Chuyện về cựu Thẩm phán với những vụ án được tuyên vô tội
Tiêu điểm - Ngày đăng : 15:34, 30/04/2019
Những vụ án được tuyên vô tội
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán TANDTC, năm 1992 ông nghỉ hưu và tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội. Trước khi về TANDTC công tác, ông là Trưởng phòng kiểm sát xét xử VKSQSTW. Có lẽ ông là trong số ít người trải qua nhiều cương vị khác nhau trong các cơ quan tư pháp. Với mỗi vị trí kinh qua, ông đều để lại những dấu ấn nhưng có lẽ đặc biệt nhất là thời gian ông là Thẩm phán TANDTC.
Đó là một vụ án xét xử năm 1986 mà bị cáo được ông tuyên vô tội và trả tự do ngay tại Tòa. Nguyễn Hữu Đạo là giáo viên từ miền Nam về nghỉ hưu ở quê (Thanh Hóa). Ít lâu sau, có hai mẹ con người hàng xóm bị chết vì ngộ độc thuốc trừ sâu Vôfatốc. CQĐT kết luận Đạo là thủ phạm. Bản án sau đó nhận định, loại thuốc này khi đó chưa có ở miền Bắc nhưng sử dụng nhiều ở miền Nam. Anh Đạo vừa từ trong Nam ra nên không ai khác có Vôfatốc để giết người ngoài anh Đạo. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Hữu Đạo mức án tử hình.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ thấy không đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Hữu Đạo phạm tội giết người. Nhiều tình tiết trong hồ sơ chưa được làm rõ, mâu thuẫn… Bút lục có trong hồ sơ thể hiện, ông Đội trưởng đội sản xuất ở địa phương của nạn nhân khai tại CQĐT là đội cấp cho mỗi hộ xã viên 3-4 thìa Vôfatốc để trừ rầy nâu cho lúa nếp, trong đó có nhà nạn nhân. Còn tại nhà anh Đạo mẫu thuốc thu được khi khám nhà được để trên gác bếp. Biên bản còn ghi rõ số thuốc trừ sâu này để trong ống bơ, bịt giấy xi măng, khi thu giữ còn nguyên lớp bồ hóng…
Tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ làm Chủ tọa phiên tòa đã tuyên Nguyễn Hữu Đạo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Ông cũng đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Thẩm phán và Ủy ban Thẩm phán thấy rằng ông xử bị cáo như vậy là đúng tội.
Một vụ án nữa cũng đã được ông xét xử, minh oan tuyên vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Bị cáo Phạm Hùng bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội giết vợ với mức án tử hình. Hồ sơ vụ án thể hiện, do mâu thuẫn vợ chồng Hùng đã ra tay sát hại vợ rồi ném xác xuống giếng để phi tang. Khi tiếp cận hồ sơ vụ án và đơn kháng cáo kêu oan, ông đã tìm ra nguyên nhân cái chết của vợ Hùng lúc đó có nhiều uẩn khúc. Vợ chồng Hùng lấy nhau đã lâu nhưng không có con, người vợ bị gia đình chồng ruồng bỏ hắt hủi. Do quá bế tắc trong cuộc sống nên người vợ đã vào rừng lấy lá ngón để tự tử. Tuy nhiên, ăn lá ngón xong, để cho “chắc ăn” chị vợ đã nhảy xuống giếng. Khi gia đình phát hiện vớt lên, CQĐT khám nghiệm tử thi, thấy có lá ngón trong dạ dày nên đã nghi cho người chồng giết vợ rồi tạo hiện trường giả. Phiên tòa phúc thẩm hôm ấy các nhân chứng đều khẳng định buổi chiều trước khi diễn ra sự việc có nhìn thấy vợ Hùng hái lá ngón từ rừng mang về, giếng lại cạn nước. Cùng với nhiều tình tiết khác nữa, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ đã tuyên ông Hùng vô tội và được trả tự do ngay tại Tòa.
Vai trò của Thẩm phán rất quan trọng
Đến khi nghỉ hưu, làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội hai nhiệm kỳ ông vẫn là một Luật sư mẫn cán, nhiều vụ án mà ông tham gia bào chữa được Tòa án tuyên vô tội.
Như vụ ông Trần Đại Yên ở Tuy Hòa, Phú Yên bị kết tội phản cách mạng. Cả hai vợ chồng ông Yên đều phải chịu mức án tù, nhà cửa thì bị tịch thu hết. Vụ án sau đó được ông bào chữa miễn phí và ông Trần Đại Yên cũng được Tòa án tuyên vô tội và trả tự do ngay tại Tòa. Hay vụ một khác là Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kontum bị kết án tù về tội nhận hối lộ của lâm tặc hay vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Hải Phòng vào những năm 1999-2000. Vụ án sau đó đã được xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và đã được Tòa tuyên vô tội.
