TANDTC tăng cường thí điểm đối thoại, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính

Tiêu điểm - Ngày đăng : 14:22, 11/09/2019

Việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng là một trong những nội dung công tác trọng tâm được Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán và Chánh án TANDTC đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, TANDTC cũng có nhiều biện pháp tăng cường thí điểm đối thoại, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính

Tăng cường ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết các vụ án hành chính

Những năm gần đây, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên, tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều.

Đặc biệt, các khiếu kiện hành chính có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai đã gây nên các khiếu kiện bức xúc, kéo dài, tạo thành các điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận báo chí và xã hội. Mặc dù các Tòa án đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, nhưng việc giải quyết loại án này của các Tòa án trong thời gian vừa qua đã bộc lộ một số hạn chế.

Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, mà một trong các nguyên nhân là do một số quy định trong các văn bản pháp luật nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng còn quy định chung chung, thiếu tính cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến việc hiểu không đúng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng các quy định của Luật Tố tụng hành chính vào giải quyết các vụ án của một số Thẩm phán, Tòa án còn chưa được thống nhất. Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, năm 2016, TANDTC đã ban hành Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 về một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, trong đó 13 vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Tố tụng hành chính đã được TANDTC hướng dẫn một cách thấu đáo.

TANDTC tăng cường thí điểm đối thoại, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính

Th.s Tô Thị Kim Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III-TANDTC

Các văn bản Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/7/2017, Giải đáp số 02/2018/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 của TANDTC về tố tụng hành chính được Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án các cấp, các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, sinh viên ngành luật, công chúng và xã hội đánh giá cao khi giải đáp được những vấn đề vướng mắc về tư cách của người tham gia tố tụng; về đối tượng khởi kiện như trường hợp người khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính, sau đó, người khởi kiện bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đối tượng khởi kiện ban đầu; hoặc trường hợp đơn khởi kiện thể hiện nội dung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng người khởi kiện chỉ yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, ngày 05/12/2018, Chánh án TANDTC có Chỉ thị số 03/2018/CT- CA về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Theo đó Chánh án giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Tòa án và các đơn vị liên quan tổng kết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong giải quyết các vụ án hành chính để tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; đề xuất, kiến nghị các cơ quan hữu quan sửa đổi, bổ sung, khắc phục; Vụ Giám đốc kiểm tra III TANDTC chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, báo cáo Chánh án TANDTC.

Mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải...”; “Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án”... Nghị quyết số 37 năm 2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND… cũng yêu cầu TANDTC chỉ đạo các cấp Tòa án “... Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự...”.

Triển khai nội dung này, tại phiên họp lần thứ 4 năm 2017, của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã quyết định giao TANDTC nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Thực hiện chỉ đạo trên, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 11 ngày 22/1/2018 đề ra các yêu cầu, nội dung thí điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc TANDTC và TAND TP. Hải Phòng. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện thí điểm; quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tiêu chuẩn Hòa giải viên, Đối thoại viên, trình tự, thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện thí điểm. Kết quả 6 tháng thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án hai cấp TP. Hải Phòng đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Đã tổ chức hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%.

Từ thành công bước đầu của thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TANDTC nhận thấy đây không những là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng quá tải, tồn đọng án, giảm tải khối lượng công việc mà các Thẩm phán phải giải quyết; thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế - xã hội phát triển, giảm chi phí cho xã hội. TANDTC tiếp tục mở rộng thí điểm tại TAND TP. Hải Phòng và Tòa án 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao việc TANDTC đã triển khai thực hiện mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, xem đây là một giải pháp đột phá có hiệu quả thiết thực của TAND.

Xây dựng bản án mẫu mực và công khai trên mạng internet

Các văn bản tố tụng hành chính do Thẩm phán, Tòa án ban hành là loại văn bản quan trọng, có đặc trưng riêng, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền ban hành văn bản này theo trình tự tố tụng chặt chẽ được quy định trong pháp luật tố tụng. Vì vậy, yêu cầu đối với văn bản này không chỉ đảm bảo về mặt nội dung, hình thức, bố cục, văn phong mà qua đó còn thể hiện chất lượng của văn bản tố tụng, uy tín của Thẩm phán và Tòa án. Do đó, ngày 13/1/2017, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP về một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Đồng thời, TANDTC tổ chức các Hội nghị tập huấn về viết bản án. Qua đó, chất lượng soạn thảo văn bản tố tụng cũng như soạn thảo bản án, quyết định của Tòa án đã được nâng cao rõ rệt. Cùng với đó, việc công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án được triển khai trong toàn hệ thống Tòa án từ ngày 1/7/2017 thể hiện tính minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án, công chúng có điều kiện tiếp cận, giám sát, bình luận đối với các bản án, quyết định được đăng tải, công bố công khai.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh, TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá, trong đó, đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là một nội dung trọng tâm, quan trọng. Với truyền thống 74 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, Thẩm phán, cán bộ Tòa án, chúng ta tin tưởng rằng, TAND nhất định sẽ thực hiện tốt sứ mệnh vinh quang là bảo vệ công lý, công bằng xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tô Thị Kim Nhung