Công ty Lochsa Việt Nam đề nghị khởi tố “vụ án vu khống” - đâu là căn cứ?

Pháp luật - Ngày đăng : 11:28, 01/06/2016

Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam vừa có đơn gửi cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đề nghị khởi tố vụ án hình sự để xử lý trước pháp luật đối với một cá nhân có hành vi “Vu khống”.

Quyết liệt trình báo và tố cáo

“Chúng tôi điêu đứng vì bị tố cáo sai sự thật!”. Đó là bức xúc của ông Nguyễn Sỹ Hồng, Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam. Theo ông Hồng, Công ty này đã bị ông Lê Văn Tắn (thường trú tại Hải Phòng), nguyên Đội trưởng Đội thi công của Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam liên tục gửi đơn vu khống đối với lãnh đạo Công ty Lochsa Việt Nam đến các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật liên quan đến quá trình thi công và thanh quyết toán dự án Đê bao khu đổ đất phía Bắc (Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) thuộc Cụm công trình Lạch Giang.

Ông Hồng cho biết chỉ trong vòng một năm (từ tháng 4/2015 đến nay), ông Lê Văn Tắn đã phát đi hàng chục đơn “báo cáo” và tố cáo Công ty Lochsa Việt Nam đến các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý công trình giao thông và các cơ quan pháp luật.

Cụ thể ngày 25/4/2014 có “báo cáo” đến Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án công trình giao thông đường thủy Việt Nam với nội dung: “đề nghị Tổng giám đốc chấn chỉnh ngay việc làm thiếu trách nhiệm của Công ty Lochsa”. Đồng thời ông Tắn đề nghị can thiệp để Công ty này phải “trả công sòng phẳng cho người lao động và sửa chữa, khắc phục ngay những thiếu sót kỹ thuật của công trình trước mùa bão”.

Ngày 25/7/2015, ông Tắn viết đơn báo cáo sự việc với Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và đề nghị: Kiểm tra bản vẽ thi công đã được duyệt và đã áp dụng thi công để xác minh có hay không việc làm sai lệch nhằm thu lợi cho nhà thầu chính và thiệt hại cho nhân công; thanh tra việc nghiệm thu, thanh toán, chứng từ... của Lochsa để xác minh có hay không việc Lochsa dây dưa nhằm tìm cách quỵt tiền công của nhiều người lao động; thanh tra thực tế thi công tại hiện trường để xác minh có hay không việc nhà thầu làm sai thiết kế để trục lợi cho mình, thiệt hại cho Nhà nước.

Ngày 31/7/2015 có Đơn đề nghị “tạm thời rút lại đơn đề nghị v/v Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam quỵt tiền công của người lao động và làm sai thiết kế tại công trình: Đê bao khu đổ đất phía Bắc - Ninh Cơ - Nam Định” gửi Ban quản lý dự án.

Ngày 27/9/2015, ông Tắn viết đơn tố cáo sai phạm công trình do Công ty Lochsa thi công tại dự án và đề nghị Ban quản lý dự án áp dụng biện pháp kiểm tra đơn giản, rẻ tiền nhưng chính xác (kèm theo bản vẽ minh họa), đồng thời lưu ý sẵn sàng chịu mọi phí tổn cho công tác kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu phát hiện (tố cáo) không đúng.

Tiếp đến ngày 8/10/2015, ông Tắn viết đơn gửi Thanh tra Bộ GTVT kèm theo các tài liệu tố cáo Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam đã “Lừa đảo chiếm đoạt tiền hơn 2,3 tỷ đồng của nhân công lao động”, “Làm sai thiết kế, rút ruột nhiều tỷ đồng của Nhà nước tại công trình Đê bao khu đổ đất phía Bắc - Ninh Cơ - Nam Định để trục lợi”. Và chưa đầy một tuần sau, ngày 13/10/2015, đơn tố cáo này đã chính thức được gửi tới Công an thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định.

Ngày 21/12/2015, đơn của ông Tắn được gửi tới Thanh tra Chính phủ. Trong khi đơn đang được xem xét theo quy định thì ngày 15/1/2016, ông đã viết “Đơn trình báo” gửi Thanh tra Bộ GTVT và Ban quản lý dự án có nội dung tố cáo rất “thống thiết”, xin được trích: “Hiện nay hàng nghìn m3 bê tông Haro đúc bằng đá không đúng tiêu chuẩn còn đó trong kết cấu cấu công trình; hàng nghìn m3 đá 700kg-800kg được thay bằng đá lõi còn đó trong kết cấu công trình. Đó chẳng phải là bằng chứng hay sao? Còn bằng chứng nào xác đáng hơn thế? Xin hãy tin vào thực mắt nhìn thấy, tay sờ thấy, thay vì tin vào giấy tờ giả dối do con người vẽ ra. Những lỗi sai thiết kế được phát hiện không có gì ẩn giấu chỉ tại trong lòng người hay giải thích ẩn giấu mà thôi. Xin hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật, chỉ có chân thành mới có thể cùng nhau giải quyết mọi việc. Không thể có chuyện bỏ qua công trình bị làm sai thiết kế, chỉ sợ kiểm tra sẽ làm ảnh hưởng kết cấu của hạng mục đã làm sai…”.

Đúng một tháng sau, ngày 15/2/2016, ông Tắn lại tiếp tục gửi đơn trình báo Thanh tra Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đề nghị làm rõ các nội dung: Có hay không nhà thầu Lochsa làm sai thiết kế, rút ruột nhiều tỷ đồng của Nhà nước, mặc dù phát hiện sớm nhưng không sửa chữa, vẫn nghiệm thu thanh toán?

