Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm

Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:43, 17/12/2019

Công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Các vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh thời gian qua là bài học cảnh tỉnh đối với những người đang giữ chức vụ và quyền hạn trong bộ máy chính trị trước những cám dỗ của vật chất và quyền lực.

Trừ “giặc nội xâm” - khó vẫn phải làm

Tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện mục đích vụ lợi. Tội phạm tham nhũng là những người có chức quyền, sử dụng chức quyền như một phương tiện để trục lợi cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về xử lý các vụ án tham nhũng là không có vùng cấm và xử lý triệt để, nghiêm minh. Khi có hành vi vi phạm pháp luật, bất cứ ai cũng đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và trước pháp luật, cán bộ cấp cao vi phạm cũng bị xử lý như những người khác. Cách đây gần 70 năm, ngày 5/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu (nguyên Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu) bị tuyên án tử hình về các tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.

Mặc dù Trần Dụ Châu là người đảm nhiệm chức vụ cao, quan trọng trong Quân đội, nhưng với quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, quyết trừ “giặc nội xâm” như Châu để làm trong sạch Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ án này. Người đã dứt khoát bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu.

Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm

Phiên tòa xét xử vụ AVG

Có thể nói, vụ án Trần Dụ Châu là một bài học mang tính thời sự nóng hổi trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hiện tại, khi tổ chức Đảng các cấp tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bài học từ vụ án Trần Dụ Châu có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa và đấu tranh với nạn tham nhũng, thoái hóa biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn trong thời gian gần đây, dư luận quần chúng nhân dân rất hoan nghênh và đặt niềm tin ở công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có sự chỉ đạo trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao bị điều tra, truy tố, xét xử. Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng.

Hiện tại, từ ngày 16/12/2019, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng bị TAND Tp Hà Nội đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” đã cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng là không khoan nhượng.

Với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, Đảng ta kiên quyết loại bỏ ra khỏi hàng ngũ của Đảng những con sâu, những mối ung nhọt đó, bất kể đó là những người đã từng đảm nhiệm các vị trí cao cấp trong bộ máy Nhà nước, trong tổ chức Đảng. Đây là việc khó, nhưng khó vẫn phải làm, nhằm củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời cũng là để răn đe, phòng ngừa, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tập trung thu hồi tài sản tham nhũng

Kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, song một nhiệm vụ quan trọng không kém cũng cần được triển khai tích cực, đó là chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Trong các nhiệm kỳ, Đảng ta đã dành nhiều quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ này. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, bước đầu đạt kết quả.

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã chỉ rõ phải “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện… Chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã yêu cầu: “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”.

Ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21- KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, yêu cầu các cơ quan chức năng: “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”.

Tại Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", Bộ Chính trị yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, những sửa đổi về pháp luật trong thời gian gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách theo hướng coi trọng hơn yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát. Cụ thể như tại Điều 40 - Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định giảm hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân đối với trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Theo quy định pháp luật, việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện thông qua các biện pháp tố tụng: kê biên tài sản, nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, phong tỏa tài khoản ngân hàng… để đảm bảo tài sản tham nhũng không bị tẩu tán, thất thoát. Song, ngoài các biện pháp cơ học này, các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang hướng tới một hình thức thu hồi khác, đó là vận động, thuyết phục người phạm tội nhận thức được hành vi vi phạm, từ đó họ có ý thức tự giác khắc phục hậu quả, tự nguyện nộp lại tài sản do tham nhũng mà có.

Điển hình là trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), tổng số tiền thu hồi được (8.845 tỷ đồng) thậm chí còn lớn hơn số tiền thất thoát (8.697 tỷ đồng) mà các cơ quan tố tụng xác định trong vụ án. Đây là vụ án thu hồi được tài sản nhiều nhất từ trước đến nay. Để làm được điều này, ngoài việc vận động, các cơ quan tố tụng đã phải phân tích, đưa ra những cơ sở pháp lý về các hình thức xử phạt, vận dụng kỹ năng, sự linh hoạt, khôn khéo…  mới có sức thuyết phục. Vấn đề ở đây là phải áp dụng chính sách hình sự như thế nào với những đối tượng này?

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), chính sách hình sự là chính sách pháp luật trong lĩnh vực hình sự, thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chính sách hình sự quyết định về các hình thức xử phạt, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó nhấn mạnh phải cân nhắc giữa hậu quả hành vi và thái độ khai báo, ý thức khắc phục hậu quả.

“Giống như nguyên tắc suy đoán vô tội, việc truy tố, xét xử phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, không được suy đoán theo hướng nặng hơn cho họ. Cùng là việc khắc phục hậu quả, người khắc phục 50% phải khác người đã khắc phục 100%. Đó là chưa kể đến những người còn tự giác trả các khoản tiền khác ngoài tính toán của các cơ quan tố tụng (tiền lãi, chi phí phát sinh) mà họ không bắt buộc phải trả. Việc làm đó của họ là những tình tiết giảm nhẹ hơn những người khác và sẽ được hưởng chính sách khoan hồng tương ứng. Bởi lẽ, việc khắc phục bồi thường này đã thể hiện ý thức của họ, thể hiện sự ăn năn hối lỗi của họ, thể hiện mong muốn khắc phục tối đa những thiệt hại do hành vi của họ gây ra…”, Luật sư Giang Hồng Thanh.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Những kết quả bước đầu đạt được củng cố thêm niềm tin, là động lực để Đảng, Nhà nước, nhân dân cùng đồng lòng đấu tranh, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, nỗ lực vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

“Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”. – trích nội dung Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

 

Kim Anh