Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 11/2019 của Hội đồng Thẩm phán

Tiêu điểm - Ngày đăng : 13:55, 03/12/2019

Các phiên tòa được đưa ra xem xét trong tháng 11 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết được một số vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Sau đây là một số vụ án cụ thể được đưa ra xem xét tại các phiên tòa này.

1.Quyết định hành chính buộc chấm dứt hoạt động của cơ sở sản xuất khi chưa đến thời hạn cuối cùng theo quy định chung, có sai không?

Ông Tiêu Văn Đ. khởi kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND huyện T, yêu cầu hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện T. Quyết định này có nội dung áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động đối với 3 lò gạch của ông Đ. Các lò gạch này là lò gạch thủ công  có xử lý bằng nước vôi và lò liên tục kiểu đứng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 20/2017/HC-ST ngày 24/8/2017, TAND tỉnh Hải Dương đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ. Ông Đ kháng cáo. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 142/2018/HC-PT ngày 18/4/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm, hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND của UBND huyện T. UBND huyện T có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 06/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hành chính phúc thẩm, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Hải Dương.

Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:

Bản án phúc thẩm hủy Quyết định 4434/QĐ-UBND vì cho rằng Quyết định số 4434 thực hiện theo Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của UBND tỉnh nhưng Quyết định 661 lại không phù hợp với Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nhận định này của Bản án phúc thẩm vừa không hợp lý vừa không đúng quy định của tố tụng hành chính. Quyết định 661 là văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải quyết định hành chính cá biệt, không phải đối tượng của vụ án hành chính. Trong trường  hợp thấy văn bản 661 trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên thì Tòa án phải kiến nghị theo quy định tại Chương VIII (các điều từ 111 đến 114) Luật Tố tụng hành chính. Thực tế, Quyết định 661 có trước Quyết định 1469 nên những việc thực hiện theo Quyết định 661 trước khi có Quyết định 1469 không thể coi là trái với Quyết định 1469. Lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế lò thủ công đã được thực hiện trước Quyết định 1469 vẫn có hiệu lực, trong đó có việc ấn định thời hạn sản xuất bằng lò thủ công chỉ đến hết 31/12/2015. Vì vậy, qua ngày 31/12/2015, ông Đ không thực hiện ngừng sản xuất, bị áp dụng biện pháp xử lý theo Quyết định 4434 là vẫn đảm bảo đúng thủ tục theo quy định.

Quyết định 1469/QĐ-TTg quy định thời hạn chấm dứt hoạt động của các loại lò liên tục kiểu đứng “chậm nhất vào trước năm 2018” chứ không phải đến năm 2018 mới thực hiện. Do đó, UBND có quyết định những trường hợp đã đủ điều kiện buộc chấm dứt hoạt động trước năm 2018 là không vi phạm Quyết định 1469.

2.Việc soạn thảo hợp đồng có nhầm lẫn, ghi thiếu giá trị của một hạng mục công việc thì có được thanh toán không?

Ngày 31/01/2016, chủ đầu tư là Công ty A ký Hợp đồng 01 với nhà thầu chính là Công ty B với nội dung xây dựng công trình Nhà máy dệt may gồm 3 phần:Xây dựng, điện nước, kết cấu thép; với tổng giá trị là 52 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 01 là Phụ lục hợp đồng 01, quy định chi tiết giá trúng thầu của từng hạng mục công trình.

Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 11/2019 của Hội đồng Thẩm phán

Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Cùng ngày 31/01/2016, nhà thầu chính là Công ty B ký Hợp đồng 02 với Công ty C với nội dung giao cho Công ty C thi công phần xây dựng và điện nước có tổng giá trị là 32 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 02 là Phụ lục hợp đồng số 02, quy định cụ thể giá giao thầu của từng hạng mục.

Các hợp đồng và phụ lục hợp đồng nêu trên đều thể hiện phần xây dựng có 11 hạng mục, trong đó có hạng mục “Nhà làm việc” có giá trị (sau thuế) là 2.767.301.365 đồng nhưng khi cộng tổng giá trị 11 hạng mục đều cộng thiếu giá trị của “Nhà làm việc”.

Công trình đã hoàn thành, bàn giao cho Công ty A. Công ty C không được thanh toán giá trị xây dựng “nhà làm việc” nên khởi kiện đòi Công ty B thanh toán số tiền 2.767.301.365 đ và tiền lãi do chậm thanh toán. Công ty B không đồng ý thanh toán giá trị “nhà làm việc” vì đã thanh toán theo giá đã ký trọn gói là 32 tỷ đồng. Công ty A cũng cho rằng Công ty B không phải thanh toán giá trị nhà làm việc cho Công ty C vì Công ty A cũng chỉ thanh toán trọn gói cho Công ty B (52 tỷ đồng), giá trị hạng mục “nhà làm việc” là 0 đồng.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 29/9/2017, TAND tỉnh Hà Nam đã  buộc Công ty B thanh toán cho Công ty C 3.196.571.816 đồng (giá trị hạng mục nhà làm việc và lãi chậm trả). Công ty B kháng cáo. Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 598/2018/KDTM-PT, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử y án sơ thẩm. Công ty B có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 08/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại.

Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:

Có vấn đề phải giải thích hợp đồng để xác định ý chí của các bên về giá trị thi công hạng mục “nhà làm việc”. Thực tế trong các hợp đồng và phụ lục hợp đồng đều đã ghi giá trị thi công hạng mục nhà làm việc là 2.767.301.365 đồng chứ không phải là 0 đồng. Ý chí của các bên là các hạng mục thi công đều được trả tiền. Vì vậy, giá trị nhà làm việc không được cộng vào tổng giá trị thanh toán là do nhầm lẫn, không phải ý chí thực của các bên. Trong trường hợp này phải buộc các bên thanh toán theo đúng ý chí thực của các bên khi giao kết hợp đồng.

Theo hợp đồng thì trách nhiệm trả tiền cho Công ty C là của Công ty B. Công ty B không có yêu cầu Công ty A trả tiền thì nếu buộc Công ty A trả tiền cho Công ty B có vi phạm về phạm vi xét xử (quy định tại Điều 5 BLTTDS) hay không? Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xử buộc Công ty B trả tiền cho Công ty C nhưng vẫn bị hủy để xét xử sơ thẩm lại là từ nhận định chủ thể hưởng lợi hạng mục nhà làm việc là Công ty A nên Công ty A phải thanh toán trực tiếp cho Công ty C. Như vậy, trong trường hợp có thầu phụ, hợp đồng không rõ ràng thì cần đưa người hưởng lợi vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc người hưởng lợi trực tiếp thanh toán cho người đã thi công.

3.Có cần phân biệt đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của người bị hại?

Bùi Xuân H đã có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, làm chết chị Nguyễn Thị H. Vụ án có bị đơn dân sự là Công ty Đông Bắc (chủ phương tiện và quản lý lái xe). Bản án hình sự sơ thẩm (số 56/2015/HSST ngày 25/6/2015 của TAND tỉnh Quảng Ninh) và Bản án phúc thẩm (số 65/2017/HSPT ngày 21/02/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội) đều quyết định về trách nhiệm dân sự là:

“Buộc Công ty Đông Bắc phải bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ các khoản tiền sau:

-Chi phí mai táng 35.000.000 đồng, tổn thất tinh thần 69.000.000 đồng, chi phí đi lại 5.000.000 đồng, tổng cộng 109.000.000 đồng.

-Tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Danh D, sinh ngày… và cháu Nguyễn Danh T, sinh ngày… mỗi cháu một tháng là 600.000 đồng cho đến khi 18 tuổi.

-Tiền cấp dưỡng nuôi ông Nguyễn Duy Đông và bà Nguyễn Thị Lâm mỗi người một tháng là 460.000 đồng cho đến khi qua đời.”.

Vụ án đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 28/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm về phần “buộc Công ty Đông Bắc bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ” đề giao xét xử sơ thẩm lại.

Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:

Trong quá trình tiến hành tố tụng, những người đại diện theo pháp luật của người bị hại Nguyễn Thị H đã được xác định gồm có anh Nguyễn Danh T (chồng chị H), ông Nguyễn Duy Đ (cha chị H), bà Nguyễn Thị L (mẹ chị H). Lẽ ra, Tòa án phải tuyên buộc Công ty Đông bắc bồi thường thiệt hại cho những người đại diện theo pháp luật của bị hại Nguyễn Thị H nhưng Tòa án lại tuyên bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ là không đúng vì anh Đ chỉ là người đại diện theo ủy quyền.

Khoản 5 Điều 51 BLTTHS năm 2003 đã quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”. Quy định này thể hiện trường hợp bị hại chết là trường hợp có quy định riêng về đại diện. Người đã chết thì không thể ủy quyền nên “đại diện hợp pháp” là đại diện theo pháp luật. Quy định người đại diện theo pháp luật có các quyền của bị hại thì đương nhiên có quyền nhận bồi thường. Người đại diện theo pháp luật ngoài những trường hợp quy định rõ tại BLDS thì thường là những người thừa kế của người bị hại. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hại đã chết.

Trường hợp của vụ án này là những người đại diện theo pháp luật của bị hại lại ủy quyền cho anh Nguyễn Danh Đ. Anh Đ không phải là người đại diện theo pháp luật của bị hại (anh Đ là anh chồng chị H) nên anh Đ chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng chứ không có quyền được nhận bồi thường thay bị hại.

Chu Minh