Tòa án đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chất lượng xét xử được nâng lên
Tiêu điểm - Ngày đăng : 20:02, 27/02/2020
Cùng dự buổi làm việc có đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, VKSNDTC, Bộ Công an… Buổi làm việc do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì với sự tham dự của các Phó Chánh án TANDTC, các Thẩm phán TANDTC.
Quyết tâm thực hiện Tòa án trong sạch, vững mạnh
Tại buổi làm việc, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho biết: Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết của Trung ương, Ban cán sự đảng TANDTC đã cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch để tổ chức thực hiện thống nhất trong các TAND. Quá trình triển khai đã đạt được kết quả nhất định.
Công tác xây dựng Đảng trong TAND luôn gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đảng của ngành luôn quan tâm và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; công tác phát triển đảng, duy trì kỷ luật, kỷ cương, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đề cao tinh thần phê và tự phê bình trong sinh hoạt đảng; xây dựng, giữ gìn đoàn kết nội bộ.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống Tòa án trong thời gian qua
Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử, Ban cán sự đảng TANDTC luôn quan tâm, chú trọng đến các biện pháp đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” nội bộ theo tinh thần của nghị quyết. Triển khai tích cực việc ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện nghiêm nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.
Ban cán sự đảng TANDTC đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng các đề án nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án.
Sau hơn hai năm triển khai, công tác tổ chức cán bộ đã có những thay đổi tích cực, đội ngũ cán bộ được cơ cấu theo vị trí việc làm gắn với tinh giảm biên chế; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và công tác luân chuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý của TANDTC thực hiện bài bản, khoa học kết hợp với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ, nhằm tạo nguồn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ.
Đáng chú ý, công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện đúng quy định; các kỳ thi tuyển chọn được tổ chức công khai, minh bạch. Cùng với đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ, Thẩm phán đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện trên toàn hệ thống. Tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức và các đầu mối bên trong, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong Tòa án các cấp, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp. Chỉ đạo nghiên cứu đề án xây dựng đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ-TW. Tổ chức các Tòa chuyên trách cấp tỉnh trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức Tòa án và thực tế nhu cầu của từng đơn vị.
TANDTC đã tập trung chỉ đạo, đề ra 14 giải pháp đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử và triển khai trong toàn ngành. Vậy nên, công tác xét xử trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.
Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, đảng viên về vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” chưa thực sự sâu sắc, toàn diện và nhất quán, dẫn đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động hệ thống Tòa án thiếu đồng bộ; Luật Tổ chức Tòa án 2014 còn một số bất cập gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, như tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC, cơ cấu Thẩm phán Tòa án các cấp;… Số lượng, chất lượng Thẩm phán chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, một số luật về tố tụng tư pháp mới được thông qua đã mở rộng phạm vi và bổ sung thẩm quyền mới của TAND. Dự kiến số lượng các loại vụ việc tăng cao nhưng số biên chế không tăng nên gây khó khăn cho Tòa án.
Phó Chánh án Lê Hồng Quang cũng báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, TANDTC và Tòa án các cấp đã xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện; báo cáo tình hình nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình quy hoạch nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó là đề xuất chủ trương thí điểm sáp nhập một số Tòa án cấp huyện theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
TANDTC cũng đề nghị Bộ Chính trị sớm xem xét, cho ý kiến đối với Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND, cụ thể: Đối với TANDTC, giảm các đơn vị giúp việc về hành chính tư pháp, tăng cường đơn vị nghiệp vụ xét xử và thu gọn đầu mối cấp phòng trong các đơn vị. Trong đó, thành lập mới Vụ giám đốc kiểm tra về hành chính;
Đối với TAND cấp huyện: trước mắt cho phép thực hiện thí điểm sáp nhập 27 Tòa án cấp huyện và sau 3 năm sẽ có sơ kết đánh giá; Đề nghị sớm phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong TAND để làm cơ sở cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ và ổn định biên chế.
Đóng góp tích cực trong xây dựng thể chế
Phát biểu ý kiến, các đại biểu đều nhất trí với nội dung mà báo cáo đã đề cập đến. Sau hơn hai năm triển khai, công tác tổ chức cán bộ đã có những thay đổi tích cực, đội ngũ cán bộ được cơ cấu theo vị trí việc làm gắn với tinh giảm biên chế; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ được TANDTC thực hiện bài bản, khoa học và đạt chất lượng cao.
Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử, công tác xây dựng Đảng trong TAND luôn gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh luôn được TANDTC chú trọng thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; các hoạt động của Tòa án và thực hiện việc cải cách tư pháp; việc xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất cho các Tòa cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Cùng với đó là công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng ở các vụ án lớn mà TAND đã xét xử thời gian qua; Công tác hướng dẫn pháp luật là công tác lớn được chú trọng, tháo gỡ cho Tòa địa phương và các cơ quan tố tụng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá: nhìn chung các ý kiến cơ bản nhất trí báo cáo của TANDTC. Qua 4 năm thực hiện các nghị quyết của Đảng thấy rằng, Ban cán sự đảng TANDTC và tập thể Tòa án đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của đảng và tạo ra những bước phát triển mới, bám sát nhiệm vụ chính trị, chất lượng xét xử được nâng lên.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TÁNDTC trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Nổi bật là Tòa án đã tích cực, vừa đóng góp và trực tiếp xây dựng thể chế các quy định về pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử; vừa tham gia xây dựng các Luật về tố tụng mà Quốc hội thông qua. Các Luật đều thể hiện tư tưởng CCTP mà nghị quyết của Đảng đề ra.
TANDTC đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn luật, tổng kết thực tiễn xét xử và ban hành án lệ; thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử… là một trong những biện pháp để đổi mới thực hiện cải cách tư pháp. Qua những vụ án lớn mà Tòa án xét xử thời gian qua cho thấy, việc tranh tụng trước tòa được đảm bảo, đó là đổi mới thực sự trong cải cách tư pháp mà Tòa án chú trọng thực hiện thời gian qua.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác Tòa án với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự Đảng TANDTC. Các hình thức lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được đổi mới và ngày càng được nâng cao, nhất là công tác xây dựng ngành, ngày càng tốt hơn. Cơ sở vật chất tuy khó khăn, nhưng cũng đã dần được đầu tư, cải thiện.
Quang cảnh Hội nghị
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhận định, Tòa án có vị trí rất quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý. Vậy nên đề nghị Tòa án trong thời gian tới đây, cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
Hoạt động của Tòa án liên quan đến sinh mệnh chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Để Tòa án là trung tâm xét xử và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp cần chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán. Thẩm phán là người nhân danh Nhà nước để đưa ra phán quyết, là người cầm cán cân công lý nên có vai trò hết sức quan trọng.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị, ngành Tòa án phát huy nền tảng và những thành quả đã đạt và trên tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt, là phải tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng công tác xét xử; khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí trong các Ban đảng đã đóng góp ý kiến cho ngành Tòa án và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện báo cáo và triển khai các nhiệm vụ trong ngành.
Thời gian qua, ngành Tòa án đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ mà Đàng, Quốc hội và nhân dân giao phó. Phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, những tồn tại hạn chế vẫn đang còn nhiều… nhưng Tòa án sẽ khắc phục để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, Chánh án khẳng định.