bảo vệ công lý.
Quang cảnh phiên họp
Tượng các cố Chánh án TANDTC được xây dựng phải thể hiện được sự trang nghiêm, trang trọng; phải làm nổi bật ý nghĩa, tầm vóc của Chánh án TANDTC- người đứng đầu hệ thống TAND, cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cao nhất của Nước CHXHCN Việt Nam; phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan xung quanh.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Lý Thái Tông là vị Vua anh minh, còn là người mở mang bờ cõi và ban hành Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta. Bức tượng cần phải đáp ứng các yếu tố đi kèm đó là: quyển sách luật cầm trên tay, chuông đặt chính diện trung tâm quảng trường. Vì biểu tượng rõ nét nhất ở Việt Nam là trống đồng (trong xét xử cũng có hình tượng đánh trống kêu oan) nên thay bằng chiếc chuông là phù hợp.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, chiều cao đế và tượng Lý Thái Tông cần ở mức phù hợp, không nên quá cao, để khi người đến tham quan dễ quan sát. Chất liệu làm tượng nên bằng đồng, bệ làm bằng đá; bệ đặt tượng cao phải có chiều cao tương đương với người đứng quan sát (khoảng 1,8 -2m), nhân vật cao từ 5-6m. Quyển sách là điểm nhấn không thể thiếu của bức tượng, biểu thị mọi điều phải dựa trên và tuân theo pháp luật, công lý.
Vị trí đặt các chân dung cố Chánh án làm sao để cảm nhận được sự gần dân, không nên áp lưng vào tường mà nên bài trí ở khung cảnh bên ngoài Quảng trường Công lý; có những không gian có thể đi vào phía sau những bức tượng nhưng không phải đường đi…
Phát biểu kết luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, qua ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất chọn hình tượng nhân vật Lý Thái Tông để dựng tượng. Bức tượng làm bằng đồng đặt ở vị trí khu quảng trường giữa tòa nhà, quay mặt về phía đường Hai Bà Trưng.
Về diện mạo, tư thế, kích thước phụ kiện, hoa văn, đế… của bức tượng đề nghị các nhà điêu khắc phác thảo thêm 3 tượng mẫu để Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông cùng nhau xem xét, lựa chọn.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, phía Tòa án sẽ tham gia thêm về chuyên môn để đảm bảo mỗi chi tiết xuất hiện trên bức tượng đều đưa ra các thông điệp, ý nghĩa về công lý, luật pháp, sự cống hiến của những vị tiền nhiệm với công lý nước nhà. Đồng thời Chánh án cũng đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ thêm về thủ tục pháp lý đối với công trình văn hóa của TANDTC.