Báo động già hóa dân số ở Việt Nam

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 13/04/2012

Vấn đề dân số già đang là thách thức lớn cho chiến lược dân số/sức khỏe sinh sản và các chính sách an sinh xã hội nước ta trước mắt và lâu dài

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Dự báo dân số năm 2010 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ dân số cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên) sẽ đạt ngưỡng 10% tổng số dân vào năm 2017 - hay nói cách khác dân số Việt Nam sẽ bước vào “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017. Những xu hướng và tốc độ biến động dân số theo hướng già hóa đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn lực để đón nhận số lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng.

Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm một cách nhanh chóng, do tuổi thọ tăng đã khiến dân số cao tuổi gia tăng song hành cả về số tương đối và tuyệt đối. Số lượng người cao tuổi gia tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác và tương tự như vậy chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể. Các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo: Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “đang già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn: 85 năm đối với Thụy Điển, 26 năm đối với Nhật Bản, 22 năm đối với Thái Lan, nhưng theo dự đoán ở Việt nam chỉ là 20 năm.

Cũng theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi. Đặc biệt, lứa tuổi càng cao thì tỷ số giới tính của người già (tỷ lệ phụ nữ cao tuổi trên 100 nam giới cao tuổi) tăng nhanh đáng kể từ 131 cho nhóm tuổi 60-69, đến 149 đối với nhóm tuổi 70-79 và đạt đến 200 cho nhóm tuổi 80 và cao hơn. Chính điều này dẫn tới hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam. Phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

Một thực trạng hiện nay, cho thấy: tỷ lệ người cao tuổi sống chung với con cái mình đã giảm khiến số lượng người cao tuổi sống cô đơn hoặc sống cùng bạn đời của mình ngày càng tăng. Số lượng người cao tuổi sống ở nông thôn cao gấp 3,5 lần so với số người cao tuổi sống ở các khu vực đô thị. Dòng di cư từ nông thôn ra thành thị chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự phân bố lệch của dân số cao tuổi này, đồng thời nó cũng làm tăng số hộ gia đình “khuyết thế hệ” - những gia đình mà chỉ có ông bà đang sống với các cháu. Sự phân bố không đồng đều của người cao tuổi giữa các tỉnh với các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau cũng mang lại một số tác động và ảnh hưởng nhất định.


Tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới ở độ tuổi 60 của Việt Nam tương đương với các quốc gia khác trong khu vực có mức phát triển cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại chưa cao, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm trong cuộc sống của mình. Đặc biệt, những người cao tuổi phải chịu gánh nặng kép trong chăm sóc sức khỏe, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mãn tính; đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như: ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần.

Những xu hướng thay đổi này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn đồng thời cũng có nghĩa là rủi ro dẫn tới khuyết tật cho người cao tuổi sẽ cao hơn. Được biết, chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi phí điều trị cho một một đứa trẻ. Bên cạnh đó, người cao tuổi sống ở nông thôn, các khu vực miền núi và người cao tuổi có thu nhập thấp chỉ có thể tiếp cận với các dịch vụ chất lượng thấp. Tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế đã tăng, nhưng số tiền phải thanh toán từ tiền túi của người bệnh cho cả điều trị nội trú và ngoại trú vẫn còn cao. Điều này phần nào do thực tế là tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 5 - 6% tổng GDP – tương đương khoảng 46 USD mỗi người/năm, thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực.


Thách thức quan trọng nhất là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến. Trong khi cả nước mới có 5 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi và mới có 40% bệnh viện đa khoa ở 63 tỉnh, thành có khoa lão hoặc khoa lão kết hợp với khoa tim mạch hoặc phục hồi chức năng ; chăm sóc tại cộng đồng cho người cao tuổi chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà còn mới đang manh nha.


Theo số liệu Điều tra về mức sống hộ gia đình ở Việt Nam cho thấy khoảng 43% người cao tuổi hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên hầu hết người cao tuổi đang tự tạo việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Tuy nhiên số liệu Điều tra cũng chỉ rõ: một số người cao tuổi đang sống ở cận mức nghèo đói và như vậy chỉ cần những cú sốc kinh tế nhỏ cũng đẩy họ xuống mức nghèo đói một cách dễ dàng. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với nam giới cao tuổi. Hơn nữa, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng được coi là nguồn thu nhập chính cho người cao tuổi, tuy nhiên mức độ bao phủ của các chương trình này đối với người cao tuổi chưa cao... Vấn đề dân số già đang là thách thức lớn cho chiến lược dân số/sức khỏe sinh sản và các chính sách an sinh xã hội nước ta trước mắt và lâu dài.

Thu Phương

congly.com.vn