Lai Châu: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ mời thầu “Tập huấn cho cộng đồng”

Pháp luật - Ngày đăng : 22:16, 25/06/2016

Gói thầu "Tập huấn cho cộng đồng" của Ban dân tộc Lai Châu tổ chức mời thầu rộng rãi, ban hành theo Quyết định số 196/QĐ-BDT ngày 20/5/2016 phê duyệt hồ sơ mời thầu và Quyết định số 261/QĐ-BDT ngày 17/6/2016 sửa đổi, bổ sung HSMT.

Tuy nhiên nội dung của hồ sơ mời thầu và hồ sơ mời thầu sửa đổi đều có dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo hồ sơ mời thầu (HSMT), bên mời thầu đã mời nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn (DVTV) và bên mời thầu đều khẳng định việc lập HSMT đã căn cứ Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/02/2015 Quy định chi tiết lập Hồ sơ mời quan tâm; HSMT, Hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn. Tuy nhiên, nội dung HSMT đã không tuân thủ đúng quy định.

Lai Châu: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ mời thầu “Tập huấn cho cộng đồng”

Cụ thể, về tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT đã đưa ra yêu cầu về năng lực kinh nghiệm đánh giá theo phương pháp thang điểm nhưng đồng thời lại bổ sung thêm phương pháp đạt và không đạt? Việc lập HSMT của gói thầu tư vấn lại đưa ra bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm riêng, vốn là yêu cầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp. Như vậy, nội dung HSMT đã sai cơ bản về lập HSMT gói thầu dịch vụ tư vấn nội dung này trái hoàn toàn với hướng dẫn tại Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/02/2015.

HSMT đã sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật trong khi theo quy định thì phương pháp này chỉ áp dụng đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù, còn gói thầu này phạm vi công việc của nhà thầu chỉ là xây dựng tài liệu tập huấn và tập huấn, với nội dung về chính sách dân tộc, thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên địa bàn các xã, thôn, bản và quy chế dân chủ cơ sở.

Với nội dung gói thầu như vậy chỉ là một chương trình tập huấn chính sách của Nhà nước không hiểu vì sao bên mời thầu lại quy định như vậy?

Khi trao đổi với phóng viên Báo Công lý, bên mời thầu lý giải đây là gói thầu có tính đặc thù vì đối tượng tập huấn cho đồng bào dân tộc.

Theo một số chuyên gia đấu thầu, việc bên mời thầu lựa chọn phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật và sử dụng phương pháp đạt - không đạt trong đánh giá HSDT là không phù hợp với các quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với gói thầu chỉ là xây dựng tài liệu về tập huấn chính sách của Nhà nước như vậy thì không thể là kỹ thuật cao hay đặc thù.

Việc bên mời thầu giải thích là đặc thù do đối tượng tập huấn là người dân tộc hoàn toàn không phù hợp vì tính đặc thù đó đã được thể hiện khi bên mời thầu quy định trong tiêu chuẩn đánh giá đối với yêu cầu về kinh nghiệm của nhà thầu và giảng viên tham gia giảng dạy.

Về nội dung HSMT có nhiều nội dung đưa ra yêu cầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu cụ thể:

Tại phần tiêu chuẩn đánh giá đối với yêu cầu về giảng viên phải có trình độ tốt nghiệp Đại học trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, phải chăng đây là tiêu chuẩn để nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Vì yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo Luật Giáo dục chỉ áp dụng cho các chương trình giáo dục các cấp, còn nội dung gói thầu này chỉ là tập huấn về chính sách trong thời gian 03 ngày, vậy tại sao bên mời thầu lại đưa tiêu chí này vào HSMT?

Về phạm vi công việc của gói thầu được quy định tại phần thứ tư điều khoản tham chiếu của HSMT chỉ nêu chung chung phạm vi công việc là lập tài liệu tập huấn, tập huấn và số lớp trên các huyện mà không ghi cụ thể các công việc nhà thầu phải thực hiện trong từng lớp đó như thế nào dẫn đến nhà thầu không thể biết được là phạm vi công việc chỉ là xây dựng tài liệu và tập huấn hay còn các công việc khác như công tác tổ chức tập huấn, tổ chức cho học viên.

Tại biểu mẫu số 11, Tổng hợp giá dự thầu cũng chỉ nêu chung chung về mô tả công việc mời thầu là theo số lớp mà không cụ thể trong đó những nội dung gì để nhà thầu chào giá và sau đó chỉ có mẫu số 12 A, 12 B và mẫu số 13 và như vậy, nhà thầu không biết phải chào giá ra sao.

Trong khi đó theo quyết định phê duyệt dự toán kèm theo Quyết định số 180/QĐ-BDT ngày 13/5/2016 của Ban dân tộc tỉnh Lai Châu thì dự toán từng lớp trong đó ngoài chi cho đào tạo còn phải chi cho học viên, gồm hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, tiền ngủ, nước uống... Như vậy, việc HSMT không yêu cầu cụ thể các công việc nhà thầu phải làm và nhà thầu phải chào giá, phải chăng bên mời thầu đã cố tình đưa ra như vậy để “gài bẫy" nhà thầu?.

Lai Châu: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ mời thầu “Tập huấn cho cộng đồng”

Quyết định phê duyệt dự toán của Ban dân tộc tỉnh Lai Châu

Soi chiếu lại tất cả nội dung trong HSMT, theo một số chuyên gia, qua những thông tin và tài liệu thể hiện trong hồ sơ của dự án thì có thể thấy có dấu hiệu cố ý làm sai các quy định của Luật Đấu thầu trong việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT và tổ chức đấu thầu.

Một câu hỏi được đặt ra là, có hay không sự cố ý đưa ra những điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu và tạo lợi thế cho nhà thầu nào đó. Điều đáng lưu ý, sau khi các đơn vị có HSDT gửi công văn lên Ban dân tộc Lai Châu “Về việc làm rõ hồ sơ mời thầu”, Ban này đã lập lờ đính chính do trước đó đã “gửi nhầm” hồ sơ cũ cho các đơn vị.

HSMT là căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị HSDT, để bên mời thầu đánh giá HSDT… Việc lập, thẩm định và phê duyệt HSMT một cách quan liêu, thiếu trách nhiệm dẫn đến hàng loạt các sai sót đã gây hoài nghi cho doanh nghiệp.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời kiểm tra, xử lý để trả lại sự minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn nhà thầu của Ban dân tộc tỉnh Lai Châu.

PV