Dấu ấn phiên tòa đầu tiên xét xử vụ án liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 14:20, 12/04/2020

Phiên tòa xét xử vụ án “Chống người thi hành công vụ” tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh vừa qua được nhiều người quan tâm. Đây là phiên tòa đầu tiên trong cả nước xét xử hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Chạy đua” với thời gian, sớm đưa vụ án ra xét xử

Phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Đào Xuân Anh vì hành vi chống người thi hành công vụ được truyền hình trực tuyến tới 11 xã, thị trấn của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) ngày 10/4. Vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật TTHS 2015, kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án (ngày 08/4/2020) đến khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm (ngày 10/4/2020) chỉ có 03 ngày.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian chuẩn bị xét xử, nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử công khai trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết, góp phần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh của người dân.

Dấu ấn phiên tòa đầu tiên xét xử vụ án liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19

Phiên tòa xét xử bị cáo Đào Xuân Anh

Thẩm phán Bùi Đức Tuấn-chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Đào Xuân Anh cho biết, dù có nhiều khó khăn, nhưng xác định đây là vụ án điểm, trong bối cảnh cả nước nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tiên Yên quán triệt cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để đưa vụ án ra xét xử kịp thời, góp phần tuyên truyền đấu tranh phòng, chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo các cơ quan tố tụng huyện Tiên Yên đã phân công các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán có năng lực chuyên môn tốt, có bản lĩnh nghề nghiệp, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và thống nhất quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử vụ án này.

Trong giai đoạn xét xử, Thẩm phán một mặt khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, ra quyết định xét xử, một mặt lên kế hoạch mở phiên tòa đúng quy định của TANDTC về tổ chức phiên tòa trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.

Việc mở phiên tòa trong giai đoạn này cũng là rất khó khăn do không thể tổ chức tập trung đông người, nên công tác truyền hình, truyền thanh trực tuyến diễn biến phiên tòa được ưu tiên.

Thẩm phán Bùi Đức Tuấn chia sẻ, khi được xác định áp dụng thủ tục rút gọn, mặc dù sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm bị cáo thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội có nơi cư trú, lai lịch rõ ràng, nhưng do áp dụng theo thủ tục rút gọn, thời hạn tố tụng rất ngắn, các cơ quan tố tụng vẫn phải đảm bảo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo quyền của bị cáo khi tham gia tố tụng, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai, lọt người, lọt tội.

Để đạt được các yêu cầu đó, các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán phải cố gắng nỗ lực, chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành tiến độ tố tụng. Toàn bộ thời gian kể từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc việc xét xử vẻn vẹn chỉ 5 ngày. Kết quả này không chỉ là sự cố gắng của các cá nhân Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán mà là kết quả của cả tập thể lãnh đạo các cơ quan tố tụng huyện và sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cũng theo Thẩm phán Bùi Đức Tuấn, phiên tòa rút gọn chỉ do một Thẩm phán tiến hành, không có phần nghị án, do đó hồ sơ vụ án phải được nghiên cứu rất thận trọng, các yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, khung hình phạt dự kiến áp dụng đối với bị cáo… đều phải được cân nhắc, kế hoạch điều khiển phiên tòa phải được xây dựng rất chi tiết, mọi phương án đều phải được tính đến, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng phải đảm bảo quyền của bị cáo.

Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TANDTC

Trước đó, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc tích cực phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều hiện tượng như trốn tránh cách ly y tế, khai báo y tế gian dối; đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh; đầu cơ, mua gom khẩu trang nhằm bán kiếm lời; chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ... làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc phòng, chống dịch, gây dư luận xấu trong xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Trước tình hình đó, Chánh án TANDTC đã ban hành các Chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong hệ thống TAND. Tiếp đến ngày 30/3, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có cuộc họp đột xuất bàn về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Hội đồng Thẩm phán đã thống nhất hướng dẫn việc xác định tội danh theo quy định của BLHS 2015, như: Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid19; Người mắc bệnh, người mang mầm bệnh Covid-19 trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly hay không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19; Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19... Ngoài ra, những hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp cũng được đưa ra...

Ngay trong chiều cùng ngày, Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành, gửi hỏa tốc đi Tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã yêu cầu các Tòa án chủ động phối hợp với CQĐT và VKS cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật TTHS 2015; Bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TANDTC về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống TAND; yêu cầu các đồng chí Chánh án TAND và TAQS các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt và thực hiện.

Ngay sau khi phiên tòa diễn ra, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã gửi thư khen tới TAND huyên Tiên Yên và đánh giá: Việc xét xử kịp thời vụ án đã góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Kết quả này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm túc và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Như vậy có thể thấy rằng, việc Tòa án huyện Tiên Yên sớm đưa vụ án ra xét xử đã góp phần thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương đã rất chú trọng công tác tuyên truyền. Ngoài việc diễn biến phiên tòa được truyền hình trực tuyến với 11 điểm cầu ở các xã, và 01 điểm tại trụ sở UBND huyện Tiên Yên, phiên tòa còn được truyền thanh tới tất cả các thôn trong huyện.

Ông Hoàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, cho biết: Tại trụ sở UBND xã Đông Ngũ nơi mở phiên tòa để nhân dân đến tham dự, UBND xã còn bố trí một phòng họp và truyền hình ảnh trực tiếp về phiên tòa để nhân đân theo dõi, đồng thời đặt loa phát thanh ngoài trụ sở để mọi người cùng nghe.

“Mức án 9 tháng tù giam là phù hợp, xứng đáng với hành vi bị cáo Đào Xuân Anh gây ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang ra sức, đồng lòng chống dich Covid-19. Đây cũng là bài học sâu sắc và là lời cảnh tỉnh những người khác, đặc biệt là những đối tượng không chấp hành quy đình phòng, chống dịch bệnh. Sau khi vụ án được đưa ra xét xử, tình hình chấp hành quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế khi đi ra nơi công cộng được thực hiện nghiêm túc hơn", ông Việt đánh giá.

Mai Thoa