Sống là Nhân, chết là Thần

Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 09/10/2013

Trong số những lãnh tụ cách mạng mà bố tôi treo ảnh trịnh trọng ở trong nhà, ngay chính gian giữa, cách nay nửa thế kỷ, chỉ có một người mặc quân phục.

Ngày nào, trước khi bước vào nhà, lúc ngồi ăn cơm hay có chuyện vui đùa, tôi cũng đều thấy các vị. Cứ thế năm này qua năm khác. Vì vậy có thể nói gương mặt từng vị, tôi đều nhớ như in.

Người mặc quân phục, tôi nhớ không lầm thì là mầu trắng, đội mũ nhà binh, cũng mầu trắng, cặp mắt bên dưới vành mũ như phải nheo bớt lại để người nhìn vào khỏi bị chói, quân hàm quân hiệu tề chỉnh, được chú thích bên dưới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ bức ảnh ông chụp sau hòa bình nên có thể suy ra người trong ảnh tầm 45 tuổi. Một gương mặt trẻ, nghiêm trang bởi bộ quân phục nhưng không che được nét thư sinh, hiền hậu của một thầy giáo, mặc dù như khi lớn thêm chút nữa tôi mới biết ông đã dẫn dắt một nhóm vũ trang lúc đầu chỉ có 34 người, trang phục thập cẩm, rách rưới, vũ khí thô sơ và bị người Pháp cười nhạo là “mấy tên giặc cỏ”, thành đội quân đủ sức xoá xổ huyền thoại về những gã viễn chinh nhà nghề khổng lồ của châu Âu, châu Mỹ lúc bấy giờ và cả bây giờ. Nhưng những gì tôi biết về ông, kể cả vai trò quyết định của ông trong chiến thắng mùa xuân năm 1975, là chuyện của sau này, khi tôi tò mò khám phá lịch sử. Còn tại thời điểm ngày ngày ông từ trên cao nhìn đám trẻ chúng tôi như một vị bảo trợ cho hoà bình, thì tôi chỉ biết qua lời giải thích ngắn gọn của bố: Ông là vị tướng tài. Bố tôi nói điều đó bằng vẻ nghiêm trang của một người lính. Tất nhiên chả ai dám cãi bố nhưng nếu được đính chính thì tôi muốn nói thêm cho đầy đủ: Ông là vị tướng tài có khuôn mặt rất nhân từ.

Khỏi phải nói thái độ kính cẩn ra sao của bố tôi mỗi khi nhắc về ông, trong bất kể ngữ cảnh nào. Như những chuyện bố tôi kể lại, phần nhiều do ông nghe từ người khác, thì vị đại tướng hiện lên bằng vô số huyền thoại mang mầu sắc phép thuật. Không bao giờ và không ai trên đời có thể truy nguyên khởi nguồn của những câu chuyện vô cùng hấp dẫn và luôn kích thích trí tò mò ấy. Nó được kể lại rất tự nhiên rồi cứ thế mà lan truyền từ người này sang người khác. Đến mỗi người, lại có thêm những tình tiết ly kỳ mới. Vì thế, với những đứa trẻ chúng tôi, ông giống như vị tướng nhà trời. Sau này thì tôi nghiệm ra rằng, những vị tướng thản nhiên bước vào huyền thoại dân gian thuộc số không nhiều trên thế giới. Có thể đếm được tên họ trên mười đầu ngón tay và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trong số đó.

Sống là Nhân, chết là Thần

Vì nhiều lý do mà mãi tận khi đã ở tuổi “Tri thiên mệnh”, tôi mới lần đầu đến thăm Điện Biên. Chúng tôi quyết định đi theo đường bộ là có ý muốn được trải nghiệm lại-dù chỉ là trong tưởng tượng- chính hành trình các cụ ta xưa hành quân, tải đạn, tải gạo… để Tố Hữu có tư liệu và cảm hứng khi viết: “Dốc Pha-Din chị ghánh anh thồ/đèo Lũng Lô anh hò chị hát/dù bom đạn xương tan thịt nát/không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Thực ra đó cũng là gợi ý của một nhà sử học danh tiếng, khi ông biết tôi sẽ đi Điện Biên. Nhà sử học này bình thường khá lịch lãm nhưng thỉnh thoảng cũng rất “ác khẩu” nếu thấy cần phải làm thế. Ông bảo với tôi rằng, không đến Điện Biên thì “cuộc đời cậu coi như là đồ bỏ đi, còn nếu lần đầu đi Điện Biên mà bằng máy bay thì tôi khuyên cậu ở nhà!”. Và tôi đã làm theo lời khuyên của ông. Nhưng về cơ bản thì chúng tôi-và cả nhà sử học khuyên tôi-đã thất bại, bởi đường lên Điện Biên bây giờ thuộc số những con đường miền núi tốt nhất, đẹp nhất, dễ đi nhất Việt Nam. Bao nhiêu hồi hộp khi biển chỉ dẫn sắp đến “dốc Pha Din” hoá ra chỉ còn vương lại trong thơ Tố Hữu. Vèo  một  cái  xe đã ở phía bên kia đèo, thậm chí còn chưa kịp hát hết vài câu. “Lịch sử” đã bằng phẳng, quang đãng, đơn giản đi hàng trăm lần, khó mà hình dung lại được.

Chiến thắng Điện Biên được 5 năm tôi mới có mặt trên thế giới này. Còn khi tôi có mặt ở giữa cái chiến trường khủng khiếp nhất thế giới một thời, thì những gì xứng đáng được ghi nhớ tại đó đã lùi lại 56 năm. Tôi vẫn nhớ rất rõ cái cảm giác khi chạm vào thung lũng Điện Biên-qua thuyết minh của một anh bạn từng sinh sống suốt thời thanh niên ở đó- là tôi thấy tâm hồn có một sự nhẹ nhõm qua cái thở phào. Cái thở phào của người cuối cùng cũng đã làm được thứ công việc mà mình thấy cần làm. Cái thở phào chính tôi cũng thấy bất ngờ. Có thể là do ám ảnh về địa danh Điện Biên đã hành hạ tôi quá lâu. Chỉ có điều, muốn nói gì thì nói, nó quá muộn so với tuổi và nghề nghiệp của tôi. Tuy vậy, việc đến Điện Biên muộn của tôi-chắc chắn là có lỗi-nhưng không chỉ hoàn toàn dở, mà cũng có cái hay. Những cảm nhận, suy tư không còn bồng bột, bốc đồng hoặc cũng bớt đi phần chủ quan hay cực đoan. Những gì mà tuổi trẻ thường lướt qua-vì quỹ thời gian còn nhiều, chẳng đi đâu mà vội-thì ở tuổi trung niên bán phần về già có xu hướng quan tâm cặn kẽ theo kiểu muốn tìm ra một kết luận, ít nhất cũng cho riêng mình.

Chuyến đi thăm Điện Biên cách nay ba năm của tôi chính là trong tâm trạng ấy. Tôi muốn thấy lịch sử, thay vì chỉ đọc hoặc nghe; tôi muốn tự mình khám phá, thay vì phải qua chỉ dẫn, tức là qua bộ lọc khác; tôi muốn lý giải, thay vì dựa vào thứ có sẵn. Mọi ý muốn tôi đều thực hiện được. Những gì tôi thấy cơ bản giống như những gì tôi nghe kể hoặc đọc được. Điều đó không còn gì phải nghi ngờ ngoài một vài khác biệt về cảm xúc. Chẳng hạn khi đọc những miêu tả về cuộc giằng co ác liệt giữa quân ta và quân viễn chinh Pháp trên từng mét hào; chuyện về từng đoàn quân ta bám nhau bò lên đánh chiếm đỉnh đồi giữa mưa đạn của địch; chuyện quân Pháp bị khối thuốc nổ nặng một tấn khiến nhiều tên vỡ màng nhĩ; chuyện tướng, lính đội quân viễn chinh lốc nhốc ra hàng… tôi chỉ thấy bừng bừng tự hào, thậm chí còn không giấu được niềm thích thú. Nhưng khi im lặng đứng trên đỉnh đồi A1, giữa lúc chiều tà, không một lời thuyết minh hùng hồn, không có bất cứ ai rót vào tai câu chuyện đã thuộc lầu, chỉ nhìn xuôi xuống theo những vệt mòn thời gian, nước mắt tôi cứ chảy ra không sao kìm được. Hoặc khi chui vào căn hầm chỉ huy của viên tướng bại trận Đờ-cát, thay vì thán phục sự kiên cố, bí ẩn của những vòng thép như cảm giác hồi bé nhìn qua ảnh chụp, thì tôi chỉ cứ muốn cười phá lên. Mỗi người phải tự mình trải nghiệm thì mới có cho mình câu trả lời. Tôi không thể giải thích đơn giản về điều đó với bạn đọc.

