Chuyện nhà báo điều tra: Những tình huống hy hữu
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 21/06/2018
Ở các mức độ khác nhau, đôi khi hóa trang "thọc sâu" điều tra là một cái nghề đầy đam mê và thử thách, và với ai đó, các tình huống thám tử gay cấn chỉ là tình cờ.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Có lần, tôi được mời sang Nam Phi tìm hiểu về nạn giết voi và tê giác để lấy ngà, sừng bán buôn sang châu Á. Vì Việt Nam là thị trường cuối cùng và ở vào loại nóng bỏng nhất thế giới, nên họ mời tôi - nhà báo sang thực địa để trở về “nói lại” với bà con mình.
Lần đầu trở về, sau khi chứng kiến thảm trạng kinh hoàng về tàn sát trong rừng châu Phi, tôi hăng hái viết báo, in ảnh, xuất bản sách, nói chuyện trên sóng hình quốc gia, diễn thuyết trong nhiều trường đại học. Thấy hiệu quả, nên năm sau họ lại mời. Lúc tôi sang, báo chí Lục Địa Đen đồng loạt gọi cả nhóm, gồm: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, tôi, danh hài Xuân Bắc, diva Hồng Nhung là “new friends” của hoang thú châu Phi. Thậm chí đời làm báo 20 năm của tôi chưa bao giờ thấy mình trở nên “quan trọng” đến thế. Đoàn tùy tùng gồm vài chục nhà báo nổi tiếng của nhiều châu lục, máy ảnh máy quay và trang thiết bị đặc chủng… giống như một cuộc tuần hành phô trương thanh thế của báo giới thế kỷ 21 vậy. Đặc biệt, họ cấp riêng cho tôi một chiếc trực thăng màu đỏ ối để đi thực tế. Rừng của họ rộng hơn hai triệu héc-ta và lâm tặc cũng đi trực thăng bắn súng máy sau các khóa huấn luyện như binh sỹ ở Mô Dăm Bích, vì thế đi thị sát giết rừng, dĩ nhiên phải có trực thăng và súng lớn. Máy bay của họ có biểu tượng ở đuôi là hình con kudu, con vật hơi giống hươu nhưng có cặp sừng uốn lượn đăng đối vút cao - là loài đặc hữu của Phi châu - đây cũng con vật biểu tượng của Vườn Quốc gia mang tên Tổng thống Nam Phi Kruger - khu bảo tồn có chu vi và đường biên giới dài nhất thế giới!
Những bức ảnh tôi chụp bằng ống tele hoặc ống mắt cá khiến cho cảnh máu me tê giác chết; cảnh dùng búa chặt sừng, cắt dương vật và khoét mắt tê giác - con vật linh thiêng, to lớn nhất và không hề có đối thủ tự nhiên nào trong rừng châu Phi - sau này đã khiến nhiều người không tin. Họ nghĩ tôi copy trên mạng để đính kèm bài viết. Bởi đôi khi góc chụp là từ trên đỉnh trời của “chuyên cơ phục vụ nhà báo” (trực thăng).
Mọi chuyện đang thuận lợi thì tôi được Andrew Peterson, Giám đốc Quỹ bảo tồn tê giác Nam Phi “điều” đi trinh sát hóa trang vào một ổ nhóm phi pháp do ông trùm người Việt cai quản. Theo anh ta, người da trắng và người da đen đều không tin vào những cái tác dụng đồn đoán loạn xạ kiểu oẳn tà oằn của cao hổ, cao sư tử hay sừng tê giác. Cho nên, nếu “lính” da đen hoặc da trắng của anh ta mà vào vai xâm nhập thì kiểu gì cũng thất bại.
Nhiệm vụ của gã da vàng Đỗ Doãn Hoàng bấy giờ chỉ là leo lên chiếc xe trị giá khoảng 15 tỷ đồng tiền Việt Nam, phóng với tốc độ 220km/h, vào vai “thám tử”, đĩnh đạc ra khỏi thủ đô Petoria. Đến hiện trường, vào vai đại gia, xin đi… bắn thú lớn (nơi này 10.000 USD một lần xiết cò bắn hổ hay sư tử, tê giác). Uống rượu và đặt vấn đề chuyển cao hổ, cao sư tử về Việt Nam kiếm lời. Andrew gắn vào ba lô của tôi một cái chíp định vị, tôi cứ đùa, bao giờ thấy chíp báo là đang nằm dưới đáy sông hay dưới lòng đất thì đi tìm xác nhà báo nhé. Thật ra mục đích của anh ta là muốn có định vị sào huyệt mà đối tượng hoạt động. Những ngày lang thang đồng cỏ như hươu nai, có khi hoàng hôn ngồi bên hồ như báo cái, lúc bình minh đùa với gió nắng như bầy sư tử đực.
