10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật của Tòa án nhân dân năm 2019
Tiêu điểm - Ngày đăng : 18:23, 24/01/2020
1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tích và giao nhiệm vụ cho hệ thống Tòa án nhân dân
Ngày 14/01/2019, tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã nhấn mạnh:
“Trong bộ máy Nhà nước ta, Toà án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ chủ chốt TAND
Khẳng định vị trí, vai trò và đánh giá cao những thành tích của Tòa án nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Nguyễn Phú Trọng yêu cầu và giao cho hệ thống Tòa án nhân dân các nhiệm vụ quan trọng là:
“Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Toà án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp.”
2. Hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thành công các giải pháp đột phá trong thực thi công vụ
Năm 2019, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử nên đã hoàn thành những chỉ tiêu cơ bản do Quốc hội giao.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV
Từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2019, các Tòa án đã thụ lý 625.979 vụ việc, đã giải quyết được 500.361 vụ việc (đạt tỷ lệ 80%); so với năm 2018, số vụ việc đã thụ lý tăng 69.141 vụ (bằng 12,4%), đã giải quyết tăng 58.808 vụ (bằng 13,3%); số vụ việc còn lại hầu hết trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong năm qua, chất lượng hoạt động của các Tòa án đã nâng lên, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra như: Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ; không để xảy ra việc kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,09%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra; việc tranh tụng tại phiên toà tiếp tục được các Toà án triển khai sâu rộng, thực chất; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Hệ thống Tòa án nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng là: Chất lượng, hiệu quả xét xử, giải quyết các vụ việc được nâng cao; Tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt tỷ lệ cao hơn năm trước; Hoàn thành Chương trình thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường và đổi mới công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật đảm bảo chất lượng, tiến độ; Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho toàn hệ thống Tòa án nhân dân; Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ; Hoàn thành một số mặt công tác quan trọng với chất lượng cao.
3. Toà án các cấp tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tội phạm tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tòa án nhân dân với vị trí, vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Xét xử vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và các đồng phạm
Riêng năm 2019, Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn như: Vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và các đồng phạm tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan;Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”;Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị kết án về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lội” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương cùng nhiều vụ án nghiêm trọng khác.
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Án lệ, Giải đáp vướng mắc;Trao đổi, giải đáp trực tuyến
Năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 07 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, những Nghị quyết này đã thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về các tội xâm hại tình dục; về tội khủng bố, tài trợ khủng bố; về bảo hiểm xã hội; về tội rửa tiền;...
Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Định kỳ hàng tháng, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với Thẩm phán Tòa án các cấp, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Đây là giải pháp mới trong hướng dẫn áp dụng pháp luật, có tác dụng thiết thực nên đã thu hút được đông đảo các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên toàn quốc tham gia.
Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ; ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trong năm qua, Tòa án nhân dân tối cao công bố mới 13 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố là 29 án lệ. Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 509 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.
5. Thí điểm thành công hòa giải, đối thoại tại Tòa án 16 tỉnh, thành phố; xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng với tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.
Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP. Hà Nội hòa giải một vụ việc dân sự
Sau thành công tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành đã giúp các Tòa án không phải xét xử 36.985 vụ việc, qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở tổng kết kết quả thí điểm, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất và được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho chủ trì biên soạn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
6. Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao thống nhất triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của các Tòa án quân sự
Ngày 26/4/2019, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã có Thông báo số 408-TB/VPQU-VPBCSĐ kết luận một số nội dung về tổ chức và hoạt động của các Tòa án quân sự.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và Đại tướng Ngô Xuân Lịch chủ trì hội nghị giữa Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban cán sự đảng TANDTC
Thực hiện Thông báo kết luận nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện và đã thu được những kết quả quan trọng như: Rà soát đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp tại các Tòa án quân sự để sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành Tòa án quân sự theo quy định; Triển khai việc xem xét, tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp Học viện Tòa án vào phục vụ trong quân đội và ngành Tòa án quân sự; Đề xuất cán bộ gửi đi đào tạo tại Học viện Tòa án; Thực hiện tăng cường Thẩm phán Tòa án quân sự tham gia phối hợp làm nhiệm vụ tại Tòa án nhân dân nơi đóng quân trên địa bàn tỉnh, thành phố tham gia xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm tại Tòa án nhân dân địa phương;Triển khai nghiên cứu, xây dựng Quy chế về sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp đối với các Tòa án quân sự cho phù hợp với Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị.
Ngày 30/12/2019, Tòa án nhân dân tối cao đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến đến các Tòa án quân sự cấp quân khu đồng bộ với hệ thống trực tuyến của Tòa án nhân dân.
