Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Tòa án là nơi tạo điều kiện nhiều nhất cho Luật sư tham gia tố tụng
Tòa án - Ngày đăng : 18:46, 09/04/2020
Mục tiêu cải cách tư pháp giao nhiều trọng trách lớn cho các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án. Luật sư với vai trò bảo vệ/bào chữa cho bị can bị cáo, bảo vệ thân chủ… họ cũng có đóng góp không nhỏ vào công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, nhân danh Nhà nước để đưa ra các phán quyết đối với các đương sự, bị can, bị cáo... Vậy nên, để bảo đảm các phán quyết công bằng, khách quan thì người tham gia tố tụng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng và Nội quy phiên tòa.
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề về vai trò của Luật sư ( LS ) và Thẩm phán trong quá trình tố tụng tại Tòa án nhằm đảm bảo việc xét xử được công bằng, khách quan.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của LS trong hoạt động tố tụng và cải cách tư pháp nói chung hiện nay?
TS Nguyễn Trí Tuệ: Trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử được xác định là khâu trọng tâm vì là nơi tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, hoạt động trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố và tranh tụng, Tòa án nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết cuối cùng. Luật sư có vai trò quan trọng góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án giúp cho việc xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC
Qua thực tế các LS tham gia phiên tòa tôi thấy rằng họ có vai trò rất tích cực, không những với góc độ bảo vệ thân chủ, bảo vệ bị cáo mà còn làm sáng tỏ các vấn đề của vụ án trong quá trình tranh tụng. Khi tranh tụng với các bên như VKS, LS có thể sáng rõ nhiều nội dung của vụ án mà trong quá trình nghiên cứu Thẩm phán chưa thể nhận ra, đó là điều rất quan trọng.
Thực tế, khi phát biểu trước các hội nghị liên quan đến các vấn đề như Tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư” chúng tôi đều đánh giá rất cao vài trò của LS hiện nay. Đội ngũ LS có đóng góp rất lớn trong cải cách tư pháp nói chung và phát huy hiệu quả hoạt động tranh tụng nói riêng, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Thực tế thấy rằng, LS và các cơ quan tố tụng đã sát cánh cùng nhau trong qua trình CCTP. Một nền tư pháp tiến bộ phải có đội ngũ LS giỏi, tinh nhuệ, xứng đáng với vai trò của LS trong quá trình tham gia tố tụng.
PV: Ở vị trí quản lý, ông có thường xuyên nhận được các phản ánh của Thẩm phán hay Chánh án về việc LS có những thái độ không đúng mực trong quá trình tố tụng không hay không?
TS. Nguyễn Trí Tuệ: Trong tổng kết Chỉ thị 33 cũng như các cơ quan đóng góp ý kiến và thực tế hoạt động của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã chỉ ra: trong đội ngũ LS tham gia tố tụng ngoài những đóng góp rất lớn, thì cũng có những hạn chế nhất định. Thời gian qua, đã có nhiều LS giỏi có đóng góp rất lớn cho nền tư pháp nước nhà cũng như trong bảo vệ thân chủ của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Nhiều trường hợp, LS bảo vệ thân chủ hơi quá chức năng nhiệm vụ của mình dẫn đến có thể có những vi phạm nội quy phiên tòa buộc chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở nhiều lần; Thậm chí cũng có những LS vi phạm pháp luật hình sự, như giả mạo chứng cứ vụ án, hoặc có những LS lợi dụng danh nghĩa để phạm các tội lừa đảo, lạm dụng … Đây cũng là thực tế mà khi tổng kết Chỉ thị 33 đã đề cập đến. Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã nhìn ra vấn đề đó và có những định hướng khắc phục trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng có nhận được phản ánh của một số Tòa án địa phương về việc LS tham gia tố tụng vi phạm nội quy phiên tòa, không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa dẫn đến việc họ phải sử dụng thẩm quyền của bình là “buộc LS phải rời khỏi phòng xử án”. Bộ luật Tố tụng hình sự và Nội quy phiên tòa đã quy định rõ: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa” nên mọi người cần tôn trọng và thực hiện.
PV: Vậy ngược lại ông đã bao giờ nhận được phản hồi của LS, hoặc cơ quan chức năng về việc Thẩm phán/Tòa án gây khó khăn hoặc có những cách ứng xử thái quá trong quá trình điều hành phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền bào chữa của LS hay chưa?
TS. Nguyễn Trí Tuệ: Tôi cho rằng, hành động thái quá có thể có nhưng nếu làm mất hoặc ảnh hưởng đến quyền bào chữa của LS thì không. Bởi vì trong quá trình tố tụng chúng tôi cũng ghi nhận một số Thẩm phán trong quá trình điều hành phiên tòa chưa nhuần nhuyễn, khéo léo nên có thể gây ức chế cho LS, tuy nhiên các quyền của LS tại phiên tòa vẫn được đảm bảo.
Đến nay, chúng tôi chưa bao giờ nhận được ý kiến phản ánh nào của VKS với vai trò giám sát hoạt động tố tụng phản ánh về vấn đề này. Do vậy, nếu dư luận nói rằng HĐXX ngăn cản LS chẳng hạn thì đó là cảm nhận của họ. LS mong muốn được trình bày nhiều nội dung, nhưng phiên tòa diễn ra phải theo trình tự tố tụng nhất định. Mặc dù không ngăn cản hay hạn chế LS phát biểu nhưng việc phát biểu cần phải đúng trọng tâm, nội dung, mục đích. Việc ngắt lời hay đề nghị dừng cũng là kỹ năng điều hành phiên tòa của chủ tọa.
Nếu Thẩm phán nào ngăn cản, vi phạm, hạn chế các quyền của LS không đúng quy định pháp luật, hãy phản ánh trực tiếp với chúng tôi hoặc với VKS- cơ quan thực hiện quyền giám sát trong quá trình tố tụng để chúng tôi có biện pháp xử lý.
Thực tế TANDTC cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn LSVN trong quá trình tham gia tố tụng. Khi họp tổng kết Chỉ thị 33, chúng tôi vẫn nói rằng, sự thành công của Tòa gắn liền với hoạt động của LS, và chúng tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của LS. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã nhận định Tòa là nơi tạo điều kiện nhiều nhất cho LS tham gia tố tụng.
Vừa qua, khi tổng kết Chỉ thị 33-CT/TW chúng tôi cũng đã có đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những định hướng mới về sự phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới đề hoạt động của LS ngày càng hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!