Diễn biến mới vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Bộ Giao thông vận tải đã có kết luận giám định

Pháp luật - Ngày đăng : 10:45, 11/12/2015

Bộ Giao thông vận tải vừa có Kết luận giám định về một số nội dung mấu chốt trong vụ án chìm ca nô xảy ra tại Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.

Ngay sau đó, nhiều luật sư đã gửi kiến nghị đình chỉ vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết …

Như Công lý đã thông tin, đây là vụ án từng bị TAND TP. Hồ Chí Minh hai lần ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra nhiều vấn đề chưa được làm rõ; một số luật sư cũng nhận định việc truy tố bị can về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” là thiếu cơ sở, có dấu hiệu oan sai. Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, tiến hành trưng cầu giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Mới đây, ngày 19/11/2015, Bộ Giao thông vận tải đã ra Kết luận giám định, trả lời 5 nội dung CQĐT nêu ra. Theo đó, về câu hỏi “tác nhân nào trong các thuộc tính của tàu BP 12-04-02 là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lật tàu?”. Kết luận giám định nêu rõ: “Theo hồ sơ do Cơ quan trưng cầu giám định cung cấp thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lật tàu này là do tàu chở quá số người cho phép chở cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”.

Diễn biến mới vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Bộ Giao thông vận tải  đã  có kết luận giám định

Tàu của Công ty Việt Séc sản xuất bằng vật liệu PPC 

Liên quan đến độ an toàn của thiết bị, CQĐT đặt câu hỏi: Với thiết kế của tàu canô thì có đảm bảo an toàn khi đi vào vùng có thời tiết với độ cao sóng là 1m tương ứng với sóng cấp 4 hay không? Kết luận giám định nêu rõ: Theo hồ sơ do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp, tàu canô được Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật theo quy định của quốc phòng. Vậy để xác định được nó có phù hợp hoạt động với độ cao sóng là 1,0m tương ứng với sóng cấp 4 hay không thì cần phải đối chiếu với các quy định có liên quan về quốc phòng. Về vấn đề “Với thiết kế của canô nêu trên thì có đảm bảo an toàn khi tàu đi vào tuyến hành trình từ Vũng Tàu đến Tiền Giang và ngược lại hay không?” Kết luận giám định cho biết, theo hồ sơ do Cơ quan trưng cầu giám định cung cấp, canô trên được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện. Đơn vị sử dụng là cửa khẩu Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công dụng là tuần tra, khả năng khai thác, hoạt động trong vùng sông - vịnh theo hệ thống quy định về quốc phòng. Do đó cần phải đối chiếu với các quy định có liên quan về quốc phòng.

Về vấn đề “Với thiết kế của tàu canô thì có đảm bảo điều kiện kinh doanh vận chuyển hành khách hay không?”. Kết luận giám định nêu rõ: Theo hồ sơ thiết kế của tàu canô BP 12-04-02 do Cơ quan trưng cầu giám định cung cấp, không đủ căn cứ để đánh giá tàu này có đáp ứng được điều kiện kinh doanh vận chuyển hành khách theo quy định hay không. Hồ sơ thiết kế của canô do Cơ quan trưng cầu giám định cung cấp không thể hiện tốc độ thiết kế. Vì vậy, không đủ cơ sở để xác định tàu canô BP 12-04-02 có phải là phương tiện thủy loại II tốc độ cao hay không.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải ra bản kết luận giám định, các luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) và Luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã gửi bản “Kiến nghị đình chỉ vụ án oan sai”. 

An Dương