Tôi đã sống vô ưu, tuyệt bích trong thiên đường sum vầy của thú hoang. Sau quá trình khua môi múa mép, nhóm lâu la của trùm buôn đá quý và sừng tê đã bị tôi thuyết phục hoàn toàn. Chúng đem cả người yêu ra khoe, nấu cả thịt rừng và khênh rượu ngon ra đãi khách sộp. Đặc biệt, lúc chia tay, trên xe bán tải leo núi, một gã còn thề thốt kết nghĩa huynh đệ, tặng tôi mấy lạng cao sư tử cho giãn gân cốt ông khỏe bà vui. Gã bảo, anh mua cả tải cao hổ mang về Việt Nam cũng có và muốn qua được kiểm lâm và an ninh thì “nó hỏi anh cứ bảo đó là thạch”. “Bọn bên này không ăn uống cao hổ, mình nấu nhuyễn bỏ từng lạng lầy nhầy, lừa nó là thạch rau câu nó tin và cho qua ngay!”.
Biết là có thể bị theo dõi từ nhiều phía, ít ra là ở nắm thiết bị loằng ngoằng dây điện mà Andrew cài cắm vào hành trang của mình, cho nên kết thúc ngày đầu tiên “cài cắm làm nhiệm vụ”, tôi tính kế giao nộp món cao hổ, cao sư tử “quà biếu” kia cho lực lượng Công an và Kiểm lâm sở tại, mặc cho anh bạn đồng hành… tiếc hùi hụi. Tất nhiên là tôi không có ý định giữ những sản phẩm nhẫn tâm với bảo tồn đó làm gì. Chúng tôi chụp lại cảnh giao nộp cao sư tử và cao hổ, coi chúng “bằng chứng ngoại phạm” của mình rồi không quên nhắc nhau về những lần lũ chó nghiệp vụ bé bằng vốc tay ở sân bay Johanasburg lục tung va ly của tôi lên, mò bằng được mấy quả ớt để lực lượng an ninh tịch thu. Họ cấm mang các sản phẩm nông nghiệp vào nước họ. Thế thì làm gì có chuyện “đại sứ bảo vệ mội trường” dám mang cao sư tử hồi hương. Thế mới biết, đối tượng vận chuyển được những cái sừng tê giác như gốc măng cụ về Việt Nam, chắc đều có “dây dợ” cả.
Chuyện đang êm ái thì đến lúc giáp mặt “nguồn hàng”, tôi thấy anh chàng trẻ tuổi lao ra bắt tay mình rất hào hứng. Chưa kịp tĩnh tâm thì anh ta thủ thỉ: “Chào nhà báo! Tôi vẫn thường nghe anh nói chuyện trên “Cà phê sáng” của VTV”. Tôi đứng hình mất vài giây, rồi bả lả: “Thật ra, nói khẽ nhé, nhân chuyến sang công tác, mình hỏi hộ bạn bè cái việc chuyển hàng về. Giờ chỉ muốn mua ít của xịn về cho bố mẹ dưỡng già thôi”. Anh ta vẫn niềm nở, nhưng kế hoạch vạch ra bị đổ bể hoàn toàn. Mua lặt vặt thì có thể được, chứ đời nào họ tin tôi buôn hổ với sư tử. Ở trong nước, sau khi “nhẵn mặt” tham gia nhiều diễn đàn trên truyền thông, tôi biết mình phải giấu mặt khi vào vai điều tra. Lúc cần, nhân viên của tôi thường đóng thế. Sang đây tưởng chả ai biết mình là nhà báo. Nhưng tôi và Andrew quên mất một điều rằng, các “bạn” người Việt làm ăn ở châu Phi, dẫu xa nửa vòng trái đất, họ vẫn xem Truyền hình Việt Nam đều đặn y như ở trong nước. Quả là một lần chủ quan tai hại!
