Tranh chấp kiện đòi tài sản giữa Công ty Trần Hồng Quân và Bạch Đằng 10: Có hay không hành vi lừa dối đối tác?
Pháp luật - Ngày đăng : 14:07, 27/04/2016
Năm 2008, Công ty Cổ phần Bạch Đằng 10 có ký hợp đồng với nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân nhận thầu thi công các hạng mục công việc khối căn hộ và văn phòng phần kết cấu cho dự án tổ hợp Crown Plaza (đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi hoàn tất gói thầu, hai bên đã tiến hành ký biên bản thanh lý và biên bản quyết toán ngày 15/12/2011. Theo đó, Công ty Trần Hồng Quân có nghĩa vụ thanh toán trả cho Công ty Bạch Đằng 10 số tiền chưa thanh toán là hơn 17,7 tỷ đồng (làm tròn số).
Phối cảnh tổ hợp Crown Plaza
Theo Công ty Trần Hồng Quân, sau khi tiếp nhận chỉ dẫn thanh toán của Bạch Đằng 10, Công ty Trần Hồng Quân đã tiến hành chuyển cho ông Nguyễn Văn Sáng hơn 13,2 tỷ đồng và Công ty Vimeco hơn 278 triệu đồng. Sau khi tổng hợp các lần thanh toán, Công ty Trần Hồng Quân cho rằng đã thanh toán vượt quá 2,92 tỷ đồng cho Bạch Đằng 10. Vì thế, Công ty Trần Hồng Quân đã khởi kiện ra TAND quận Hà Đông, TP Hà Nội yêu cầu Tòa án buộc Công ty Bạch Đằng 10 trả lại số tiền thừa trên.
Tuy nhiên, bị đơn là Công ty Bạch Đằng 10 cho rằng, Công ty Trần Hồng Quân có thanh toán chuyển khoản trả Bạch Đằng 10 khoảng 12 tỷ đồng. Việc Công ty Trần Hồng Quân cho rằng đã thanh toán thừa cho đơn vị mình là không đúng. Bởi lẽ số tiền này không được chuyển vào tài khoản của Bạch Đằng 10 mà chuyển vào tài khoản của nhà cung cấp vật tư và đội thi công xây lắp, trái với hợp đồng hai bên đã ký kết.
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 30/9/2015 của TAND quận Hà Đông đã quyết định, buộc Công ty Bạch Đằng 10 phải trả Công ty Trần Hồng Quân gần 3,7 tỷ đồng; trong đó hơn 2,9 tỷ đồng là tiền thanh toán thừa và gần 740 triệu đồng là tiền lãi. Không đồng ý, Bạch Đằng 10 đã kháng cáo toàn bộ bản án lên TAND TP Hà Nội. Thực tế, Công ty Bạch Đằng 10 chưa nhận số tiền mà Công ty Trần Hồng Quân có nghĩa vụ thanh toán theo Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 15/12/2011. Bạch Đằng 10 còn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty Trần Hồng Quân trả số tiền còn nợ đến nay là hơn 10,3 tỷ đồng. Đồng thời, quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, Bạch Đằng 10 đã cung cấp thông tin: bà Đỗ Thị Vân, kế toán của Công ty Trần Hồng Quân là người đã rút séc hơn 13,2 tỷ đồng thông qua tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn Sáng.
HĐXX TAND TP Hà Nội cho rằng căn cứ Phụ lục 1 của Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, Công ty Trần Hồng Quân không có tài liệu, chứng cứ chứng minh đã thông tin cho Bạch Đằng 10 về việc chuyển tiền cho bên thứ ba để có cơ sở xác định trách nhiệm thuộc về Bạch Đằng 10. Mặt khác, theo bản Sao kê tài khoản thanh toán khách hàng của Ngân hàng BIDV thì hơn 13,2 tỷ đồng của tên tài khoản Nguyễn Văn Sáng mà Công ty Trần Hồng Quân thanh toán bằng ủy nhiệm chi để trả cho Bạch Đằng 10 đã được bà Đỗ Thị Vân rút bằng séc. Theo bản Sao kê này của ngân hàng thì mỗi lần, ngay sau khi Công ty Trần Hồng Quân nhập số tiền trả cho Công ty Bạch Đằng 10 thì chỉ vài phút sau, Đỗ Thị Vân lại rút ra bằng séc.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng xác định, bà Đỗ Thị Vân là kế toán của Công ty Trần Hồng Quân từ tháng 4/2005 đến nay. Đáng chú ý, TAND TP Hà Nội đã triệu tập 2 lần nhưng bà Vân không đến Tòa để cung cấp lời khai, chứng cứ. Hiện tại chưa xác định được số tiền bà Vân đã rút nêu trên được chuyển cho ai thụ hưởng hay bà Vân vẫn giữ. Để có đủ cơ sở xác định số tiền Công ty Trần Hồng Quân đã chuyển và Công ty Bạch Đằng 10 đã nhận được hay không cần phải tiến hành thu thập thêm chứng cứ. Vì vậy, TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy Bản án dân sự số 22/2015/DSST của TAND quận Hà Đông, chuyển hồ sơ vụ án để đơn vị này giải quyết lại theo thủ tục chung.
Có thể nói, tổ hợp Crown Plaza đã đi vào hoạt động nhiều năm, công trình thể hiện “đẳng cấp” hạng sang của chủ đầu tư. Tuy nhiên, có điều gì mờ ám, khuất tất, gian dối với đơn vị đã góp phần xây dựng nên công trình hoành tráng này của chủ đầu tư sẽ được TAND cấp sơ thẩm làm rõ trong thời gian tới. Báo Công lý sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.