Về chủ trương xây dựng, cải tại, sửa chữa nâng cấp trụ sở làm việc cho các Tòa án quân sự và mua sắm trang thiết bị cho Tòa án quân sự đã được Bộ Quốc phòng bố trí kinh phí xây dựng mới một số trụ sở Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân tối cao trình Chính phủ phê duyệt trang thiết bị phòng xét xử theo mô hình phòng xét xử mới.
7. Khởi công xây dựng mới Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 43 Hai Bà Trưng và trùng tu, đón nhận Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngày 17/9/2019, Tòa án nhân dân tối cao đã khởi công xây dựng trụ sở làm việc mới tại số 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công trình trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 43 Hai Bà Trưng được xây dựng mang phong cách kiến trúc tân cổ điển, có công năng hiện đại, hình thức trang trọng, đáp ứng được yêu cầu phục vụ công việc của cán bộ, công chức và người lao động Tòa án nhân dân tối cao.
Công trình trụ sở mới khi được hoàn thành cùng với trụ sở tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ phối kết với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; thể hiện được bề dày lịch sử, mang ý nghĩa to lớn, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống Tòa án nhân dân; góp phần tô điểm thêm không gian kiến trúc của thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu tham dự nghi thức khai trương Biển di tích Quốc gia - Trụ sở TANDTC
Cùng với việc khởi công xây dựng trụ sở làm việc mới, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành các hoạt động trùng tu trụ sở làm việc tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lâu dài của di tích, qua đó nhằm giáo dục thế hệ trẻ Tòa án nhân dân về giá trị lịch sử, truyền thống vẻ vang của Tòa án nhân dân.
Ngày 16/12/2019, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia đối với trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện trụ sở Toà án nhân dân tối cao được xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia thể hiện công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước. Đây là niềm tự hào của cán bộ, công chức hệ thống Toà án nhân dân nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng; là cơ sở quan trọng để Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lâu dài của di tích, tương xứng với biểu tượng công lý, nơi xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
8. Chương trình giao lưu thể thao, văn hóa giữa Tòa án nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được tổ chức thành công
Trải qua 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào đang ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp và hợp tác giữa Tòa án hai nước.
Giao lưu thể thao Tòa án hai nước Việt Nam - Lào
Giao lưu Thể thao, văn hóa giữa Tòa án nhân dân hai nước Việt Nam-Lào là sự kiện vô cùng có ý nghĩa, lần đầu tiên được Tòa án nhân dân tối cao hai nước phối hợp tổ chức; đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai Tòa án, không chỉ về lĩnh vực chuyên môn mà còn trong cả hoạt động văn nghệ, thể thao; góp phần làm sâu đậm thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em.
9. Tìm hiểu, lựa chọn Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam
Trong khuôn khổ các hoạt động tiến tới chào mừng Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2020), Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Nhân vật lịch sử tiểu biểu trong hoạt động xét xử để tổ chức tìm hiểu và xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức nghiên cứu các nhân vật lịch sử; đồng thời tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà sử học về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức lấy ý kiến lựa chọn của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân. Kết quả, các Tòa án đã thống nhất lựa chọn nhân vật lịch sử Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam
Việc tìm hiểu và xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm tiếp tục ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong hệ thống Tòa án và nhân dân cả nước mà còn là cơ sở xây dựng cho hệ thống Tòa án nhân dân một nhân vật lịch sử thực sự tiêu biểu, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, là biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam.
10. Công khai hóa bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tiếp tục mang lại những hiệu ứng tích cực
Công khai hóa bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân là một trong những giải pháp mang tính đột phá được Tòa án nhân dân các cấp chủ động triển khai và tiếp tục mang lại những hiệu ứng tích cực.
Tính đến ngày 30/12/2019, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được hơn 400.000 bản án, quyết định của Tòa án các cấp. Đến nay đã có trên 18 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày có trên 35.000 lượt truy cập.
Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử TANDTC, các TAND cấp cao và TAND địa phương
Thông qua việc công khai hóa các bản án, quyết định của Tòa án, các tổ chức, cá nhân tăng cường hơn nữa sự giám sát, phản biện đối với hoạt động của Tòa án. Đây là giải pháp căn cơ để nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật và năng lực chuyên môn của các Thẩm phán, là tiền đề làm nên chất lượng công tác xét xử; hướng đến phục vụ người dân một cách tốt nhất, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với cơ quan xét xử, biểu tượng của công lý.