Gói thầu “Tập huấn cho cộng đồng”: Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cố tình vi phạm

Pháp luật - Ngày đăng : 17:19, 06/07/2016

Mặc dù Báo Công lý đã kịp thời phát hiện và phản ánh những sai phạm trong gói thầu “Tập huấn cho cộng đồng” tại Lai Châu, nhưng Bên mời thầu (Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu) vẫn không khắc phục đồng thời lý giải sai phạm “một mình một kiểu”...

Cụ thể, sau khi Báo Công lý điện tử đăng bài “Lai Châu: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ mời thầu Tập huấn cho cộng đồng, ngày 27/6/2016, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu (dưới đây gọi tắt là Ban Dân tộc) có Công văn số 279/BDT-KH phúc đáp bài viết như sau:

1- Báo Công lý phản ánh “HSMT đã đưa ra yêu cầu về năng lực kinh nghiệm đánh giá theo phương pháp thang điểm nhưng đồng thời lại bổ sung thêm phương pháp đạt và không đạt? Việc lập HSMT của gói thầu tư vấn lại đưa ra bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm riêng, vốn là yêu cầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp. Như vậy, nội dung HSMT đã sai cơ bản về lập HSMT gói thầu dịch vụ tư vấn nội dung này trái hoàn toàn với hướng dẫn tại Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/02/2015”.

Về vấn đề này Bên mời thầu giải thích “Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm trong Hồ sơ mời thầu phát hành ngày 26/5/2016 đã bị Ban Dân tộc bãi bỏ tại khoản 1, Điều 1, Quyết định số 261/QĐ- BDT ngày 17/6/2016. Như vậy, trong HSMT sau khi sửa đổi của Ban dân tộc không còn quy định về bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm riêng”.

Tuy nhiên, Báo Công lý xác minh từ nhà thầu đã mua HSMT sửa đổi thì nội dung này không hề sửa đổi như Bên mời thầu khẳng định như trên. Nếu đúng như Ban Dân tộc giải thích như trên, thì thực tế Bên mời thầu đã phê duyệt một đằng nhưng lại phát hành hồ sơ mời thầu một nẻo (!?).

Gói thầu “Tập huấn cho cộng đồng”: Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cố tình vi phạm

Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm được chụp lại từ HSMT sửa đổi trang số 30-31

2- Ban Dân tộc (Bên mời thầu) khẳng định hồ sơ mời thầu sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật là đảm bảo đúng quy định vì đây là gói thầu có tính “đặc thù”. Tính chất đặc thù được Ban Dân tộc giải thích “Hiện nay  Nhà nước chưa có văn bản pháp lý nào quy định về tiêu chí xếp loại gói thầu dịch vụ tư vấn theo yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù. Tùy theo đặc điểm, tính chất của gói thầu mà chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Gói thầu tập huấn cho cộng đồng đối tượng là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn là chương trình “đặc thù”. Việc nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực này đối với tỉnh Lai Châu cũng đòi hỏi tính đặc thù về tài liệu tập huấn (chất lượng), cần chi tiết, tỉ mỉ, dễ hiểu, dễ tiếp thu, có giá trị như sổ tay, chỉ dẫn gối đầu giường cho bà con tra cứu dễ dàng…”.

Về vấn đề này, Báo Công lý khẳng định gói thầu là “xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn, với nội dung tuyên truyền về chính sách dân tộc, thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên địa bàn các xã, thôn, bản và quy chế dân chủ cơ sở”. Như vậy đó chỉ đơn thuần là tập huấn tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phạm vi công việc của gói thầu có tính chất tư vấn là xây dựng tài liệu và giảng dạy chiếm tỷ lệ rất nhỏ chưa đến 10 % giá trị gói thầu, còn lại chủ yếu là dịch vụ phi tư vấn như bố trí ăn ở, đi lại cho giảng viên, học viên, dịch vụ hội trường, khánh tiết, in ấn tài liệu. Như vậy việc bố trí ăn ở, đi lại cho giảng viên, học viên, thuê hội trường, khách tiết, in ấn tài liệu v.v… không thể là hoạt động “đặc thù”.

Ngoài ra, theo dự toán gói thầu, phần chi cho công việc tư vấn (giảng viên giảng dạy) chỉ có 3.000.000 đồng/lớp, trên tổng số 43.206.341đồng dự toán cho một lớp học. Ngoài chi cho giảng viên nêu trên còn bao gồm các khoản chi ăn, ở, đi, lại của giảng viên, học viên; chi tài liệu, hội trường, khánh tiết. Như vậy, phạm vi công việc rất rõ ràng, giá trị tư vấn chỉ chiếm chưa đến 10%, còn lại là các dịch vụ phi tư vấn về dịch vụ tổ chức đào tạo. Câu hỏi đặt ra vậy đâu là “đặc thù” như Ban Dân tộc giải thích?

Báo Công lý cho rằng bên mời thầu đã áp tính chất “đặc thù” để chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất vào đàm phán hợp đồng, và như vậy cùng với việc cài tiêu chí trong hồ sơ mời thầu như đã phản ánh để tạo lợi thế cho nhà thầu nào đó có điểm kỹ thuật cao nhất mà không cần xét đến giá dự thầu. Với tính toán này, nhà thầu nào đó sẽ “một mình một ngựa” trong cuộc đua mà không có bất kỳ vật cản nào.

