Đà Lạt- Lâm Đồng: Thu hồi đất để làm công viên hay phân lô, bán nền?
Pháp luật - Ngày đăng : 19:29, 05/09/2016
Thu hồi đất làm công viên, lại phân lô bán nền?
Trong dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương ban đầu là thu hồi đất để làm công viên văn hóa, tuy nhiên các đơn vị chức năng chưa phát hành quyết định thu hồi đất theo qui định của pháp luật, đồng thời không tổ chức niêm yết công khai quyết định thu hồi đất tại trụ sở UBND phường 2 và địa điểm sinh hoạt khu dân cư.
Tại văn bản số 4088/UBND –TD ngày 18/7/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng đính kèm báo cáo số 256/BC-STNMT ngày 07/7/2016 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có nội dung nêu rõ: “Nếu không niêm yết công khai Quyết định thu hồi đất tại khu dân cư, trụ sở UBND Phường 2 thì tạm dừng thực hiện Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất”.
Tuy nhiên, văn bản đã ban ra là vậy nhưng phần lớn người dân trong dự án này đều đã bị cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật, như hộ ông Phạm Tấn Đối bị cưỡng chế thu hồi nhà và đất hơn 3.000 m2, hộ ông Nguyễn Nghị Định bị thu hồi hơn 1.000 m2 và hơn 30 hộ dân khác cũng chịu cảnh tương tự.
Thêm vào đó, việc UBND Thành phố Đà Lạt đứng ra thu hồi đất, nhưng chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường cho người dân thông qua Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Đà Lạt là không phù hợp với quy định. Nếu là dự án nhà nước thu hồi đất để làm công viên văn hóa thì tiền bồi thường theo phương án phê duyệt được chi trả từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tại văn bản số 3276/UBND ngày 18/6/2015 cũng của UBND thành phố Đà Lạt lại có nội dung ghi rõ "tiền để chi trả cho các hộ dân có đất bị thu hồi là của nhà đầu tư”.
Căn hộ nằm trong diện "cưỡng chế thu hồi" của dự án
Hiện tại trong dự án này chỉ còn duy nhất hộ gia đình ông bà Phạm Văn Ngọc - Bùi Thị Lai với 2 căn nhà, có tổng cộng 1.783 m2 nằm ngay mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, phường 2, TP Đà Lạt chưa đồng ý với quyết định bồi thường không hợp lý này.
Mặc dù hộ gia đình này cũng đã gửi đơn khiếu kiện đi nhiều nơi, nhưng cũng đã đồng ý bàn giao một phần đất với diện tích là 189 m2 đất ở, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thi công cơ sở hạ tầng cho dự án.
Ngày 19/7/2016, UBND thành phố Đà Lạt ban hành văn bản số 4377/UBND về việc đình chỉ thực hiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông bà Ngọc - Lai. Sau đó UBND thành phố Đà Lạt đã có Báo cáo số 5156/BC-UBND ngày 17/8/2016 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng có nội dung: gia đình không đồng ý nhận Quyết định thu hồi đất vì Quyết định phát hành sai quy định và không đúng qui trình. “Quyết định thu hồi đất không được niêm yết công khai tại UBND Phường 2 và địa điểm sinh hoạt khu dân cư", do đó theo quy định phải tạm dừng thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Tạm ngưng cưỡng chế rồi lại ra quyết định cưỡng chế?
Tuy nhiên, bất chấp những văn bản tạm ngưng cưỡng chế trước đó, ngày 22/8/2016 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 4928/UBND-TD về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông bà Phạm Văn Ngọc – Bùi Thị Lai.
Dựa trên văn bản chỉ đạo này, UBND thành phố Đà Lạt tiếp tục ban hành Quyết định số 2700/UBND ngày 29/8/2016, về việc gia hạn thời gian cưỡng chế thu hồi đất của Quyết định số 1954/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND thành phố Đà Lạt đến ngày 30/9/2016. Đồng thời, UBND Phường 2 ban hành thông báo số 109/TB-UBND về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông, bà Phạm Văn Ngọc – Bùi Thị Lai vào lúc 7 giờ ngày 09/9/2016.
Căn biệt thự trong dự án được phân lô, bán nền và đã xây dựng xong
Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng việc quyết tâm cưỡng chế thu hồi diện tích đất trên của chính quyền tỉnh Lâm Đồng là nhằm mục đích phục vụ cho chủ đầu tư phân lô bán nền và xây dựng các hạng mục kinh doanh chứ không phải làm công viên? Điều này là hoàn toàn sai theo quy định tại điều 36 nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và trái chủ trương ban đầu của tỉnh Lâm Đồng.
Trong nghị định 181 nêu rõ: “Nhà nước không thu hồi đất để nhằm mục đích kinh doanh, không được sử dụng đất thu hồi được giao để chuyển sang đất xây dựng nhà ở nhằm mục đích kinh doanh”.
Hơn nữa, theo điều 56 Luật Đất đai 2003, điều 4, Nghị định 17, năm 2006 của Chính phủ, điều 8, quyết định 15/2008 và điều 2 quyết định 90/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng qui định: "Đơn giá tính toán, bồi thường, hỗ trợ phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Nếu giá ban hành có sự chênh lệch lớn với giá thị trường thì phải thẩm định và điều chỉnh cho phù hợp".
Đối chiếu với đơn giá đền bù cho gia đình ông Phạm Văn Ngọc và Bùi Thị Lai, trung bình chỉ có 4 triệu 800 nghìn đồng/m2, trong khi giá thị trường trong điều kiện bình thường là trên 30 triệu đồng/m2, chênh lệch rất lớn so với giá đền bù của chủ đầu tư, nên gia đình không thể chấp nhận.
Ông Đinh Đức Đáo, Bí thư chi bộ tổ 7, phường 2, Thành phố Đà Lạt khẳng định: "Việc tính toán bồi thường không đúng qui định đã gây thiệt hại cho gia đình vì diện tích đất thu hồi lớn, vị trí mặt tiền đường rất đắc địa". Điều này cho thấy, hầu hết người dân đều không đồng tình chủ trương thu hồi đất phân lô, bán nền với giá rẻ. Mặt khác, chủ đầu tư cũng không ngồi lại với người dân, trực tiếp trao đổi, thương lượng, đền bù cho thỏa đáng đã gây bức xúc dư luận.
Ông Nguyễn Ánh, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban mặt trận tổ 7, phường 2 cũng cho biết: "Việc ban hành quyết định thu hồi đất không đúng qui định nên không đủ điều kiện cưỡng chế thu hồi đất. Đồng thời việc bồi thường đất cho dân với giá rẻ rồi giao cho doanh nghiệp bán với giá cao hơn là không thỏa đáng”.
Từ những bức xúc này của người dân, thiết nghĩ chính quyền TP Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng cần xem lại chủ trương, chính sách của mình sao cho hợp lòng dân. Về phía chủ đầu tư, cũng cần phải tính toán chi phí bồi thường hỗ trợ người dân thỏa đáng, theo giá đất sát giá thị trường.
Vụ việc kéo dài đã gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, do vậy các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết một cách khách quan, công bằng, để tránh việc người dân khiếu kiện kéo dài.