Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 07:18, 11/04/2020
Hỏi: Hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra khiến cho Công ty chúng tôi kinh doanh thua lỗ, tổn thất rất lớn và nhiều khó khăn khác xảy ra dẫn đến tình trạng số nợ tăng lên gấp bội lần, không có khả năng trả nợ. Tôi cũng đã xác định không còn khả năng tháo gỡ và mất khả năng thanh toán. Như vậy, với việc bị mất khả năng thanh toán thì Công ty tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trả lời:
Mất khả năng thanh toán là một thuật ngữ khi một cá nhân hoặc tổ chức không còn có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình đối với người cho vay khi các khoản nợ đến hạn.
Mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến các thủ tục phá sản, các hành động pháp lí sẽ được thực hiện với chủ thể mất khả năng thanh toán và tài sản của chủ thể sẽ được thanh lý để trả các khoản nợ tồn đọng. Mặc dù vậy, không phải cứ mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp sẽ bị tuyên bố phá sản.
Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014).
Ảnh minh họa
Theo quy định trên, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp bao gồm các dấu hiệu sau:
– Thứ nhất, khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được là khoản nợ không có đảm bảo và khoản nợ có đảm bảo một phần. Như vậy, nếu khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được là khoản nợ có đảm bảo thì đây không được coi là dấu hiệu của việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
– Thứ hai, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ mà mặc dù doanh nghiệp còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ không có đảm bảo và chủ nợ có đảm bảo một phần.
– Thứ ba, pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Do đó, không thể căn cứ vào khoản nợ ít hay nhiều để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà căn cứ vào thời điểm trả nợ đã được các bên thỏa thuận trước đó. Cụ thể là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
– Thứ tư, khoản nợ được coi là mất khả năng thanh toán là khoản nợ mà chủ doanh nghiệp tạo ra từ hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình.
Như vậy, doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp đó không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn (khoản nợ không có bảo đảm và khoản nợ có bảo đảm một phần) trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Theo như bạn trình bày thì hiện nay Công ty bạn đã mất khả năng thanh toán nợ, vậy mất khả năng thanh toán là khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Một hành vi phạm tội phải hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm: i) xâm phạm quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ; ii)người thực hiện hành vi phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự; iii) hành vi gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; iv) có lỗi, mục đích và động cơ phạm tội. Do vậy, một hành vi phải hội đủ bốn yếu tố trên thì mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Theo đó, chiếu theo Điều 76 BLHS thì Công ty bạn mất khả năng thanh toán không nằm trong phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Việc Công ty bạn kinh doanh thua lỗ dẫn đến không có khả năng trả nợ thì đây chỉ là quan hệ pháp luật dân sự. Do vậy, không thể kết luận đó là hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp tư nhân căn cứ tại khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Vì vậy, trong trường hợp Công ty bạn mất khả năng thanh toán thì bạn vẫn phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với khoản nợ trên của Công ty.