Vụ án “Trốn thuế” ở Bình Dương và lời khẩn cầu của ông Tổng giám đốc
Pháp luật - Ngày đăng : 11:26, 19/06/2016
Văn bản đề nghị xem xét giải quyết đơn thư của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương
Về vụ việc này, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba đã có văn bản và chuyển đơn của ông Byron, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và đóng gói Thủy hải sản (Công ty USPC) - trụ sở tại KCN Đồng An, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương - đến các cơ quan tư pháp Trung ương cùng các tài liệu kèm theo với yêu cầu thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố vụ án này để tránh oan sai, vi phạm pháp luật trong tố tụng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ án, bởi lẽ như đơn của ông Byron khẳng định: “Những cáo buộc từ phía Công an tỉnh Bình Dương về việc Công ty USPC và bà Minh Trang tham ô tài sản, lấy cắp 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm và trốn thuế là vô căn cứ và là sự cáo buộc oan”.
Đơn của ông Byron gửi Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cho biết, Công ty USPC của ông hiện đang phải đối mặt với “một vụ án oan sai nghiêm trọng”. Trong đó ông Byron cho rằng, Công an tỉnh Bình Dương đã hình sự hóa một vụ tranh chấp thương mại giữa hai pháp nhân là Công ty USPC và Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định.
Theo tường trình của ông Byron gửi Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, ngày 28/7/2012, Công ty USPC và Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định (Công ty Bình Định) - trụ sở tại số 26 đường Hàm Tử, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - đã ký Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh, theo đó Công ty USPC đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty Bình Định để sản xuất gia công thành cá ngừ CO loin đông lạnh cho họ. Sau khi thực hiện xong việc gia công lô hàng, Công ty Bình Định đã nhận một phần hàng thành phẩm, số thành phẩm còn lại là 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh.
Sau đó, ngày 25/9/2012, Công ty USPC và Công ty Bình Định đã ký Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001/12/USPC-VS/HĐUTXK với điều kiện thương mại ghi rõ là Công ty USPC sẽ xuất khẩu ủy thác cho Công ty Bình Định số lượng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh cho khách hàng ở Mỹ. Công ty Bình Định vẫn là chủ sở hữu lô hàng cho đến khi nó được giao cho khách hàng mua.
Ngày 06/10/2012, lô hàng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh rời nhà máy USPC theo đúng Hợp đồng Ủy thác xuất khẩu đã ký kết giữa hai công ty bằng Lệnh xuất hàng số 0049/12 ngày 05/10/2012 và Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu số 2619 ngày 06/10/2012, cả hai đều do Ông Byron Mc Laughlin, Tổng giám đốc Công ty USPC, ký tên. Lô hàng trên được xuất khẩu cho một khách hàng ở Mỹ với giá trị xuất khẩu 145.566 USD.
Tuy nhiên, ngày 20/10/2012, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, vợ ông Đỗ Tấn Vinh – người đại diện theo pháp luật Công ty Bình Định – bất ngờ có đơn tố cáo bà Minh Trang - Phó TGĐ Công ty USPC - “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” của Công ty TNHH XNK Vinh Sâm – trụ sở tại số 49 đường Nguyễn Trãi, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trong khi vụ việc chưa được giải quyết theo luật pháp Việt Nam tại một Tòa án kinh tế theo lẽ thông thường phải được làm, thì ngày 18/11/2014, PC45 Công an Bình Dương đã bắt bà Minh Trang tại khuôn viên Công ty USPC và giam giữ bà Trang 7 tháng để điều tra hai tội danh “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản” (!?).
Ông Byron Mc Laughlin, Tổng giám đốc Công ty USPC
Sau gần 3 năm điều tra, ngày 18/9/2015, PC45 Công an Bình Dương đã ban hành bản Kết luận điều tra số 77/KLĐT-PC45 cáo buộc bà Minh Trang phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Vinh Sâm.
Bản kết luận điều tra buộc tội Công ty USPC và bà Minh Trang đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty TNHH XNK Vinh Sâm vào tháng 7/2012, sau đó chế biến số nguyên liệu cá ngừ này thành 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh và xuất khẩu 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh đi Mỹ mà không có sự đồng ý của chủ hàng.