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (ngồi, giữa ảnh) được Hội Nhà báo Việt Nam cử tham gia một khóa đào tạo về báo chí đa quốc gia tổ chức tại Thái Lan tháng 5/2018
Có lần đi điều tra về làng sản xuất mỡ thối và tóp mỡ bẩn suốt mấy chục năm qua ở Hưng Yên, tôi đi sau, phóng viên trẻ là con một nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội đi trước. Cậu ta đeo kính có chức năng quay phim lén. Vừa thò mặt vào nhà sản xuất mỡ thối, mới trình bày cháu là sinh viên muốn hỏi thuê nhà, đã thấy một phụ nữ phốp pháp xông ra, bà dí dí dao phay về phía cậu bé: “Tổ sư chúng mày. Lại bọn nhà báo chứ gì. Con bà mà nó ở nhà thì nó chém chết hết!”. Cậu quý tử con nhà giàu mặt cắt không còn giọt máu.
Cạnh làng đó có một trường đại học rất lớn, tôi nghĩ sẽ cho cậu nào trẻ như sinh viên thuê nhà trọ ở khu đó rồi đêm ngày theo dõi di biến động của thực phẩm bẩn. Không ngờ, suốt gần 20 năm hành hoành, làng đó đã bị Công an, Quản lý thị trường và các nhà báo tố cáo, bắt giữ quá nhiều lần. Giờ họ lập các xưởng quây tôn kín bốn bề, tránh bị dòm ngó. Và rất hung đồ với những người dám “chen ngang” việc làm ăn. Sau này, chúng tôi đã cho người đứng tuổi giả làm công nhân khu công nghiệp ở ven QL5 gần làng đó, rồi quay qua lỗ khóa được tất cả quy trình “đầu độc đồng bào, làm suy giảm giống nòi” của các loại thực phẩm bẩn: mỡ, tóp mỡ, nem thính, nem chạo. Chỉ có điều, tuần nào cũng phải mua cả bịch nem, bì lợn, bóng bì, mỡ bẩn ra khỏi làng rồi đi… đổ bỏ. Đặc biệt, đến khi “vào sâu”, chúng tôi còn nghe họ bày nhau kế sách đối phó với nhà báo, “bọn nhà báo sợ không dám vào làng”, “có Công an đi cùng thì thỉnh thoáng “nó” mới dám”. Một gã vận chuyển mỡ thối về Hà Nội còn tiết lộ, anh ta phải “quà cáp tết nhất” cho những ai để yên ổn làm ăn.
Có lần, khi điều tra về đường dây biến hàng nghìn con lợn chết thối trở thành thịt hun khói hay xúc xích, lạp sườn ở biên giới Cao Bằng, chúng tôi đã phải đi tới 4 cái ôtô, để biến màu đổi dạng như kỳ nhông. Vì các đối tượng theo dõi ngược lại chúng tôi. Có khi chúng cho người vây quanh xe ô tô đang nằm phục kích quay lén để dò la. Chúng tôi phải giả vờ ngủ say, coi như đi đường dài mệt quá ghé vệ đường chợp mắt, máy quay thì phủ áo quần lên. Lúc đi tìm hiểu về việc các con suối trong xanh bị hàng trăm xác lợn chết đầu độc khiến bà con toàn lưu vực không thể dùng làm nước sinh hoạt được nữa, thì lần đầu tiên trong đời tôi phải tác nghiệp bằng cách ngửi.
Ra khỏi xe, đi bộ dọc suối, hếch mũi mà “đánh hơi” như chó săn, rồi đi theo mùi thối vào các bụi rậm um tùm dưới vực sâu tìm kiếm. Từ trên bờ đá cao ven đường, các xe tải nườm nượp chở hàng nghìn con lợn sang Trung Quốc bán, lợn từ phía Nam ra, chúng đều được tiêm thuốc an thần, nằm lơ mơ ngủ cả chục ngày giời. Sang cửa khẩu, lợn ốm chết bị thải loại, họ cứ ném xác tím tái hoặc thối oẵng của chúng xuống tít dưới bờ suối sâu um tùm cây cỏ. Mùi thối và sự ô nhiễm giết chết sông suối và các bản làng thơ mộng, nhưng không ai dễ gì nhìn thấy la liệt xác lợn để tố cáo.
