Tin vắn thế giới ngày 13/4: Số ca tử vong mới tại Italy bắt đầu giảm
Chuyển động - Ngày đăng : 08:19, 13/04/2020
Số ca tử vong mới tại Italy bắt đầu giảm
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/4 công bố nước này ghi nhận thêm 4.092 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên thành 156.363 trường hợp. Trong số đó, số ca tử vong là 19.899 trường hợp (tăng 431 ca) và số ca hồi phục là 34.211 ca (tăng 1.677 ca). Số ca tử vong trong ngày tại Italy hiện ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/3.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli cho biết hiện có 27.847 ca nhập viện với các triệu chứng, và tổng số ca phải điều trị tích cực là 3.343, giảm 38 trường hợp. Theo đó, số ca điều trị tích cực tiếp tục duy trì mức giảm trong suốt tuần qua.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Italy có nhiều dấu hiệu khả quan.
Ca nhiễm mới giảm, Tây Ban Nha xem xét nới lỏng phong toả
Số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Tây Ban Nha là 619 trường hợp, tăng hơn 100 ca so sau khi đã giảm 3 ngày liên tiếp. Tổng số trường hợp tử vong kể từ khi bệnh dịch bùng phát đã vượt mốc 17.000 và có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy số ca nhiễm mới chỉ gia tăng ở mức 2,6%, mức thấp nhất kể từ đầu dịch. Cách đây 1 tháng số ca nhiễm mới tăng khoảng 20% mỗi ngày. Điều này cho thấy lệnh phong toả nghiêm ngặt được ban hành vào ngày 14/3 đã có hiệu quả. Thủ tướng Pedro Sanchez đã trao đổi trực tuyến với người đứng đầu các vùng tự trị của Tây Ban Nha chiều 12/4, và ông cho biết đất nước tiếp tục được đặt trong lệnh phong toả, mặc dù có một số nới lỏng với các lao động thuộc những ngành nghề không thiết yếu.
Iran thông báo hơn 60% số ca mắc Covid-19 đã khỏi bệnh
Ngày 12/4, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur thông báo trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 1.657 ca nhiễm SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 71.686 ca. Hiện, Iran có 43.894 trường hợp khỏi bệnh và được xuất viện (hơn 61% tổng số ca nhiễm), trong khi 3.930 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 là 4.474 trường hợp, trong đó 24 giờ qua là 117 người.
Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông. Đến nay, nước này đã tiến hành hơn 263.000 lượt xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn quốc. Các số liệu trên được công bố trong bối cảnh Iran bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế.
Thêm 35 thủy thủ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mắc Covid-19
Hải quân Mỹ hôm 12/4 cho biết, có thêm 35 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mắc COVID-19, đưa tổng số thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh lên 585. Hải quân Mỹ cũng cho hay, 92% thủy thủ đoàn đã được xét nghiệm Covid-19, với 3.724 trường hợp âm tính. Đến ngày 12/4, có 3.967 thủy thủ đã được chuyển lên bờ, trong đó có ít nhất 1 thủy thủ phải nhập viện do biến chứng Covid-19.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ghi nhận 3 ca nhiễm đầu tiên ngày 25/3, sau đó buộc phải cập cảng Guam để xét nghiệm toàn bộ gần 5.000 thành viên trên tàu. Hải quân Mỹ đang sơ tán thủy thủ đoàn lên bờ. Các thủy thủ sử dụng nhiều khách sạn khác nhau trên đảo Guam để cách ly 14 ngày, trong khi công tác vệ sinh, khử trùng con tàu đang được tiến hành.
Pháp cách ly gần 1900 quân nhân tàu sân bay vì Covid-19
Tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle chiều 12/4 đã cập cảng Toulon, căn cứ hải quân ở miền Nam Pháp sau khi được gấp rút triệu hồi về nước do bùng phát dịch Covid-19 trên tàu. Theo người phát ngôn của lực lượng hải quân Pháp tại Địa Trung Hải, Christine Ribbe, ngay sau khi cập bến, toàn bộ hơn 1700 quân nhân trên tàu sân bay cùng 200 quân nhân trên tàu chiến hộ tống đã được vận chuyển trên xe bus đến các địa điểm cách ly của quân đội Pháp. Những người này sẽ phải cách ly ít nhất 2 tuần và quân đội Pháp cũng tuyên bố sẽ tiến hành xét nghiệm cho tất cả hơn 1900 quân nhân. Một chiến dịch lớn để khử khuẩn toàn bộ tàu sân bay cũng như các tàu hộ tống cũng sẽ được tiến hành từ ngày 14/04.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu từ chức
Truyền thông khu vực ngày 12/4 đưa tin Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã thông báo trên Twitter quyết định từ chức, hai ngày sau khi quốc gia này áp đặt lệnh phong tỏa những thành phố lớn để đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong thông báo, ông Soylu khẳng định quyết định phong tỏa các thành phố lớn là kế hoạch tốt nhằm làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19. Một vài sự cố xảy ra trước thời điểm lệnh phong tỏa có hiệu lực không phản ánh đúng công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu quyết định từ chức này được Tổng thống Tayyip Erdogan chấp thuận thì ông Soylu sẽ là Bộ trưởng thứ hai rời khỏi vị trí kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này.
Julian Assange bí mật có hai con khi tị nạn trong đại sứ quán ở Anh
Julian Assange, người sáng lập Wikileaks chuyên đăng tải các tài liệu mật, đã có hai con với luật sư đại diện cho ông trong thời gian tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London chống lại việc dẫn độ. Chính luật sư này đã tiết lộ câu chuyện với tờ The Mail on Sunday khi cố gắng xin cho Julian Assange được tại ngoại theo kế hoạch thả tù nhân để tránh việc lây lan covid-19 của Chính phủ.
Luật sư 37 tuổi người Nam Phi Stella Morris đã đính hôn với Assange từ năm 2017. Hai người có hai con, 1 và 2 tuổi, đều sinh ra khi Assange đang tị nạn trong đại sứ quán, và được giữ bí mật không để cho giới truyền thông lúc đó đang theo dõi sát sao vụ việc của Assange biết được.
OPEC và các nước đồng minh đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác, gọi chung là OPEC +, vừa đạt được thỏa thuận, song vẫn chưa dứt khoát về việc cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle ngày 12/04 cho biết các nước OPEC + đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã xác nhận về thỏa thuận này.
Đụng độ Ấn Độ-Pakistan ở LoC khiến 3 người dân thiệt mạng
Người phát ngôn quân đội Ấn Độ ở thành phố Srinagar - Đại tá Rajesh Kalia cho biết, 3 thường dân nước này đã thiệt mạng hôm 12/4 trong một cuộc đấu súng và nã pháo dữ dội giữa các binh sỹ Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Ranh giới Kiểm soát (LoC) chia tách vùng lãnh thổ Kashmir. Vụ đấu pháo nổ ra tại các khu vực tiền tiêu của huyện biên giới Kupwara, cách thành phố Srinagar - thủ phủ mùa Hè của vùng lãnh thổ Kashmir nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ - khoảng 140km về phía Tây Bắc. Các báo cáo cho hay, giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp tục diễn ra, song chưa có thông tin về thiệt hại ở phía Pakistan.