TP. Huế: Nhiều khuất tất xung quanh dự án nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ
Pháp luật - Ngày đăng : 21:29, 18/03/2016
Giải tỏa một, “đền” mười?
Theo phản ánh của một số hộ dân, số nhà 214 Điện Biên Phủ của ông Nguyễn Đắc Sum (đã mất) có diện tích đất là 70,7m2, hiện có 3 người con cùng sống. Sau khi bị giải tỏa 35,4m2, ngôi nhà này còn lại 35,3m2 và những người con ông Sum vẫn sinh sống tại đây nhưng họ lại được đền bù gần 400.000.000 đồng và được bố trí 2 lô đất tái định cư. Đáng nói là sau khi nhận tiền đền bù và đất tái định cư, các con ông Sum không di dời đến khu tái định cư mà lại sang thửa đất số 114 có diện tích 182.3m2 do UBND phường Trường An quản lý, tự ý làm nhà tạm để ở với lý do để xây dựng lại nhà cũ(?). Việc xây dựng trái phép này bị tổ dân phố và Chi bộ khu phố phản đối và báo cáo lên UBND phường. UBND phường có đến kiểm tra nhưng không hiểu sao lại không lập biên bản xử lý mà vẫn để tiếp tục xây dựng.
Nhà 212 của ông Tự và bà Loan được sử dụng lâu nay nhưng được UBND TP. Huế cấp cho con ông Sum
Bức xúc về việc UBND phường vẫn cho phép xây dựng trái phép nên Chi ủy Chi bộ 6, phường Trường An đã phản ánh việc này tại kỳ họp HĐND thứ 8 khóa XI. Sau kỳ họp, Chủ tịch UBND phường Đỗ Thị Thanh Mai có Báo cáo giải trình số 58/BC-UBND ngày 24/6/2014 nêu rằng, việc phản ánh trên của Chi bộ 6 là đúng, UBND phường nhận khuyết điểm và đã phê bình các cán bộ có liên quan. Nay UBND phường đã yêu cầu các con ông Sum cam kết thời gian tự tháo dỡ và sẽ xử lý theo quy định.
Thế nhưng, đến ngày 15/12/2014, các con ông Sum lại được nhận tiền đền bù của lô đất xây dựng trái phép này và tháng 5/2015 lại được UBND TP. Huế cấp luôn GCNQSDĐ. Thậm chí, GCNQSDĐ không những cấp đất công do UBND phường quản lý mà còn cấp luôn cả đất là lối đi vào nhà, mộ và miếu của gia đình ông Phạm Tự và bà Phạm Thị Loan.
Sau khi có GCNQSDĐ, các con ông Sum yêu cầu gia đình ông Tự và bà Loan dỡ nhà và đập bỏ am, miếu từ xưa để xây bít luôn lối đi vào nhà và phần mộ của gia đình ông Tự và bà Loan.
Bà Loan cho biết: “Khu đất trên trước đây của họ Phạm, cha mẹ tôi chỉ bán cho ông Sum 70m2. Sau khi ônlg Sum qua đời, các con ông Sum đã lấn sang khu đất nói trên để xây dựng ở. Vì vậy, phường đã bắt tháo dỡ và UBND phường đã nhiều lần tổ chức hòa giải tranh chấp giữa nhà tôi và các con ông Sum nhưng kết quả các buổi hòa giải đều không thành. Năm 2015, tôi không hiểu vì sao các con ông Sum được UBND TP. Huế cấp GCNQSDĐ trong khi đất đang có tranh chấp?”.
Cần làm rõ khuất tất và xử lý nghiêm
Để xác minh vụ việc trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ để đăng ký làm việc với bà Chủ tịch UBND phường Trường An Đỗ Thị Thanh Mai. Tuy nhiên, bà Mai từ chối làm việc và cho nhân viên văn phòng trả lời rằng: UBND phường đã giải quyết theo đúng pháp luật, nếu muốn xác minh thì làm việc với UBND thành phố.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Khánh Huy, Trưởng phòng TN&MT và ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban giải tỏa đền bù TP. Huế cho biết: Lý do cấp GCNQSDĐ và đền bù cho các con ông Sum là căn cứ tờ khai nguồn gốc sử dụng đất được UBND phường Trường An xác nhận ngày 11/12/2014 và Công văn số 131/UBND-ĐCXD ngày 11/12/2014 của UBND phường Trường An, xác định đất của họ Phạm sử dụng trước đây cho gia đình ông Nguyễn Đắc Sum sử dụng trước năm 1975 để trồng hoa màu, đất không có giấy tờ.
Đi sâu tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi được biết: Bảng tổng hợp diện tích chỉnh trang, nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, phường Trường An năm 2012, thửa số 114 diện tích 182.3m2 có tên trụ sở UBND phường và theo sơ đồ địa chính năm 2009 của UBND TP. Huế cũng tên UBND phường. Lạ thay, danh sách nhận tiền đền bù của lô đất này là ông Nguyễn Đắc Nhật Linh (con ông Sum) với số tiền 106.000.000 đồng(?).
Vậy là, sau khi giải tỏa nhưng vẫn còn diện tích đất tại địa phương; gia đình ông Sum đã nhận được tiền đền bù gần 400.000.000 đồng cùng 2 lô đất tại khu tái định cư Bàu Vá và được cấp thêm lô đất công của Nhà nước diện tích 182.3m2 rồi vẫn được nhận thêm 106.000.000 đồng tiền đền bù của lô đất này? Phải chăng, có điều gì đó “không bình thường” trong việc đền bù cho gia đình ông Sum?
Thiết nghĩ, UBND TP. Huế và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh trong công tác đền bù, cấp GCNQSDĐ, bố trí đất tái định cư tại đường Điện Biên Phủ cũng như làm rõ những khuất tất mà người dân phản ánh.