Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát số lượng theo từng tháng
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:53, 07/04/2020
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có văn bản số 2412 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn với đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng với số lượng xuất khẩu trong tháng 4 là 400 nghìn tấn. Cùng đó, trong nước tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn.
Phương án điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được dựa trên thực tế dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phương án còn dựa vào cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có biện pháp hợp lý để duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu kép là duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng khá mạnh trên thế giới. Xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm đã tăng 31,7% về lượng và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Xuất khẩu gạo tăng khiến giá gạo trong nước tăng từ 20%-25%. Với nhu cầu và tốc độ xuất khẩu gạo trong quý I, dự báo quý II xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với số lượng gạo hàng hóa mà Việt Nam có thể xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, qua làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, tính đến 27/3, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao của các đơn vị là 1,574 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao ngay từ nay đến 31/5 là 1,38 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp thuộc VFA là 1,65 triệu tấn.
Như vậy chỉ tính riêng các doanh nghiệp thuộc VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký hợp đồng mới của Thủ tướng, lượng gạo dư vào thời điểm 31/5 vào khoảng 266 nghìn tấn. Còn tính cả lượng gạo của các doanh nghiệp ngoài VFA, lượng gạo trong kho hiện có 1,7 triệu tấn gạo và 144 nghìn tấn thóc (tương đương 75 nghìn tấn gạo).
Sau khi tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng. Trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020 cho phép xuất khẩu khoảng 800 nghìn tấn, trong đó tháng 4 cho xuất khẩu 400 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Công Thương cũng đề xuất vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Ngoài lượng 300 nghìn tấn gạo để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương kiến nghị giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ Hè Thu) là 700 nghìn tấn. Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30kg cho tháng 4 và tháng 5.