Vụ "cướp tài sản" ở Krông Năng: Trả hồ sơ làm rõ thương tích 21% của bị hại
Pháp luật - Ngày đăng : 10:40, 18/03/2016
Trước đó, như Báo Công lý đã đưa tin, vụ án này đã được đưa ra xét xử hai lần. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã ra bản án số 297/2014/HSPT tuyên hủy bản án sơ thẩm số 30/2014/HSST, ngày 10/3 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai.
VKS giữ nguyên truy tố, bị cáo một mực kêu oan
Theo cáo trạng mà VKS truy tố, sự việc xảy ra vào khoảng 10h ngày 23/8/2012, Nguyễn Đức Mạnh điều khiển xe máy cày tay có rơ moóc đến quán tạp hóa của bà Nguyễn Thị Suốt ở thôn Trung Hòa, xã Đliê Ya (Krông Năng) để yêu cầu bà Suốt trả tiền nợ huê hụi cho vợ chồng ông Mạnh, nhưng bà Suốt chưa có tiền trả.
Bực tức trước thái độ của bà Suốt, Mạnh đã đến bê nhiều hàng hóa đang được bày bán lên rơ moóc xe máy cày. Bà Suốt chạy lại căn ngăn, Mạnh đã có hành động dùng vũ lực đẩy bà Suốt ra để chiếm đoạt tài sản, làm bà Suốt ngã đầu đập xuống nền nhà gây thương tích 21%. Giá trị tài sản mà Mạnh chiếm đoạt là 6.823.000 đồng.
Bị cáo Mạnh đứng trước vành móng ngựa và luôn nói mình bị oan
Tại phiên tòa, sau khi được HĐXX và đại diện VKS hỏi về động cơ, mục đích bị cáo lấy tài sản làm gì?. Bị cáo khai: “Mỗi khi bị cáo đến hỏi tiền thì bà Suốt nói với bị cáo: “Chưa có tiền trả, muốn lấy gì thì vào đó mà lấy”. Khi được sự đồng ý của bà Suốt, bị cáo chỉ đến lấy một ít tài sản mục đích đưa về trình báo với UBND xã, mong cơ quan chức năng xuống làm việc với bà Suốt để bà trả số tiền đã nợ cho gia đình bị cáo”. Tại đây, bị cáo cũng cho rằng mình mới chỉ bê đồ từ trong nhà bà Suốt ra hiên nhà, chứ chưa bỏ đồ đạc lên xe, cũng như không hề xô đẩy gì bà Suốt. “Số đồ đạc đó, do anh Thắm (Lê Văn Thắm-Công an xã) và vợ chồng bà Suốt mang lên xe. Trong lúc bà ấy (bà Suốt-PV) còn làm được như vậy, thì sao nói bà ấy đau đầu được”.
Suốt phiên tòa, bị cáo Mạnh mỗi khi được nói đều cho rằng mình bị oan, cáo trạng của VKS truy tố là không đúng với sự việc diễn ra ngày 23/8/2012. Trong khi đó, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình là bị cáo Mạnh phạm tội “cướp tài sản”.
Bên cạnh đó, sự vắng mặt của bị hại Nguyễn Thị Suốt là người có quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc (vắng mặt trong cả hai phiên tòa trước đó và sơ thẩm lần này), cũng như các nhân chứng chứng kiến cảnh ông Mạnh xô ngã bà Suốt (vắng cả ba buổi xét xử), một lần nữa lại khiến cho những người tham dự phiên tòa cảm thấy có nhiều điều khó hiểu, khi bị hại và các nhân chứng này không được đối chất tại phiên tòa. Ngược lại, những người thấy và cứu bà Suốt khi bà ấy ngã xe máy lại sẵn sàng có mặt làm chứng khi tòa triệu tập.
21% thương tích trong người bà Suốt ở đâu mà có?
