Hủy quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 20:17, 14/12/2018

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, ngày (14/12), TAND TP Hà Nội đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế và yêu cầu Bộ Giáo dục phải khôi phục học hàm, học vị cho ông Quế.

Theo hồ sơ vụ án, Ngày 11/10/2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - Bùi Văn Ga ký Quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Quyết định này căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là ông Phạm Vũ Luận về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.

Theo đó, Bộ GD&ĐT cho rằng ông Quế đã sao chép đến 52,5/159 trang luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng).

Hủy quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Phiên tòa xét xử vụ kiện của ông Hoàng Xuân Quế với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Cụ thể, chương I sao chép 17/54 trang, chương II sáo chép 6,5 trang/61 trang và chương III sao chép 29 trang/44 trang.

Theo đó, không đồng ý với kết luận cũng như quyết định 4674 nêu trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra TAND TP. Hà Nội. Trong đơn khởi kiện, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng quyết định 4674/QĐ-BGĐT là văn bản trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Quyết định trên được ban hành căn cứ vào kết luận 1254/KL-BGD&ĐT mà theo ông Quế, kết luận 1254 là văn bản trái pháp luật, không phù hợp với tình tiết khách quan của sự việc. Căn cứ ông Quế đưa ra là kết luận thanh tra dựa trên những tài liệu chứng cứ phiến diện, không đầy đủ.

Về luận án tiến sỹ, đề tài: “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, ông Hoàng Xuân Quế khẳng định đây là công trình nghiên cứu của riêng mình, trên cơ sở tham khảo và kế thừa rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó có Luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế…

Khởi kiện quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Quế đề nghị Tòa án hủy quyết định 4674 của Bộ GD-ĐT, bồi thường thiệt hại về danh dự và tài sản do quyết định này gây ra đối với ông.

Cùng tham gia tố tụng tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quyết định 4674 thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế là có cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý vững chắc.

Theo đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế. Bởi luật sư cho rằng, qua đối chiếu bản sao cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế với ông Mai Thanh Quế, tổ xác minh của Bộ GD-ĐT xác định, mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế với ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang.

Đáng chú ý hơn, ở phần tài liệu tham khảo lại hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế. Vị luật sư nêu quan điểm: “Như vậy, hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là rất rõ ràng, mức độ sao chép rất nghiêm trọng. Với hành vi sao chép như vậy, luận án của ông Hoàng Xuân Quế không được coi là công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn”.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho rằng, yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của ông Hoàng Xuân Quế là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện đã rút nên tòa án đình chỉ giải quyết

Theo đó, HĐXX quyết định chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện, hủy quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT năm 2013 về thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế. Tòa cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan khôi phục lại học hàm, học vị của ông Hoàng Xuân Quế.

Mạnh Hùng