Nghệ An: UBND xã làm ngơ cho lò gạch thủ công hoạt động?
Pháp luật - Ngày đăng : 10:46, 01/11/2016
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc xóa bỏ lò gạch thủ công và ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản, xây dựng lộ trình tiến hành dỡ bỏ những lò gạch không đủ điều kiện hoạt động.
Ngoài việc dỡ bỏ những lò gạch thủ công thì địa phương tiến hành tăng cường rà soát, giao trách nhiệm cho các Sở, ban ngành, huyện thị trên địa bàn toàn tỉnh, tăng cường tuyên truyền và dùng các biện pháp khác để xóa bỏ lò gạch thủ công.
Cụ thể, Chỉ thị số 04/CT- UBND, ngày 1/2/2013 nêu rõ: “Hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện rà soát, xác định lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công, cụ thể từng huyện và tổ chức thẩm tra xem xét, có văn bản thỏa thuận trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, yêu cầu hoàn thành trước 31/6/2013”.
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã vận động, tuyên truyền, kể cả dùng biện pháp cưỡng chế để xóa bỏ 100% lò gạch thủ công.
Dù nhiều địa phương khác đã quyết liệt xóa bỏ các lò gạch thủ công nhưng hơn một năm nay, chính quyền xã Tào Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) đã “tiếp tay” cho các lò gạch thủ công ở xã này ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc cho nhiều hộ dân sống xung quanh vì sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Có tới 3 lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nung gạch
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt tại địa bàn xóm 8, xóm 11, nơi những lò gạch thủ công đang ngày đêm hoạt động hết công suất.
Tại lò gạch của ông Nguyễn Văn Thanh, cảnh tượng máy múc ngang nhiên đào những hố đất sâu đang diễn ra công khai.
Những lò nung vẫn âm ỉ đốt, những cột khói cao ngút trời vẫn đang từng ngày gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Cách lò gạch của ông Thanh không xa là một lò gạch khác do bà Phan Thị Thanh làm chủ với hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc. Các lò than vẫn âm ỉ cho ra lò các sản phẩm, đất vẫn được tập kết hàng ngày, những hàng gạch sắp sẵn chờ nung đang ngày một dài thêm.
Theo tìm hiểu của PV, hàng năm, các lò gạch thủ công này sản xuất với công suất hàng triệu viên/năm, do vậy cũng cần hàng vạn mét khối đất mỗi năm.
Được biết, các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung chưa có mỏ đất nên thường mua đất trôi nổi trên thị trường dẫn đến tình trạng đất đai ở nhiều vùng nông thôn bị đào bới lấy đất làm gạch, làm cho nhiều thửa ruộng canh tác trở thành vũng lầy, hố sâu.
Trao đổi với PV về tình trạng các lò gạch trên, ông Lê Xuân Hoan, Chủ tịch UBND xã Tào Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn xã vẫn đang tồn tại 3 lò gạch thủ công nằm rải rác trên các xóm 11, 8 và 6. Cuối năm 2015, xã đã có nhắc nhở và chỉ đạo sớm tháo dỡ nếu không nâng cấp thành các lò tuynel.
Được biết, trước đây trên địa bàn xã Tào Sơn có hàng chục lò gạch thủ công hoạt động. Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, địa phương xã Tào Sơn đã tiến hành dẹp hàng loạt lò gạch. Thế nhưng, 3 lò gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có sự ngăn cản nào.
Dư luận đặt ra câu hỏi: UBND xã Tào Sơn có thực sự bất lực trước các hoạt động sản xuất gạch bằng lò nung thủ công của các tổ chức, cá nhân nơi đây? Phải chăng địa phương biết nhưng cố tình làm ngơ trước chỉ đạo của cấp trên nhằm tạo điều kiện cho các chủ lò hoạt động trái phép?
Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền sở tại và các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng “bóc lột” tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hoàn trả mặt bằng để nhân dân trong vùng yên tâm sản xuất.