Tòa án các cấp đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:05, 10/09/2019

Vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã có phiên họp toàn thể, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2019. Đây là phiên họp thẩm tra trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tháng 10 tới.

Triển khai hiệu quả 14 giải pháp

Tại phiên họp, thay mặt Chánh án TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đã báo cáo về công tác Tòa án năm 2019.

Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho biết, trong năm qua Tòa án các cấp đã giải quyết, xét xử 410.572 vụ việc các loại trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý. Qua công tác xét xử, giải quyết các loại vụ việc cho thấy, tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan đã giảm nhiều (đạt tỷ lệ 1,1%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các vụ việc để quá hạn luật định. Việc xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những vụ án tham nhũng, kinh tế được xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đánh giá cao…

TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực công tác và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động xét xử, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đặt ra, TANDTC đã quán triệt Tòa án các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp đột phá. Việc công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử đi vào nề nếp, tạo điều kiện để người dân giám sát và buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao trách nhiệm; Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật được chú trọng, đặc biệt nhiều vấn đề khó, vướng mắc trong thực tiễn đã được tập trung hướng dẫn.

Trong năm đã ban hành nhiều nghị quyết, thông tư, các tập giải đáp pháp luật; Công tác phát triển án lệ được tăng cường, TANDTC đã công bố mới 13 án lệ. Bắt đầu từ năm 2019, TANDTC tổ chức định kỳ các phiên đối thoại trực tuyến về nghiệp vụ giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC với các Thẩm phán cả nước, qua đó tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xét xử. Với mục đích tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ, TANDTC đã thành lập 19 đoàn kiểm tra nghiệp vụ do lãnh đạo và Thẩm phán TANDTC làm trưởng đoàn kiểm tra tại các địa phương, qua đó phát hiện nhiều thiếu sót trong công tác chuyên môn và quản lý điều hành… để chấn chỉnh kịp thời.

Thẩm tra báo cáo của Chánh án TANDTC, thay mặt Nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Luật đánh giá: Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC năm 2019 cơ bản đã nêu được khái quát tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của TAND các cấp. Các số liệu được nêu khá cụ thể, phản ánh những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc cũng như những hạn chế, đồng thời phân tích khá rõ các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, Báo cáo cần đánh giá sâu về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chung của Tòa án các cấp, trong đó có các vấn đề giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử các vụ án hành chính.

Nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được trong công tác xét xử các vụ án hình sự và nhận thấy: Năm 2019, mặc dù số lượng các vụ án thụ lý tăng, nhưng tỷ lệ giải quyết cũng được tăng lên, 1,55% về số vụ và 1,49% về số bị cáo. Nhiều tiêu chí tiếp tục đạt yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Các Tòa án cũng đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng mà dư luận quan tâm.

Mặc dù số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý tăng nhiều so với cùng kỳ, song số giải quyết được cũng tăng tương ứng. Chất lượng trả lời đơn và kháng nghị được đảm bảo. Hầu hết kháng nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Đặc biệt, thực hiện yêu cầu giám sát của Quốc hội, TANDTC đã tập trung chỉ đạo giải quyết căn bản đối với các đơn kêu oan.

Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời được dư luận đánh giá cao. Tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, bảo đảm, tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Kiên quyết trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung đối với 1.994 vụ án (tăng 694 vụ so với cùng kỳ 2018), trong đó trả hồ sơ yêu cầu VKS khởi tố tội phạm mới đối với 49 vụ án. Các Tòa án phối hợp với VKS tổ chức 4.947 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 1.131 phiên tòa so với cùng kỳ năm 2018), góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Tòa án các cấp đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang phát biểu tại phiên họp

Đáng chú ý, khâu tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Nhóm nghiên cứu của UBTP đánh giá cao. TANDTC đã tích cực chỉ đạo các TAND thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu quả, từng bước đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ CCTP. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ công chức được TAND tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm đối với những sai sót về công tác chuyên môn, cũng như công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của một số TAND địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế tồn tại liên quan đến việc hủy, sửa bản án, việc áp dụng các hình phạt bổ sung, cho hưởng án treo… cần khắc phục.

Chưa phát hiện trường hợp nào oan sai hay bỏ lọt tội phạm

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, Ủy viên Thường trực UBTP cũng nhận xét, Toà án các cấp đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, quán triệt yêu cầu xử lý theo hướng rõ đến đâu xử lý đến đó, chia thành các giai đoạn để xử lý dứt điểm. Trong kỳ báo cáo, Toà án đã xét xử 240 vụ án, 517 bị cáo về tội phạm tham nhũng (tăng 83 vụ, 119 bị cáo), áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, biện pháp tư pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản… Việc cho các bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Số bị cáo được hưởng án treo đúng pháp luật đạt 99,83%.

ĐB Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Kết quả của ngành Tòa án rất đáng ghi nhận, chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm. Trong kỳ cũng chưa phát hiện trường hợp nào oan sai hay bỏ lọt tội phạm, tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa vì lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm. ĐB cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cần tránh khuynh hướng khi Toà án đang tiến hành xét xử một vụ án nào đó thì có những ý kiến cá nhân, tổ chức yêu cầu Toà án nên nghiên cứu những chứng cứ này, hay chứng cứ khác… sẽ ảnh hưởng đến độc lập xét xử của Tòa án.

Theo ĐB, vấn đề độc lập xét xử được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật TTHS, Luật Tổ chức Toà án. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các tổ chức, cá nhân cần tôn trọng sự độc lập của Thẩm phán.

Giải trình thêm một số khó khăn trong xét xử án hành chính, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết: Số lượng án hành chính có xu hướng tăng, tính chất phức tạp. Luật TTHC đã quy định rõ thẩm quyền người tham gia tố tụng tại Tòa với tư cách bị đơn. Tuy nhiên, hiện nay những vụ án kiện Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu khi triệu tập ra Tòa rất khó khăn. Chính vì bị đơn không chịu đến Tòa nên không đối thoại được, không cung cấp chứng cứ dẫn đến phải hoãn phiên tòa.

Trong 10 tháng qua (từ 1/10/2018 đến 31/7/2019), 51 Thẩm phán xin thôi việc vì áp lực quá lớn, công việc quá nhiều. Tại các tỉnh phía Nam, Tòa hai cấp của tỉnh ít án nhất là trên 11.000 vụ, tỉnh có án khá cao là 17.000 vụ, TP. Hồ Chí Minh là 75.000 vụ án các loại. Số lượng án nhiều, áp lực lớn mà chế độ đãi ngộ thấp nên nhiều Thẩm phán xin thôi việc để ra làm luật sư. Có trường hợp chục năm trước đi ra làm bảo vệ cho Văn phòng công chứng tư. Vậy nên, ngành Tòa án rất mong được sự chia sẻ những khó khăn này.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát cũng đã nắm được tình trạng này, nên đề nghị TANDTC thống kê những trường hợp như vậy để công khai trước Quốc hội những Chủ tịch, Phó Chủ tịch nào không đến Tòa, nằm ở huyện nào, tỉnh nào.

Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng kiến nghị TANDTC chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện 14 giải pháp đã được ngành Tòa án đề ra để nâng cao hơn nữa chất lượng các lĩnh vực công tác; có giải pháp nâng cao hơn nữa số lượng và chất hượng giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tiến hành tổng kết những vướng mắc qua thực tiễn thi hành để ban hành các nghị quyết hướng dẫn. Đồng thời tăng cường hoạt động giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử, bảo đảm thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử…

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp tục đầu tư, xây dựng cải tạo trụ sở và trang bị cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Mai Thoa