Đơn này đã được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền. Không đồng ý, ngày 5/3/2016, ông Tắn đã viết “Đơn tố giác gửi Lãnh đạo Bộ GTVT về việc Thanh tra Bộ và Ban quản lý các dự án giao thông đường thủy giải quyết kéo dài nhưng chưa dứt điểm”.

Ngày 7/3/2016, ông Tắn đã viết đơn trình báo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và Ngân hàng Thế giới tố cáo về việc nhà thầu Lochsa thi công “làm sai thiết kế nhiều hạng mục công trình”, “quỵt tiền nhân công của nhiều người lao động”, khẳng định “vụ việc đã phát hiện từ sớm nhưng không sửa chữa mà vẫn nghiệm thu thanh toán tại công trình”.

Cùng ngày, đơn này được gửi tới Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng…, và nhấn mạnh thêm “những cơ quan chịu trách nhiệm dây dưa, đùn đẩy kéo dài không giải quyết dứt điểm”.

Tiếp theo đó, cho đến ngày 4/5/2016, các loại đơn tố cáo kèm theo “đề xuất biện pháp kiểm tra” được  gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT; Thanh tra Bộ GTVT; Ban quản lý các dự án đường thủy, các cơ quan pháp luật, cơ quan truyền thông báo chí về việc Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam tham nhũng, rút ruột công trình hàng chục tỷ đồng...

Nguyên cớ vụ lùm xùm kiện cáo

Tất cả đơn trình báo và tố cáo của ông Lê Văn Tắn đều tập trung vào những nội dung: Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam “Lừa đảo chiếm đoạt tiền gần 3 tỷ đồng của nhân công lao động”; “Làm sai thiết kế, rút tiền nhiều tỷ đồng của Nhà nước tại công trình”  và “Làm trái quy định của Nhà nước về thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản cũng như Luật Kế toán - ứng và thanh toán tiền trong quá trình thi công”.

Công ty Lochsa Việt Nam đề nghị khởi tố “vụ án vu khống” - đâu là căn cứ?

Ông Nguyễn Sỹ Hồng cho biết, nguyên nhân dẫn tới vụ việc như sau: Ngày 21/6/2014, tại văn phòng Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam, ông Lê Văn Tắn đã ký hợp đồng giao khoán nội bộ thi công xây dựng công trình đối với Gói thầu ICB số CV-A2.1-NDTDP với Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam do Chủ tịch HĐQT là đại diện. Hợp đồng khoán nội bộ có giá trị tạm tính và tương ứng được ghi rõ trong Phụ lục đính kèm hợp đồng là 26 tỷ 202 triệu đồng (lấy tròn số). Tại Điều 13 của Hợp đồng đã ghi rõ việc khiếu nại được giải quyết như sau: “Hai bên A và B đồng ý thực hiện theo quy định nêu tại Điều 43 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ; Khi tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng thì được giải quyết bằng thương lượng và hòa giải. Trường hợp không thương lượng và hòa giải được, một trong hai bên có thể gửi vấn đề lên Tòa án là quyết định cuối cùng, có tính bắt buộc đối với các bên”.

Căn cứ vào điều kiện thực tế thi công tại công trường và tiến độ cam kết đã nêu trong hợp đồng mà ông Lê Văn Tắn không thực hiện được, nên Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam đã thống nhất chấm dứt hợp đồng với ông Lê Văn Tắn. Đồng thời, Công ty đã ra Văn bản số 0601CV/LCS ngày 6/1/2015 về việc thanh toán giá trị thi công của đội thi công ghi rõ: “1. Đội thi công phải hoàn đủ thuế VAT cho Công ty; 2. Bồi thường các vật tư hư hỏng cho Công ty; 3. Các hạng mục phát sinh Công ty sẽ thanh toán theo khối lượng thực tế đội thi công đã thực hiện khi có biên bản xác nhận của Ban điều hành Dự án (không theo bảng kê đội thi công đề xuất); Phần bảo trì, bảo hành Công ty sẽ xem xét giảm trừ một số hạng mục. Bằng công văn này đề nghị ông Lê Văn Tắn phối hợp với Ban điều hành xác nhận khối lượng thi công thực tế để Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam có cơ sở thanh toán. Trong quá trình nghiệm thu cho Đội, đề nghị Ban điều hành kịp thời thông báo những khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo Công ty giải quyết trên tinh thần làm việc nghiêm túc và công tâm”.

Theo lãnh đạo Công ty Lochsa: Ông Lê Văn Tắn với 40 năm làm việc trong ngành xây dựng thì phải hiểu mọi thủ tục pháp lý từ khi khởi công đến khi kết thúc công việc và thanh lý hợp đồng là rất nhiều những việc cần làm theo đúng trình tự quy định của luật pháp về xây dựng cơ bản. Ông đã không sử dụng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng để hai bên thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật về xác định các hạng mục đã thi công và lập bảng khối lượng có xác nhận của các phòng ban có liên quan; bổ sung các hợp đồng mà hai bên đã cam kết bằng miệng thành những văn bản chính thức cũng như đơn giá cụ thể từng hạng mục, công việc để làm cơ sở thanh, quyết toán; đối chiếu công nợ về các khoản tạm ứng tiền mặt, chuyển khoản, nhiên liệu, vật tư…mà đã viết đơn tố cáo sai sự thật gửi đến nhiều cơ quan để tố cáo và vu khống đối với Chủ tịch HĐQT và Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam.

Bài sau: Công ty cổ phần Lochsa Việt Nam “phản tố”

Gia Thành