Sống là Nhân, chết là Thần

Cuối cùng bí ẩn lớn nhất còn lại mà tôi đối mặt, có lẽ cũng thuộc về bí ẩn của lịch sử, chính là tài chỉ huy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không khó gì để tôi vượt qua mấy chục cây số đường rừng đã được nâng cấp từ lối mòn xưa nhưng vẫn đủ cho cảm giác là con đường quân sự, đến với địa danh Mường Phăng. (Giờ nghe nói con đường này đã mở rộng (hoặc có kế hoạch mở rộng để phục vụ khách tham quan được thuận lợi và nếu thế thì thật đáng tiếc hơn là đáng mừng, đáng trách hơn là đáng biểu dương. Hãy để cho thế hệ sau cảm nhận được một phần cái gập ghềnh, hiểm trở của một thời. Hành hương khác với đi trẩy hội thông thường ở chỗ sự mệt nhọc thân xác cũng là một giá trị). Nhưng sẽ chẳng bao giờ tôi đến được với những cánh cửa mở vào thế giới bí ẩn còn lưu giữ ở nơi này. Những gì gắn với trận đánh Điện Biên lịch sử, gắn với vị Đại tướng lừng danh còn giữ lại khá tốt về vẻ bên ngoài. Tuy thế, ngoài cảm giác lịch sử vẫn hiện diện cùng với sự tĩnh mịch của thời gian, nó không giúp gì cho tôi trong việc cố gắng hình dung lại một phần tính chất khốc liệt của những quyết định, phần nhiều là mang tính cá nhân, của vị tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Sức mạnh vượt trội về mọi phương diện của đội quân xâm lược ở thời điểm ấy là điều không cần phải nghi ngờ. Nó được điều hành bởi một bộ máy chiến tranh hoàn hảo xuyên Đại Tây dương, trực tiếp đặt dưới sự chỉ huy của những viên tướng dày dạn kiến thức quân sự cũng như trận mạc. Trên thực tế những viên tướng ấy thực sự là tinh hoa của nước Pháp.

Thử xem trong tay vị tướng ngoài 40 tuổi, xuất thân là thầy giáo dậy lịch sử của chúng ta có gì? Ông không hề qua bất cứ trường đào tạo quân sự nào. Cũng không có dấu hiệu cho thấy ông có năng khiếu chỉ huy chiến tranh. Ông chỉ có những kinh nghiệm mang tính mật truyền của lịch sử, được trao lại từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm… Những nhà quân sự, chiến lược gia kỳ tài của đất nước. Nhưng tại sao những mật truyền ấy lại chọn ông chứ không phải ai khác, là điều vĩnh viễn nằm ngoài mọi phán đoán. Điều đó cũng giống như không thể nào phán đoán được dân tộc này còn có những bảo bối gì để giúp họ trường tồn. Trên thực tế, có rất ít nghiên cứu nghiêm túc nào của phía kẻ thù quan tâm đến lý do chết của họ mỗi khi đặt chân lên mảnh đất này. Họ thường đến như đi vào chỗ không người. Nhưng, thay vì hưởng niềm vinh quang chiến thắng, thời gian còn lại, họ chỉ loay hoay với mỗi một việc là tìm cách cuốn gói cho êm và cho đỡ bẽ mặt.

