Những uẩn khúc trong một vụ thi hành án tại Kon Tum - Kỳ 2: Biên bản bán đấu giá tài sản ghi sai do “lỗi đánh máy”?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:18, 03/10/2016
Biên bản ghi sai nơi tài sản đấu giá tọa lạc và người tham gia đấu giá
Mỗi biên bản khi được thư ký ghi lại bằng tay hay đánh máy trong một cuộc họp, một sự kiện đều được đọc lại cho mọi người tham dự cùng nghe để ký vào, nếu cẩn thận hơn, người tham dự còn đọc lại kỹ toàn bộ nội dung biên bản trước khi đặt bút ký. Thế nhưng, trong cả hai biên bản bán đấu giá tài sản (tài sản bán đấu giá từ việc thi hành bản án) mà chúng tôi có được, do Công ty TNHH TM-DV và Đấu giá Gia Lai Kon Tum (gọi tắt Cty đấu giá) có trụ sở tại 198C đường Urê (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đứng ra tổ chức, đều có những lỗi sai lầm ở mức khó chấp nhận.
Lý giải cho những sai lầm này, ông Nguyễn Thái Hồng Phát (Đấu giá viên-Giám đốc Công ty), người trực tiếp điều hành cuộc bán đấu giá cho rằng “lỗi do đánh máy” và không ảnh hưởng đến kết quả phiên đấu giá, đồng thời cho biết chỉ cần ra văn bản thông báo để thu hồi điều chỉnh là xong.
Biên bản bán đấu giá tài sản diễn ra ngày 2/6/2015, với tài sản mang ra bán đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 106, tờ bản đồ số 87 có địa chỉ tại 199/01 Hùng Vương, tổ 7, phường Quang Trung, TP.Kon Tum theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01085, mang tên ông Phan Thanh Kỳ.
Với thành phần tham dự, ngoài Đấu giá viên - người trực tiếp điều hành phiên đấu giá thì còn có bên có tài sản bán đấu giá, đại diện Chi cục THA dân sự TP. Kon Tum (gọi tắt Chi cục THA); Thư ký ghi biên bản và hai người tham gia đấu giá là bà Nguyễn Thị Ngọc L. và ông Trần Văn P.
Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 18/7/2016 thể hiện người tham giá đấu giá và người trả giá khác nhau
Tài sản được bán đấu giá với số tiền 1.090.324.000 đồng, cao hơn giá khởi điểm 10 triệu đồng. Người mua trúng là bà Nguyễn Thị Ngọc L., nhưng bất ngờ, biên bản bán đấu giá lại ghi địa điểm giao tài sản tại nơi tài sản tọa lạc lại là thửa đất số 137, tờ bản đồ số 73, có địa chỉ tại 49, đường Lê Lai, tổ 2, phường Trường Chinh, TP.Kon Tum chứ không phải như tài sản đưa ra bán đấu giá. Hơn một tháng sau, không hiểu vì lý do gì, các bên đương sự đã ngồi lại với nhau để hủy bỏ kết quả bán đấu giá này.
Sau khi có biên bản thỏa thuận việc hủy kết quả bán đấu giá, ngày 18/7/2016, lô đất và tài sản gắn liền với đất ở địa chỉ 199/01 Hùng Vương như đã nói ở trên lại tiếp tục được đưa ra bán đấu giá lại lần hai.
Tại biên bản bán đấu giá tài sản lập ngày 18/7/2016 thể hiện rõ đầy đủ thành phần tham dự, trong đó bà Nguyễn Thị Hồng Q. và bà Nguyễn Thị Ngọc L. tham gia đấu giá. Sau đó, không biết vì lý do gì mà trong biên bản bán đấu giá, bà Nguyễn Thị Hồng Q. bị gạch ra khỏi danh sách đấu giá, thay vào đó là ông Nguyễn Quảng T., và dĩ nhiên, người trúng đấu giá lần này không phải ai khác ngoài bà Nguyễn Thị Ngọc L. với mức giá mua bằng với lần mua trước đó.
Lý giải của Giám đốc Công ty đấu giá
Trước những sai sót một cách khó hiểu này, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Thái Hồng Phát (Đấu giá viên-Giám đốc Công ty đấu giá). Tại đây ông Phát cho rằng đó là do “lỗi do đánh máy”, mà "lỗi đánh máy" thì có thể điều chỉnh được vì bản chất nó không sai.
Ông Phát phân trần: “Nếu sai về lỗi kỹ thuật, lỗi đánh máy mà Công ty đấu giá làm sai thì chỉ cần điều chỉnh về lỗi kỹ thuật chứ không phải bán tài sản sai. Hợp đồng mua bán là quyết định để sang tên. Tuy nhiên biên bản bán đấu giá hay hợp đồng mua bán (kể cả công chứng) nếu làm nhầm vẫn điều chỉnh được cho đúng theo Luật Công chứng".
Giám đốc - Đấu giá viên Nguyễn Thái Hồng Phát cho rằng do “lỗi kỹ thuật”
Cả hai cuộc bán đấu giá, theo ông Phát đều được tiến hành theo đúng trình tự thủ tục, nhưng khi được hỏi về những sai sót trong cả hai biên bản bán đấu giá của một tài sản cùng một vụ án thì ông cho biết, Đấu giá viên (trực tiếp là ông Phát) làm xong, đã phát và đọc lại cho mọi người đọc và ký, tuy nhiên ông Phát cũng cho biết, chỉ "đọc trên máy tính xách tay, chứ không phải trên biên bản để ký".
“Khi tiến hành đấu giá tôi đã thông qua toàn bộ trình tự thủ tục theo quy định. Còn biên bản bán đấu giá thì thông qua những nội dung cơ bản. Tuy nhiên, phần tên người tham gia đấu giá (ở biên bản bán đấu giá ngày 18/7/2016) tôi ghi rất cụ thể, thông thường khi đọc tôi chỉ đọc giá trúng và đọc trên máy tính xách tay. Sai sót ở tên ông Nguyễn Quảng T là do lỗi của thư ký ghi biên bản”.
Có hay không chuyện hợp thức hóa giấy tờ?
Ở một diễn biến khác, mặc dù phiên đấu giá gần đây nhất mới diễn ra được hơn hai tháng nhưng khi chúng tôi gặp gỡ và đề cập đến việc xem các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc tham gia bán đấu giá tài sản thì bà Nguyễn Thị Hồng Q. (người ban đầu tham gia bán đấu giá theo biên bản bán đấu giá ngày 18/7/2016) cho biết, các giấy tờ liên quan đến quá trình bán đấu giá bà đều đã đốt hết không còn lưu giữ bất cứ thứ gì. Đồng thời bà còn cho biết, khi có mặt tham gia tại buổi bán đấu giá mục đích là để lấy lại tiền đã đặt cọc và không quan tâm hay chú ý gì đến phiên đấu giá hôm đó. Vậy việc đăng ký tham gia mua tài sản thông qua đấu giá ở đây là vì lý do gì? Và, có hay không việc bà Q. đã chuyển tiền để tham gia đấu giá như bà đã trình bày khi mà tất cả chứng cứ đã bị bà đốt đi?
Trụ sở Công ty TNHH TM-DV và Đấu giá Gia Lai Kon Tum
Ông Phan Thanh Kỳ, người có tài sản bị THA và bán đấu giá trong vụ việc cho rằng đó là những sai sót khó có thể chấp nhận, đồng thời yêu cầu cần phải làm rõ và xử lý trách nhiệm (nếu có). Mặt khác, ông Kỳ cũng đặt nghi vấn trong quá trình THA và bán đấu giá tài sản liệu có sự mập mờ nhằm hợp thức hóa giấy tờ hay không, khi mà tài sản được đưa ra bán đấu giá hai lần đều có hai người tham gia, giá khởi điểm lên đến hơn 1 tỷ đồng, nhưng sau vòng 1 bà Nguyễn Thị Ngọc L. nâng lên 10 triệu đồng thì người còn lại đã tự động rút lui?
Để đảm bảo công bằng cho các đương sự, đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ đối với quy trình tổ chức THA nói trên, qua đó giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài.