Công ty Cổ phần Việt Mông: Lùm xùm đất đai hậu cổ phần hóa
Pháp luật - Ngày đăng : 13:04, 24/04/2016
Công ty Cổ phần Việt Mông được thành lập theo quyết định số 739/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 16/3/2006 của Bộ NN&PTNT, trên cơ sở cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước Nông trường Hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ và bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2007 . Tuy nhiên, đến nay Công ty Cổ phần Việt Mông (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn chưa bàn giao diện tích đất nông trường về cho địa phương. Nguyên nhân dẫn tới sự việc hy hữu này là do “di sản” để lại từ thời chưa cổ phần hóa.
Giải thích cho sự chậm trễ này, đại diện Công ty Cổ phần Việt Mông (Công ty Việt Mông), ông Trương Hồng Ngọc cho hay: “Thực chất, doanh nghiệp rất muốn bàn giao đất về địa phương để tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh theo quy hoạch phù hợp với các chủ trương chính sách của Nhà nước và của địa phương nhưng không thể bàn giao do rất nhiều vướng mắc”.
Cũng theo ông Ngọc, vướng mắc đầu tiên là vấn đề chênh lệch về mặt diện tích. Bởi theo phương án cổ phần hóa, tổng diện tích sử dụng đất của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ là 1.117 ha, trong đó 29,8 ha được để lại cho Công ty Việt Mông quản lý, sử dụng. Diện tích còn lại, hơn 1.000 ha giao về địa phương.
Nhưng các tài liệu về đất đai mà Nông trường có được không đầy đủ, chỉ có bản đồ giải thửa không có chữ ký, dấu. Quyết định thành lập Nông trường năm 1984 cũng không có quyết định giao đất, không có bản đồ…
Vì tài liệu không cụ thể rõ ràng, không có giấy tờ hồ sơ pháp lý theo quy định nên năm 2007 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có văn bản số 3346/UBND-CNXD về việc lập quy hoạch đối với diện tích hơn 1.000 ha đất nói trên, yêu cầu Công ty Việt Mông tự bỏ vốn đo đạc kiểm tra lại toàn bộ diện tích đất đai của Nông trường, đồng thời giao Công ty Việt Mông lập quy hoạch chung, đề xuất phương án quy hoạch sử dụng đất trên diện tích này để UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.
Từ chỉ đạo này, Công ty Việt Mông đã tiến hành đo đạc và diện tích đất thực tế chỉ có 941 ha chứ không phải là hơn 1.117 ha như phương án cổ phần hóa. Nguyên nhân là do khi cổ phần hóa đã không tiến hành đo đạc thực trạng đất đai mà sử dụng số liệu trên sổ sách.
Từ báo cáo về quy hoạch chung và phương án sử dụng đất, tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định giao Công ty Việt Mông làm chủ đầu tư, thực hiện dự án Làng sinh thái chè Việt Mông. Sau đó, Công ty đã phối hợp với UBND xã Yên Bài, tổ chức công bố Quyết định số 2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và dựng bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.
Nhiều căn biệt thự không phép được mọc lên tại đất của Nông trường
Đến tháng 8/2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập về TP Hà nội, dự án thuộc diện phải tạm dừng để kiểm tra rà soát phục vụ lập quy hoạch chung Hà Nội sau khi mở rộng.
Từ đó đến nay, Công ty đã nhiều lần có văn bản gửi UBND Hà Nội và các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao đất cũng như tiếp tục thực hiện Dự án Làng chè sinh thái Việt Mông, nhưng những đề nghị đó vẫn rơi vào im lặng.
Do quy hoạch chi tiết sử dụng đất bị tạm dừng nên việc quản lý đất đai tại đây rất phức tạp, xảy ra nhiều vi phạm như xây dựng nhà ở, công trình, mua bán trao tay… và dẫn đến khiếu kiện của một số hộ dân nhận giao khoán đòi Công ty Việt Mông bàn giao đất về địa phương để người dân có điều kiện xin cấp sổ đỏ.
Trước hiện trạng quản lý đất đai bị buông lỏng, xảy ra nhiều vi phạm như mua bán, chuyển nhượng, san lấp, xây dựng trái phép… cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành thanh tra. Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên môi trường cho thấy, trong giai đoạn Nông trường Việt Mông tồn tại, có 1.040 hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm cho các hộ dân với tổng diện tích 361 ha, thời hạn giao khoán 50 năm.
Việc giao khoán có nhiều vi phạm như ngoài đất nông nghiệp, Nông trường còn giao cho mỗi hộ 300m2 đất ở; đất trồng cây hàng năm được giao với thời hạn 50 năm (theo quy định thời hạn giao tối đa 20 năm); giao đất nông nghiệp để các hộ dân xây dựng ki ốt bán hàng, giao đất cho các tổ chức để xây dựng nhà nghỉ… Thậm chí, có đến hơn một nửa số hợp đồng giao khoán được ký sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chủ trương cổ phần hóa.
Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện trạng sử dụng đất tại nhiều nông trường rất phức tạp. Nếu để xem xét nguyện vọng được cấp sổ đỏ của các hộ dân tại Nông trường Việt Mông thì phải cân nhắc nhiều khía cạnh.
“Về pháp lý, cần xem xét tính hợp pháp của hợp đồng giao khoán. Nếu nội dung các hợp đồng giao khoán có vi phạm về thẩm quyền giao đất, mục đích sử dụng và các quy định khác về việc giao khoán đất nông nghiệp thì rất có khả năng vô hiệu và theo nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu thì hai bên phải giao trả nhau những gì đã nhận” – Luật sư Vũ Ngọc Chi cho hay.
Đây là các hợp đồng giao khoán đất, bản chất đó là hợp đồng thuê đất. Nếu đã là thuê thì khi hết thời hạn hợp đồng, các hộ dân phải giao trả tài sản cho bên cho thuê. Nếu muốn được cấp sổ đỏ thì về nguyên tắc, các hộ dân phải mua lại tài sản – đất đai từ bên có đất. Giao dịch chuyển nhượng đất đai này sẽ có nhiều quy định phức tạp hơn giao dịch mua bán thông thường bởi sau khi bàn giao về địa phương, đây là đất công và địa phương lập quy hoạch sử dụng đất. Căn cứ vào quy hoạch mới xem xét loại đất gì, có được mua bán hay không.