Một phần lý do đó chính là nghệ thuật rút lui của người Việt. Trong lịch sử nhân loại, ít có thủ đô nào lại bị bỏ trống nhiều như Hà Nội mỗi lần giặc tràn vào. Rút lui đã trở thành một bí ẩn quân sự của Việt Nam. Từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, đến Nguyễn Trãi, sau này là vua Quang Trung… đều sử dụng thuần thục diệu pháp đó. Một vị tướng tài bình thường thì chỉ cần quan tâm đến chiến thắng. Chiến thắng, dù với cái giá nào, đã đảm bảo cho tài năng và sự đúng đắn trong cách dùng binh của ông ta. Nhưng một vị tướng lỗi lạc không chỉ nghĩ đến chiến thắng chung cuộc, mà còn nghĩ đến, thậm chí quan trọng hơn cả chiến thắng, sự bảo toàn tối đa sinh mạng của hàng vạn hàng triệu binh lính và dân thường. Mọi người chỉ thấy Nguyễn Huệ thiên tài vì chưa đầy tuần lễ ông đã quét sạch mấy mươi vạn quân Thanh, mà không thấy chỗ thiên tài hơn của ông là khen kế lui binh về Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm. Khen tức là đề cao. Giờ đây đến lượt Võ Nguyên Giáp. Quyết định rút toàn bộ lực lượng pháo binh và bộ binh của ông, thay phương án “đánh nhanh thắng nhanh”, bằng phương án tiếp cận từ từ, bao vây để chắc thắng, đã được lịch sử chứng minh là thiên tài. Nhưng đấy là khi mọi thứ đã an bài và các sử gia có điều kiện ngồi trong phòng trà để suy luận và tranh luận. Còn ở vào khoảnh khắc phải đưa ra quyết định ấy, giữa nơi chiến địa mịt mùng, chỉ một mình vị đại tướng của chúng ta gánh chịu toàn bộ sức nặng của lịch sử, liệu ngoài ông ra có ai đủ can trường để chấp nhận? Ông thừa biết với quyết định ấy, ông phải đối mặt với hàng ngàn phán xét đang chờ để giáng xuống. Nếu vì cuộc rút lui ấy mà sau đó Điện Biên thất bại, toàn bộ quân ta bị tiêu diệt, toàn bộ xương máu, của cải mà cả dân tộc đổ ra trong suốt 9 năm ròng chả có nghĩa lý gì, thì điều gì sẽ đến với ông? Ông thừa sức để hình dung ra cái bản án kinh hoàng đó.

Tôi đã đứng trong căn hầm đại tướng, thử đặt mình vào hoàn cảnh của ông và tự thấy không còn gì lố bịch và nực cười cho bằng. Nhưng hiểu tâm trạng của ông lại hoàn toàn là điều có thể. Tôi tin chắc rằng, ngoài áp lực khổng lồ như đã nói, ông còn chịu áp lực từ chính những đồng chí, cấp dưới của ông? Họ cần ở ông một sự giải thích khiến họ bị thuyết phục. Điều đó trong đa số trường hợp là bất khả kháng. Ông cũng biết rõ như vậy, rằng có những điều không thể chia sẻ bởi chính bản thân ông cũng không sẵn ngôn ngữ thông thường để trình bày. Căn cứ vào các tài liệu lịch sử thì vị đại tướng của chúng ta đã mất trắng một đêm để có cái quyết định lịch sử ấy. Không biết cái đêm kinh hoàng ấy bằng bao nhiêu phần cuộc đời ông? Chắc nó phải rất dài, rất khủng khiếp. Lịch sử hiện đại Việt Nam không thể thiếu cái đêm ấy, như một dấu mốc vĩ đại. Tiếc thay cho đến nay chưa có cuốn sách, bộ phim nào lấy chủ đề về cái đêm định mệnh ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm đề tài. Tuy chỉ một đêm, nhưng nó là mênh mông thời gian, dằng dặc lịch sử và vô tận về nỗi cô đơn con người.

Đó là một đêm lịch sử Việt Nam và thế giới quyết định ghi danh ông là  thiên tài quân sự.