Trong giới chuyên môn, nhiều người biết và thầm kính phục vì dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Qua báo chí phản ánh nếu phát hiện ở đâu đó mỗi số phận, mảnh đời bất hạnh ngang trái là ông lại liên hệ và hỗ trợ pháp lý miễn phí.
Gần đây, qua theo dõi việc xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng OceanBank do TAND TP. Hà Nội xét xử, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhận thấy còn một số vấn đề cần quan tâm, làm sáng tỏ. Vì vậy, ông đã viết đơn đề nghị các vị lãnh đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, trên tinh thần xét xử nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Mới đây, qua báo chí phản ánh, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ có văn bản gửi đến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, kiến nghị giải quyết đúng pháp luật vụ thu hồi đất đối với vợ chồng ông Lê Phúc Thủy ở 123 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Ông cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai thì Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhưng UBND quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy đang ở từ năm 1991 để phục vụ cho việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho người khác làm nhà ở. Đó là việc làm trái pháp luật.
Năm 2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy các Quyết định của UBND quận Long Biên bằng Bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013. Bản án nhận định gia đình ông Thủy sinh sống liên tục, ổn định tại 123 Nguyễn Văn Cừ từ trước 15/10/1993 đến nay, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Mới đây, UBND quận Long Biên đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thủy. Tuy nhiên, cũng vì đến nay UBND quận Long Biên không thực hiện bản án này nên ông đã tiếp tục kiến nghị lên thành phố.
Ông cho biết, sở dĩ ông hỗ trợ pháp lý miễn phí và có những kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền vì gia đình ông Thủy thuộc hộ nghèo, vợ bị bệnh nặng, còn ông Thủy cũng là thương binh, tài sản bị xâm phạm.
Những vụ án, những vấn đề của người dân luôn là mối quan tâm của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ. Nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ông vẫn trăn trở lắm về một nền tư pháp độc lập của nước nhà; sự liêm chính, độc lập của Thẩm phán cũng như những khó khăn hiện tại mà cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án đang có với một mong muốn “làm sao để nền tư pháp nước nhà ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới”.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ
Trở lại với nội dung nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai theo yêu cầu cải cách tư pháp, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, ông cũng đồng tình cao với quan điểm của các lãnh TANDTC hiện nay, phải làm hết sức mình vì một Tòa án trong sạch, liêm chính và nếu có oan sai phải kịp thời sửa sai - công khai xin lỗi và bồi thường oan sai theo quy định. Từ những quan điểm này mà những vụ án có đơn kêu oan thời gian qua đã được TANDTC thụ lý giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao. Một số vụ án đã xảy ra từ nhiều năm trước, có đơn kêu oan kéo dài, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã tích cực phối hợp xác minh và đã minh oan được cho một số trường hợp. Trong đó, đáng lưu ý là trường hợp minh oan cho ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh - vụ án đã được xét xử cách đây hơn 40 năm. Hay vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, hay vụ án oan ở Hà Giang,…trước đó cũng vậy, đều đã được các cơ quan tố tụng minh oan, tiến hành xin lỗi công khai và bồi thường theo quy định…
Ông chia sẻ, mặc dù nghỉ công tác ở Đoàn Luật sư Hà Nội đã vài năm nay, nhưng ông vẫn luôn cập nhật tin tức về các hoạt động của Tòa án nói riêng và các vấn đề liên quan đến tố tụng nói chung. Từ những vụ án oan sai vừa qua thấy rằng, quá trình tố tụng còn nhiều vấn đề phải bàn, từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi xét xử, xem xét những đơn khiếu nại giám đốc thẩm.
Theo ông dù là mong muốn chủ quan của cấp nào đó nhưng việc có xảy ra án oan là điều rất khó tránh. Đó là việc trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng quyền con người của cán bộ điều tra chưa đầy đủ. Thậm chí biết nhưng họ không thực hiện bởi nhiều lý do, trước hết là làm sao có thành tích cá nhân của họ đối với việc làm án bất chấp tất cả. Mặt khác cũng có thể có những tác động tiêu cực trong xã hội thúc đẩy những việc làm tiêu cực gây nên oan sai nên rất dễ gây ra những sai lầm, bức cung, ép cung, mớm cung, nhục hình ngay từ giai đoạn này.
Trong xét xử, để tránh oan sai, điểm mấu chốt quan trọng là phải bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Chính vì vậy, vai trò của Thẩm phán hết sức quan trọng. Thẩm phán phải có tâm, có tầm, ngoài trình độ chuyên môn, thì sự quyết liệt là bản lĩnh cần phải có trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Phiên tòa được coi là cuộc điều tra công khai, nên Thẩm phán cần tôn trọng cuộc điều tra đó. Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đề cập đến vấn đề này, tức là phải lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa để kết luận. Nếu Thẩm phán không đủ trình độ, sự kiên quyết mạnh mẽ sẽ không thể làm được điều đó.