Ngành Tòa án đã có nhiều biện pháp đổi mới, thực sự hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 07:53, 30/10/2013

Buổi thảo luận tại tổ chiều qua (29/10), các Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và công tác thi hành án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Báo Công lý trích đăng một số ý kiến nhận xét.

ĐB Trịnh Thanh Bình, tỉnh Bến Tre:

 

Báo cáo của Chánh án TANDTC trước Quốc hội ngày 28/10 thể hiện sự quyết tâm rất lớn của ngành TAND trong công tác xét xử, trong đó việc thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội đối với hoạt động của Tòa án.

 

Ngành Tòa án đã có nhiều biện pháp đổi mới, thực sự hiệu quả

 

Báo cáo cho thấy, các mặt đều có chuyển biến tốt, chất lượng vượt trội, hoàn thành được nhiều yêu cầu, chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Mặc dù lượng án các loại đều tăng song kết quả giải quyết cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. 

 

Việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật cũng được TANDTC thực hiện triệt để, có nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án của Tòa án các cấp. 

 

Trong bối cảnh chung, hệ thống pháp luật và nền tảng quản lý còn nhiều bất cập so với thực tế, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp thì sự nỗ lực của ngành Tòa án để đạt được kết quả cao như vậy là điều đáng ghi nhận. Còn một vài chỉ tiêu không đạt được so với nghị quyết mà Quốc hội đề ra là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm của Chánh án TANDTC về việc đề nghị Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu cho sát với thực tế, để các cán bộ trong ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

 

ĐB Nguyễn Trọng Trường, tỉnh Bắc Ninh:

 

Tôi cho rằng, chỉ đạo của Chánh án TANDTC về việc tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án là điều rất cần thiết hiện nay. Vì việc cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành ở Tòa án các cấp theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm công tác đối với từng cấp Tòa án, từng bộ phận, cá nhân trong đơn vị sẽ có tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của ngành Tòa án, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. 

 

Ngành Tòa án đã có nhiều biện pháp đổi mới, thực sự hiệu quả

 

Với trách nhiệm của một ĐBQH, tôi cũng xin chia sẻ thêm về lĩnh vực thi hành án hình sự hiện nay (vì Tòa án với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình), đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Từ ba trường hợp thí điểm tử hình bằng biện pháp tiêm thuốc độc ở Hải Phòng và Hà Nội thời gian qua, qua tính toán cho thấy, ước tính ban đầu, chi phí cho một ca như vậy lên đến 90.000.000 đồng, trong khi kinh phí nhiều địa phương còn hạn chế nên rất khó khăn. Vì vậy, theo tôi nên tiến hành song song hai biện pháp là tiêm thuốc độc và xử bắn như trước đây, lựa chọn phương án nào là tùy thuộc vào điều kiện kinh phí của địa phương đó, như vậy sẽ hợp lý hơn.

 

ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An): 

 

Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác năm 2013 của ngành Tòa án tại kỳ họp này cho thấy có sự chuyển biến mới, tích cực trong hoạt động xét xử, đặc biệt là kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

Ngành Tòa án đã có nhiều biện pháp đổi mới, thực sự hiệu quả

 

Năm 2013, lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là trên 6.000 đơn/vụ, tăng hơn 200 vụ so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ giải quyết vượt 3,3% so với yêu cầu mà Nghị quyết số 37 đã đề ra. Tôi cho rằng, để có kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Chánh án TANDTC và của toàn ngành trong việc triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân làm phát sinh đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

Một cách làm mà tôi cho rằng rất hiệu quả, đó là Chánh án TANDTC đã chỉ đạo thành lập các “Tổ Thẩm phán” giúp Chánh án xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC, nhằm rút ngắn quy trình đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ việc. Bên cạnh đó, TANDTC cũng đang phối hợp với VKSNDTC xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc giám đốc thẩm, tái thẩm... Đây thực sự là một bước đổi mới, sáng tạo, khâu đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội. 

 

Mai Thoa (ghi)