Không những thế, PC45 Công an Bình Dương còn khẳng định rằng, Công ty USPC đã ký một hợp đồng gia công với Công ty TNHH XNK Vinh Sâm trong đó, Công ty USPC đồng ý nhận nguyên liệu cá ngừ tươi và chế biến số nguyên liệu đó thành cá ngừ loin CO đông lạnh (11.062 kg) cho Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Vinh Sâm.
Tuy nhiên, đơn của ông Byron khẳng định, Công ty USPC không có bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Công ty TNHH XNK Vinh Sâm liên quan đến lô hàng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh, và bà Minh Trang không chiếm đoạt bất cứ thứ gì, cho dù là 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh hay là tiền của Công ty TNHH XNK Vinh Sâm hoặc của một bên nào khác.
Mặc dù kết luận điều tra như thế nhưng PC45 Công an Bình Dương cũng không có bất cứ bằng chứng gì chứng tỏ Công ty TNHH XNK Vinh Sâm đã giao số nguyên liệu cá ngừ tươi cho Công ty USPC, và PC45 Công an Bình Dương cũng không có một giấy tờ nào chứng minh Công ty USPC và TNHH XNK Vinh Sâm có thỏa thuận thương mại liên quan đến số lượng 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh.
Trong đơn, ông Byron cũng tái khẳng định, Công ty USPC chưa bao giờ nhận bất kỳ con cá ngừ nào từ Công ty XNK Vinh Sâm liên quan đến lô hàng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh. Ông yêu cầu Công an tỉnh Bình Dương cung cấp bằng chứng về cáo buộc này đối với USPC.
Nội dung đơn còn cho biết: Trong suốt quá trình điều tra từ tháng 10/2012 đến nay, lãnh đạo Công ty USPC đã nhiều lần giải thích rõ ràng với PC45 Công an Bình Dương rằng, Công ty USPC đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty Bình Định để chế biến thành 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh cho Công ty Bình Định. Đồng thời Công ty USPC đã trình đầy đủ giấy tờ gồm các hợp đồng, phiếu nhập kho, phiếu giao hàng, trong đó có cả Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh và Hợp đồng ủy thác xuất khẩu hợp pháp đã được Công ty Bình Định ký tên, đóng dấu. Nhưng vì lý do gì nào đó mà PC45 Công an Bình Dương từ chối chấp nhận những giấy tờ này và không thừa nhận các bản hợp đồng đó như là chứng cứ hợp pháp của vụ án mà không giải thích lý do vì sao (!?).
Công ty Cổ phần Chế biến và Đóng gói Thủy hải sản (USPC)
Trong đơn của ông Byron có đoạn: “Thật là không có nhân quyền khi Công an tỉnh Bình Dương kết luận vô căn cứ như vậy mà không xem xét những chứng cứ mà Công ty USPC và bà Minh Trang đưa ra. Phải chăng, Công an Bình Dương nắm tất cả quyền hành trong tay và pháp luật dường như chẳng có ý nghĩa gì với họ?”.
“Tôi đã làm việc tại Việt Nam đã được 18 năm, tạo dựng Công ty với vốn đầu tư nước ngoài, có đóng góp rất nhiều cho Việt Nam, hoạt động trung thực, đúng pháp luật, nhưng tôi thực sự không thể hiểu được vì sao Công an tỉnh Bình Dương lại đưa ra những kết luận rằng Công ty USPC và cá nhân bà Minh Trang vi phạm pháp luật mà không có bằng chứng gì thuyết phục, làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và tài chính cho Công ty, khiến 700 công nhân mất việc và gây tổn thất hơn 20 triệu USD. Là một nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi luôn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không hiểu nổi vì sao Công an tỉnh Bình Dương có thể đưa ra một bản kết luận điều tra và cáo buộc một người là có tội trong khi không có bất cứ chứng cứ hợp pháp nào và cũng không dựa trên cơ sở sự thât nào”, ông Byron nói.
“Tôi mong muốn vụ việc này được các Cơ quan Trung ương tham gia giám sát, làm rõ quá trình tố tụng của Công an tỉnh Bình Dương, sớm có kết luận rõ ràng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật để trả lại sự công bằng, danh dự, uy tín của Công ty USPC” – ông Byron khẩn thiết đề đạt nguyện vọng với Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương .