Các chuyên gia góp ý về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tiêu điểm - Ngày đăng : 19:36, 12/04/2019

Ngày 12/4/2019, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự.

Hòa giải thành, hai bên cùng thắng

Giới thiệu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Các chuyên gia góp ý về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo

Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản, phạm vi, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.

Luật cũng không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Luật này quy định cơ chế pháp lý độc lập về hòa giải, đối thoại để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại; góp phần hàn gắn những bất đồng, rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp, khiếu kiện trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Các chuyên gia góp ý về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ông Gordon J.Low – Thẩm phán TACC Hoa Kỳ trình bày tham luận

Hiện nay dự thảo còn có một số nội dung có ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh của Luật; vấn đề kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Hình thức tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải đối thoại; Về giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải đối thoại; Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, đối thoại viên; Sự tham gia của Thẩm phán tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải đối thoại… cũng có các ý kiến khác nhau. Do đó, Hội thảo đã thảo luận các nội dung này và những vấn đề khác đặt ra trong dự thảo.

Nên mở rộng phạm vi áp dụng

Về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 1 dự thảo Luật), các ý kiến cho rằng, dự thảo nên mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà áp dụng cả đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quy định theo hướng này thể hiện đúng tinh thần khi đề nghị xây dựng dự án Luật, đó là xây dựng cơ chế pháp lý mới để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại; đồng thời, không chồng chéo, mâu thuẫn với các cơ chế pháp lý hiện hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Thường trực BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương, phạm vi điều chỉnh của Luật không chỉ áp dụng đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính… mà cần áp dụng với cả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về kinh phí, ông Viễn cho rằng nên để Nhà nước chi trả. Về hình thức hoạt động, nên xác định Trung tâm Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án chỉ là tổ chức hoạt động hòa giải, đối thoại; không phải là việc thành lập thêm bộ máy tổ chức thuộc Tòa án. Trung tâm có sự giám sát, hỗ trợ của Tòa án và đặt dưới sự quản lý của Tòa án là phù hợp…

Các chuyên gia góp ý về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì Hội thảo

LS Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn sư Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng ngân sách để đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại cần được cân nhắc kỹ. Do vậy quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật này, TANDTC dự thảo quy định cụ thể hướng đến việc hạn chế, tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước mà tăng cường xã hội hóa, tận dụng nguồn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn có. Nên chi phí ngân sách Nhà nước phải chi trả cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo dự án Luật này chủ yếu là chi phí thù lao cho Hòa giải viên, Đối thoại viên khi hòa giải, đối thoại thành.

 Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật này là giải pháp giúp làm giảm tải các tranh chấp, khiếu kiện mà Tòa án phải giải quyết. Xét trong tổng thể thì các chi phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xét xử sẽ giảm do hòa giải, đối thoại giúp giảm lượng công việc đồ sộ mà Tòa án phải đảm nhiệm hàng năm (chi phí trung bình cho vụ việc hòa giải thành là nhỏ hơn nhiều so với chi phí cho việc xét xử, thi hành án). Vậy nên người tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải nộp một khoản phí nhất định (trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật) để chi trả cho lợi ích mà họ được hưởng từ dịch vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án và cũng để đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả. Ngoài nguồn thu từ xã hội hóa thì Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ một khoản kinh phí để đảm bảo hoạt động.

Các chuyên gia góp ý về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ một số nước cũng đã góp ý về một số nội dung của dự thảo Luật.

Ông Gordon J.Low, nguyên Thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng, tuổi của hòa giải viên, có thể lên đến 76 tuổi, vì  các Thẩm phán nghỉ hưu, cán bộ nhà nước giàu kinh nghiệm…rất cần cho công tác này. Thù lao cũng cần tương xứng với kỹ năng và cống hiến của họ, và phải đủ lớn để thu hút và duy trì những người có năng lực nhất.

Ông Gordon J.Low chia sẻ: Mặc dù chưa có luật, nhưng dự án thí điểm tại một số địa phương thời gian qua “đã hoạt động rất tuyệt vời, tôi tin rằng hòa giải tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn khi có Luật này, qua việc chuẩn hóa thủ tục tại tất cả các Tòa án trên toàn quốc”. Và, ông bày tỏ hy vọng cũng như cảnh báo: “Cải cách tư pháp không phải là một cơn gió thoảng. Tòa án, theo truyền thống và dự định, chuyển động chậm rãi; Tòa án là mỏ neo cho toàn xã hội, mang lại những thay đổi bền bỉ ở trung tâm nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi thủ tục, thay đổi các thói quen và tập quán đã ăn sâu”.

Nguyên Bình - Mai Đỉnh