Điểm nhấn quan trọng về cải cách tư pháp tại Tòa án

Tiêu điểm - Ngày đăng : 14:19, 11/09/2019

Điểm nhấn quan trọng về CCTP hiện nay và thời gian tới mà TANDTC hướng đến là đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực cho Tòa án.

“Xây dựng nền tư pháp liêm chính, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý, đấu tranh với mọi loại tội phạm, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…” là mục tiêu cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 49 mà hệ thống Tòa án đã và đang thực hiện trong năm qua và những năm tiếp theo.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về CCTP, những năm qua TANDTC triển khai, thực hiện nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu tập trung việc hoàn thiện thể chế, thủ tục áp dụng pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp. Cùng với đó là đổi mới tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TAND trong sạch vững mạnh.

Ban cán sự Đảng TANDTC đã tích cực tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết số 49 với nhiều hình thức và nội dung phong phú, như tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt các nội dung của Chỉ thị và Nghị quyết đến cán bộ, công chức, người lao động trong toàn hệ thống TAND. Cùng với đó là việc ban hành các Kế hoạch, Chỉ thị, Chương trình hành động cho từng giai đoạn và triển khai thực hiện đến các cấp Tòa án; Tổ chức Hội nghị về “Chiến lược CCTP trong TAND định hướng đến năm 2030” và tiến hành tổng kết theo đúng chỉ đạo và yêu cầu của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nhằm đánh giá những kết quả đạt được, nêu lên những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo những giải pháp liên quan đến nhiệm vụ CCTP trong hệ thống TAND.

TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành 14 Thông tư liên tịch, 46 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Bộ luật/Luật về tố tụng cùng các thông tư hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh việc ban hành các tập giải đáp nghiệp vụ cho các Toà án địa phương, để thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết về quy trình lựa chọn, áp dụng và công bố án lệ. Đến nay, TANDTC đã công bố 26 án lệ về hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động; hiện đã có hàng chục bản án được áp dụng án lệ về tranh chấp hợp đồng tín dụng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hôn nhân gia đình, về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất… TANDTC cũng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng cuốn “Án lệ và Bình luận - Quyển I”; Xây dựng và đưa vào hoạt động Trang tin điện tử về án lệ để kịp thời đăng tải các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, các tin tức và sự kiện liên quan đến lĩnh vực này…

Điểm nhấn quan trọng về cải cách tư pháp tại Tòa án

Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Trước đó, trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, TANDTC đã tích cực đóng góp ý kiến cho Ban soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hiến pháp mới trong toàn hệ thống TAND. Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, TANDTC đã chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật quan trọng như: Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Phá sản 2015, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015… TANDTC cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Bộ luật TTHS, Bộ luật Dân sự, BLHS năm 2015, Luật Thi hành án hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và nhiều dự án luật khác... Tham gia góp ý đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan gửi xin ý kiến góp ý.

Kết quả đổi mới tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND theo tinh thần Nghị quyết 49 được TANDTC triển khai hiệu quả. Hiện nay, TAND được tổ chức theo mô hình 4 cấp, với bộ máy hoạt động theo hướng chuyên môn hoá nhưng linh hoạt, không bị cồng kềnh hay tốn kém, lãng phí.

Điểm nhấn quan trọng

Xác định  nguồn nhân lực là nền tảng quan trọng trong xây dựng Tòa án công bằng, liêm chính, bảo vệ công lý, nên TANDTC rất chú trọng đến công tác này.

Triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Nghị quyết của Trung ương về “Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban cán sự Đảng TANDTC đã chủ động, tích cực chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động của Tòa án các cấp. Cùng với đó là nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBTVQH cho phép thí điểm sáp nhập 31 TAND cấp huyện tại 14 tỉnh, thành. Theo lộ trình thực hiện, Đề án sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua vào quý I năm 2020.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ Toà án trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết được thực hiện theo hướng đảm bảo đủ cán bộ với nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ban cán sự Đảng TANDTC đã chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch phục vụ cho công tác trên. Trong đó, đáng chú ý là các Đề án: Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành TAND giai đoạn đến năm 2020; Đề án nâng cao năng lực Trường cán bộ Tòa án; Đề án Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành TAND đến năm 2020; Đề án trao đổi, đào tạo Thẩm phán với một số nước phát triển có nền tư pháp tiên tiến nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế;…

Việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam được Chánh án TANDTC ban hành và thực hiện từ năm 2018 đến nay, hay “Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án” đang được Ban cán sự Đảng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng… là những dấu mốc quan trọng mà Tòa án thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thẩm phán là nghề nghiệp vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Nhân dân đòi hỏi ở họ những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm - cũng là mong muốn của lãnh đạo TANDTC đối với toàn bộ cán bộ, Thẩm phán Tòa án.

Điểm nhấn quan trọng về CCTP hiện nay và thời gian tới mà TANDTC hướng đến là đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực cho Tòa án. Cùng với việc thành lập Học viện Tòa án nhằm từng bước kiện toàn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ của ngành, TANDTC đã xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Tòa án với nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý và bồi dưỡng lý luận chính trị; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ các chức danh tư pháp trong hệ thống TAND, tổ chức tập huấn trực tuyến theo chuyên đề định kỳ hàng tháng cho đội ngũ công chức có chức danh tư pháp của các Tòa án thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến.

Thực hiện quy định về thi tuyển Thẩm phán, đến nay TANDTC đã tổ chức thành công 10 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán cho 175 người dự thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp, 1.896 người dự thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp, 2.023 người dự thi Thẩm phán sơ cấp. Những quy định mới về thi tuyển để tuyển chọn bổ nhiệm Thẩm phán đã góp phần lựa chọn được đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài để đảm nhận chức danh Thẩm phán, tác động lớn đến phong trào tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh, kinh nghiệm.

Ngoài ra, TANDTC đã tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ với kết quả lựa chọn được 5 đồng chí. Các ứng viên tham dự thi không chỉ ở nguồn quy hoạch tại chỗ của đơn vị mà mở rộng với các ứng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi. Tất cả các ứng viên đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin về kỳ thi cũng như được tạo điều kiện tốt nhất trong thi tuyển. Việc tổ chức thành công kỳ thi tuyển đã tạo được một tiền đề mang tính đột phá trong công tác cán bộ, khuyến khích người có tài, có đức tham gia công tác quản lý, điều hành tại các đơn vị, Tòa án thông qua cơ chế thi tuyển cán bộ. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách tiền lương đối với Tòa án đều được Ban cán sự đảng TANDTC thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình.

TANDTC cũng đã thực hiện nhiều đổi mới căn bản việc quản lý công chức về nội dung tuyển dụng công chức, đó là việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế và thông qua thi tuyển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh. TAND các cấp đã thực hiện luân chuyển một số đồng chí trong hệ thống, được các cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức từ cấp uỷ, lãnh đạo đến cán bộ, đảng viên trong cơ quan Tòa án, tạo ra không khí, động lực mới trong công tác cán bộ của hệ thống TAND.

Các cán bộ luân chuyển công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm và trưởng thành nhanh chóng qua hoạt động thực tiễn. Ngoài ra, công tác bổ nhiệm và công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được các Tòa án thực hiện nghêm túc, công khai, minh bạch; chế độ, chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án từng bước được cải thiện.

Với những kết quả đã đạt được như vậy, thời gian tới và định hướng đến 2030, TANDTC cũng đã đề ra nhiều mục tiêu thực hiện, trong đó quán triệt  mạnh mẽ việc:  “Xây dựng nền tư pháp liêm chính, hiện đại, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý, đấu tranh hiệu quả với mọi loại tội phạm, vi phạm, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực”.

TS. Đào Xuân Lan- Thẩm phán TANDTC