Rất ít vị tướng nào khiến kẻ thù khốn đốn nhưng lại nhận được lòng kính trọng từ phía họ, thay vì niềm căm thù, như đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đơn giản vì ông không định làm tướng. Từ hình hài bề ngoài đến tính cách của ông đều không hợp cho việc làm tướng trận. Ông chỉ muốn làm một người truyền bá tình yêu con người, tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên. Ông bất đắc dĩ mà phải cầm quân, vì sinh mệnh của đất nước Nhưng với bản chất của một nhà nhân văn chủ nghĩa, trước sau ông vẫn canh cánh với tình yêu đồng loại. Ông gọi những người thua cuộc là “kẻ thù danh dự”. Tận những ngày cuối của cuộc đời, ông vẫn cho thấy một sự nhẫn nại phi thường khi sống với triết lý phải thương yêu con người, phải thương yêu giống nòi, phải giữ gìn thứ quý giá nhất là độc lập. Và với dân tộc này, phải biết sống bằng sự tha thứ. Ông đã thị phạm những đạo lý lớn lao đó bằng chính cuộc sống của mình.

Giờ đây con người vĩ đại đó đã từ giã cõi trần, nơi ông đóng vai bảo trợ cho hoà bình, cho những chuẩn mực sống không thể thiếu để có một xã hội tử tế. Cùng chung tâm trạng với hàng triệu người, tôi cảm thấy trống vắng tiếc thương và lo lắng. Phần lịch sử hấp dẫn nhất đã dừng lại để bắt đầu đời sống của huyền thoại. Không thể tính xuể số trang sách đã, đang và sẽ còn viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không thể kể hết những danh hiệu mà người đời phong tặng ông. Với cá nhân tôi, ông thuộc về số những nhân-thần của đất nước, những người có sứ mệnh (hoặc được tổ tiên giao cho nhiệm vụ) bảo trợ cho bờ cõi này. Khi sống họ là hiền nhân, là võ tướng. Khi từ trần họ hoá thần, tiếp tục giáo hoá và trấn ải, thu vén cương vực cho các thế hệ con cháu. Họ sẽ luôn có mặt trong mỗi gia đình, lành quê yên bình. Hơn hết, họ bất tử trong ký ức nhân dân và tiếp tục làm công việc che chở cho họ. Họ nhập cuộc đời họ vào trong mỗi tâm hồn con cháu, truyền mãi cái ý chí trường tồn để nó không bao giờ bị bất cứ kẻ thù nào làm cho nhụt chí.

Những người đã hoá thần nghĩa là không bao giờ chết.

Những dấu mốc trong cuộc đời đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, những bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Năm 1925, 14 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng. Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách Mạng Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế) vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp.

Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp,  ông được thả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội. Ông hoạt động đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa, viết bài cho những tờ báo công khai và dạy Sử - Địa ở trường tư thục Thăng Long.

Năm 1935, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái, bạn học tại trường Quốc học Huế, một Đảng viên Cộng sản, em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Hai người ngụ tại một ngôi nhà ở phố Đường Thành, sau chuyển sang phố Nam Ngư, Hà Nội. Năm 1942, bà bị đày đi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi qua đời.

Năm 1940, với bí danh là Dương Hoài Nam, ông vượt biên sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5 năm 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng các cán bộ cao cấp khác xây dựng cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

Năm 1942, ông phụ trách ban "Xung phong Nam tiến’’. Tháng 12/1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Ngày 22/12/1944, tại một khu rừng ở Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm ông đứng ra tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay).

Cuối tháng 3/1945, ông đưa đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu Quốc quân của Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải Phóng Quân. Tháng 8/1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, làm tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải Phóng Quân và Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời khu Giải phóng Việt Bắc.

Năm 1946, ông lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).

Ngày 19/12/1946, chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản, ông bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

Ngày 25/1/1948, ông được phong Đại tướng. Tháng 6/1950, theo Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, ông giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh, Tổng Chính ủy Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông liên tục đảm nhiệm những chức vụ trên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975). Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh.

Trong một thời gian ngắn từ tháng 7/1960 đến tháng 1/1963, ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật.

Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80.

Con người và sự nghiệp của ông không chỉ tỏa sáng rực rỡ trên lĩnh vực quân sự mà còn trên mặt trận văn hóa-tư tưởng và một số lĩnh vực khác. Ông viết hàng trăm bài báo; gần 100 bản luận văn có giá trị trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt, ông viết nhiều sách văn học.

 

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)