Gói thầu “Tập huấn cho cộng đồng”: Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cố tình vi phạm

Dự toán gói thầu

Nói tóm lại, đối với gói thầu này phạm vi công việc tư vấn chỉ chiếm 10% giá trị gói thầu, và tính chất tư vấn đơn giản là xây dựng tài liệu tập huấn chính sách, phương pháp giảng dạy phù hợp với đồng bào dân tộc. Còn lại là dịch vụ phi tư vấn rõ ràng và cố định theo dự toán định mức của Nhà nước. Như vậy  không thể coi đó là “kỹ thuật cao” hay “đặc thù” như giải thích của Ban Dân tộc. Rõ ràng việc áp dụng như Ban Dân tộc là tuỳ tiện, không đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo các chuyên gia đấu thầu, gói thầu này phạm vi công việc là hỗn hợp giữa dịch vụ tư vấn và phi tư vấn, tuy nhiên dịch vụ phi tư vấn chiếm đến trên 90 % thì cần áp dụng quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn.

Đến đây cũng có thể hiểu được phần nào tại sao Bên mời thầu lại cố tình dùng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu dựa trên kỹ thuật? Bởi lẽ phương pháp này chỉ chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất vào thương thảo hợp đồng; kết hợp với bảng điểm và tiêu chí đánh giá về kỹ thuật đã đưa nhiều nội dung cố ý tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó trái quy định nhằm chọn nhà thầu đã được Bên mời thầu xác định trước.

3- Báo Công lý phản ánh Hồ sơ mời thầu không yêu cầu cụ thể các công việc nhà thầu phải làm và nhà thầu phải chào giá, phải chăng bên mời thầu đã cố tình đưa ra như vậy để “gài bẫy” nhà thầu ?

Về vấn đề này, Ban Dân tộc giải thích như sau “Các nhà thầu tham gia trên cơ sở phạm vi, số lớp, thời gian và quy định của Nhà nước về công tác đào tạo, tập huấn để xây dựng dự toán. Cụ thể gói thầu được thực hiện trên phạm vi địa bàn 99 xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II có thôn bản đặc biệt khó khăn. 01 lớp/ xã; Thời lượng tập huấn 03 ngày/ lớp; Nhà thầu sau khi trúng thầu thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến việc mở lớp. Những số liệu này có đầy đủ cơ sở để các nhà thầu quan tâm đến gói thầu lập dự toán chào thầu”.

Việc giải thích nêu trên của Bên mời thầu cho thấy sự đánh đố đối với các nhà thầu tham gia. Hồ sơ mời thầu quy định phạm vi công việc của gói thầu, mô tả công việc của gói thầu không rõ ràng, nếu không biết trước dự toán gói thầu sẽ không có cơ sở để chào thầu.

Cụ thể về phạm vi công việc của gói thầu theo giải thích của Bên mời thầu chỉ nêu chung chung phạm vi công việc là lập tài liệu tập huấn, tập huấn và số lớp trên các huyện mà không ghi cụ thể các công việc nhà thầu phải thực hiện trong từng lớp đó như thế nào.

Trong khi đó theo dự toán gói thầu thì phạm vi công việc của nhà thầu phải làm đó là ngoài việc xây dựng tài liệu và bố trí giảng viên còn phải thực hiện các công việc cho các công tác: Hội trường, khánh tiết, in ấn tài liệu, phục vụ học viên ăn ở đi lại. Mặt khác, các biểu mẫu về đề xuất tài chính không có nội dung ghi cụ thể nội dung nhà thầu phải chào cụ thể. Như vậy, hồ sơ mời thầu đã đánh đố các nhà thầu tham dự và chỉ có nhà thầu nào đó biết trước dự toán mới có thể chào thầu.

Gói thầu “Tập huấn cho cộng đồng”: Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cố tình vi phạm

Bìa hồ sơ mời thầu

4- Báo Công lý đã nghi vấn bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ mời thầu cho nhà thầu có nhu cầu tham dự thầu. Về việc này, Bên mời thầu giải thích là do gửi nhầm hồ sơ mời thầu cũ (chưa sửa đổi), mặc dù đã phát hành hồ sơ mời thầu sửa đổi.

Để xác thực thông tin, PV Báo Công lý đã liên hệ với nhà thầu thì được phản ánh, nhà thầu phải mất 3 ngày liền đến liên hệ với Bên mời thầu mới mua được hồ sơ mời thầu. Sau đó nhà thầu gửi văn bản đề nghị bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu thì được giải thích là phát hành nhầm bản hồ sơ mời thầu cũ do sơ suất trong quá trình in ấn, sau đó nhà thầu không còn đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Thiết nghĩ, việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu được pháp luật quy định rất cụ thể. Vậy không hiểu vì sao bên mời thầu đã phê duyệt hồ sơ mời thầu sửa đổi bằng văn bản và đăng trên Báo Đấu thầu mà vẫn cố tình không phát hành hồ sơ, khi không trì hoãn được thì lại phát hành hồ sơ không đúng và viện lý do nói là “sơ suất trong quá trình in ấn”? Rõ ràng, bên mời thầu đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật đấu thầu về phát hành hồ sơ mời thầu.

Điều đáng lưu ý là sau khi có bài của Báo Công lý phản ánh những sai sót, vi phạm nêu trên nhưng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu (bên mời thầu) không những không điều chỉnh khắc phục mà vẫn cố tình thực hiện thủ tục mở thầu, đồng thời giải thích cho dư luận nhưng các lý do đưa ra khó có thể được các  nhà thầu và dư luận chấp nhận.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần vào cuộc kịp thời kiểm tra, xử lý để chấn chỉnh việc lựa chọn nhà thầu của Ban dân tộc tỉnh Lai Châu.

Nhóm PV