Xung quanh vấn đề thương tích 21%, bà Suốt khai tại cơ quan CSĐT, bà bị ông Mạnh đẩy ngã vào ngày 23/8/2012 rồi gây ra thương tích nêu trên, còn bà bị té ngã cạnh nhà bà Hường vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch năm 2010 chứ không phải năm 2012. Nhưng bà Hường, (nhân chứng đã cứu bà Suốt lại khẳng định bà Suốt té ngã vào khoảng 7-8 ngày trước Rằm tháng 7 ÂL (khoảng ngày 23-24/8/2012, ngày này trùng với ngày xảy ra sự việc ông Mạnh vào nhà bà Suốt lấy đồ).
Bà Hường khai tại phiên tòa: "Hôm đó khoảng 7h sáng, hai vợ chồng nghe cái rầm, liền chạy ra, thấy cả người và xe rơi xuống rãnh. Sau đó nhận ra người tai nạn là bà Hiếu (bà Suốt-PV). Tại đây bà Hiếu kêu đau ở đầu và cho biết là bà bị chứng đau đầu, ông chồng không cho đi xe máy. Chồng bà Hường là ông Dũng đã đẩy xe của bà Suốt đi sửa trên nhà anh Khanh gần đó".
Anh Khanh khai tại cơ quan điều tra cũng như trước phiên tòa xét xử: "Thời gian anh chuyển về sống ở thôn Ea Ruế, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng vào khoảng tháng 4/2010 và làm nghề sửa xe tự phát sau khi chuyển đến đây ở. Lời khai này trái ngược với lời khai bà Suốt khai về thời gian bà bị té ngã, nhưng lại phù hợp với thời gian mà bà Hường khai gia đình đã cứu bà Suốt khi bà ngã ngay gần nhà mình".
Bà Hường cho biết bà Suốt té xe máy vào gần Rằm tháng 7 ÂL
Mặt khác, tại phần tranh luận ở phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Mạnh, đã đưa ra những chứng cứ khi căn cứ vào bệnh án của bị hại: tại bệnh án do bệnh viện (BV) huyện Krông Năng lập lúc 10h40phút ngày 25/8/2012, thì toàn thân không có vết thương, không bị sưng nề, bầm tím. Vùng đầu không bị sưng nề, không bị bầm tím.
Tại BV bà Suốt còn khai: Cách ngày nhập viện hai ngày, bị một nhóm thanh niên đánh vào đầu và xô ngã ngã xuống nền nhà (không rõ có đập đầu xuống đất hay không), nhưng thấy đau nên xin nhập viện.
Như vậy, theo lời khai này, thì bà Suốt bị một nhóm thanh niên đánh vào đầu. Bà cũng không xác định được có ngã đập đầu xuống đất hay không! Còn cáo trạng lại xác định là bà Suốt té ngã đầu đập xuống nền nhà là không chính xác.
Ngoài ra, luật sư phân tích thêm, bệnh án của BV Krông Năng ghi “theo dõi chấn động não”. Theo luật sư, đây chỉ là ghi chép theo lời khai của bệnh nhân, chứ không phải kết luận của BV. Bên cạnh đó, luật sư Nhàn còn cho biết, việc bà Suốt té xe máy ngã trước nhà bà Hường đã được bà Hường và chính bà Suốt thừa nhận. Chỉ khác nhau ở thời gian diễn ra, nhưng vấn đề này qua lời khai của anh Khanh, tất cả mọi người đã có câu trả lời rất rõ ràng. Việc CQĐT chỉ căn cứ vào lời khai của bà Suốt, mà không chứng minh được lời khai của bà Suốt là có căn cứ hay không, nhưng vẫn khởi tố vụ án và truy tố bị cáo là chưa đủ chứng cứ buộc tội.
Sau khi HĐXX TAND huyện Krông Năng nghiên cứu các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như quá trình tranh tụng tại phiên tòa đã quyết định tuyên trả hồ sơ vụ án cho VKSND cùng cấp để “điều tra, xác minh bổ sung làm rõ thương tích 21% của bà Nguyễn Thị Suốt do ai gây nên theo đúng trình tự mà pháp luật quy định”.