Sau đó, khi xâm nhập các ổ chặt khúc lợn chết ra, rũ hết thịt và lòng bị thối rữa, vợt lấy các miếng còn cưng cứng đem thả vào hóa chất và hun khói; chúng tôi đã đóng giả du khách mua đặc sản làm quà rồi quay lén bằng chương trình “Spy camera” (camerra gián điệp), lập tức bị đồ tể giả vờ làm việc mạnh tay: anh ta đổ tiết lợn vào máy của chúng tôi. Đến lúc báo cho Công an và Quản lý thị trường ra quân ập bắt quả tang nhiều tấn thịt lợn chết thối, tôi cũng phải nói dối địa điểm vi phạm. Nói dối từ Chủ tịch UBND tỉnh đến “đội quân” ở huyện, xã, để tránh nguồn tin bị lộ. Sau loạt bài chấn động đó, khi đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm Báo Lao Động, cơ quan đã đề nghị tôi đứng lên báo cáo trực tiếp nội tình vụ “đi đánh hơi làm phóng sự điều tra” này…
Đóng giả là người bắt chim, đem lồng và lá móc ngụy trang len lỏi ở các bờ ruộng ở Nha Trang, để ghi hình và mời Bộ Công an vào bắt vụ tàn sát buôn bán rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Với tuyến bài này, tôi đã được nhận giải thưởng lớn của các tổ chức bảo tồn danh tiếng trên thế giới, dành cho “Nhà báo xuất sắc”.
Vào vai chủ trang trại rùa rắn, in cardvisit giả làm “chủ nhà hàng đặc sản” đi buôn động vật hoang dã từ Việt Nam sang Lào và Campuchia. Mượn máy trắc địa, đóng giả làm nhân viên khảo sát địa chất vào rừng, sống với lâm tặc “anh làm đường cho các chú tiện chở gỗ ra” để bí mật quay phim chụp ảnh. Suốt nhiều tháng tôi phải vào vai là pê đê, thuê phòng trọ gần chúng, tập từng động tác nhỏ, tục và õng ẹo nhất, “dụ dỗ” từ trẻ em đường phố đến những người đồng tính già dơ đứng đường ở Công viên Thống Nhất, bờ hồ Hale, rồi ven Hồ Gươm để tìm ra sự thật. Để cùng luật sư, tố cáo với Công an Hà Nội, đến nhà Đại biểu Quốc hội nhờ lên tiếng, nhằm bắt, bỏ tù đối tượng Vadim Scott người Canada, cùng nhiều “ông Tây” và “ông ta” biến thái khác.
Vào vai đủ loại người và tìm ra nhiều sự thật gây sốc và hoang mang trong dư luận; cùng cơ quan hữu trách cứu người, diệt trừ tệ nạn. Nhưng đau nhất vẫn là những lần “thọc sâu” điều tra cả những khuất tất của cán bộ cơ sở. Chúng tôi vào vai “bạn hàng thân thiết” chuyên mua mắm tôm ủ hóa chất của một cơ sở trong Thanh Hóa. Lúc báo tin cho cán bộ đến kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm, xử lý các sai phạm, thì chính người vào vai ở xưởng lại được nhắc nhở “có tin đoàn kiểm tra sắp về”. Và bài viết về những rò rỉ thông tin cho cơ sở làm thực phẩm nhuộm hóa chất đã ra đời trong cay xót.
Có lần, điều tra từ Campuchia về một tỉnh biên giới Tây Nam bộ, khi nắm được thủ đoạn của các đối tượng phù phép giấy tờ nguồn gốc để tàn sát thiên nhiên hoang dã, nhóm PV đã vào vai người bán cóc, ổi, khế ở cổng Chi cục Kiểm lâm để rình cả một buổi sáng. Các máy quay khác đặt trong ô tô dán kính đen, đỗ ơ hờ bên hồ mơ mộng. Hình ảnh lọt vào các ống kính là nhân viên kiểm lâm ra khỏi trụ sở, sau khi tự tay đem dấu triện đóng vào “giấy vận chuyển rùa rắn sang Trung Quốc”, mà ở đó các tên người, địa chỉ trong “giấy phép” đều là thứ chúng tôi bịa ra 100%. Các tạ rắn, tấn rùa đều là thứ không có thật. Tóm lại các chủ trại cứ bán giấy khống, kiểm lâm cứ dấu triện vào cái sự bịa tạc kia. Rồi móc ngoặc thế nào đó. Nhân viên kiểm lâm đem giấy xác nhận nguồn gốc và vận chuyển động vật hoang dã ra quán cà phê giao cho những người lạ hoắc, không có trang trại, cũng chẳng có hàng hóa, đích đến của các món hàng ảo đó cũng là một nơi chỉ có ở… trên trời.
Quả thật, với những lần “vào vai” này, nỗi buồn, sự thất vọng tràn lấn, đôi khi làm xô lệch cảm xúc cũng như khát vọng dùng ngòi bút chân chính của mình để làm một cái gì đó cho mình và bà con mình. Giá như, người ta đừng để những "con sâu" ấy khiến lương dân phải tê tái ngẫm về một cuộc sống thiếu minh bạch và còn quá nhiều luộm thuộm…