Lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Tiêu điểm - Ngày đăng : 12:35, 11/10/2019
Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC dự và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có hơn 70 đại biểu đến từ TANDTC, các tòa án cấp cao và các tòa án cấp tỉnh, các đoàn luật sư, trường đại học, đại diện của UNDP.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của dự án cấp khu vực của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.
Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo
Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018 - 2021. Dự án hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và tư; Tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm.
Tại Việt Nam, Dự án tập trung vào 3 mục tiêu: Thúc đẩy ban hành và thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng; Thúc đẩy kinh doanh liêm chính và cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp.
Trong những năm qua, Việt Nam đã theo đuổi thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có 2 hiệp định lớn là Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong bối cảnh mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của TANDTC, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm (2014 - 2018) dao động từ 80 - 151 vụ. Các tranh chấp này thường tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Dương; Số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định kinh doanh thương mại của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam được giải quyết là 15/21 đơn đã thụ lý; Và phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 28/45 đơn đã thụ lý.
Hội thảo lấy ý kiến đối với 3 Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là cải thiện việc thực thi pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế phù hợp với cả các tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu của luật pháp quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng bình luận, thảo luận, trao đổi về từng nội dung, điều khoản của các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu sẽ làm sáng tỏ, sâu sắc thêm những vấn đề mà các dự thảo Nghị quyết cần giải quyết để làm cơ sở cho việc tiếp thu, giải trình, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến.
Đa số các ý kiến tập trung trao đổi, đóng góp về các nội dung liên quan đến các về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài; bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Phiên thảo luận lấy ý kiến đối với 3 Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ được tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày.
Chiều ngày 11/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận lấy ý kiến đối với các Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Cụ thể, lấy ý kiến đối với các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về Phần 8 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và Phần 7 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về công nhận, cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết như: Về phạm vi điều chỉnh; Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; Về thời hạn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; Về thẩm quyền của Hội đồng xét đơn yêu cầu…
Kết luận tại buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, đây là 3 lĩnh vực khó đòi hỏi chuyên môn sâu, cần thiết phải hướng dẫn cụ thể. Việc ban hành 3 Nghị quyết trên nhằm mục đích áp dụng thống nhất các luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tiễn xét xử, phục vụ hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế.
Đồng chí cũng mong muốn nhận được thêm ý kiến đóng góp cụ thể từng điều khoản về dự thảo Nghị quyết, về phạm vi điều chỉnh Nghị quyết, rà soát lại để phù hợp với các lĩnh vực liên quan, sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.