Kỳ án ở Công ty Sông Lô (Hà Giang): Hậu quả nghiêm trọng từ những sai lầm
Pháp luật - Ngày đăng : 20:22, 12/11/2015
Vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sông Lô và bị đơn là UBND tỉnh Hà Giang về khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại do Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang gây ra… đáng được gọi là một kỳ án.
Từ chủ trương đúng đắn
Vụ kỳ án này khởi đầu từ những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Hà Giang là khai thác mỏ, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Riêng việc giao cho Công ty Sông Lô thăm dò, khai thác mỏ chì kẽm Na Sơn và mỏ sắt Tùng Bá, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành đến hàng trăm văn bản. Ví dụ, ngày 26/2/2001 tại Công văn số 217-CV/TU, Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chấp nhận đề nghị của UBND tỉnh đồng ý giao cho Cty Sông Lô được thăm dò, khai thác, chế tác quặng angtimon, chì kẽm, bán thành phẩm quặng sắt tại Hà Giang; Ngày 10/4/2001 tại Công văn số 645/UB-XD, UBND tỉnh Hà Giang giao cho Công ty này xây dựng 3 tuyến đường vào mỏ để khai thác quặng; Ngày 10/5/2001 Quyết định số 1234/QĐ/UB UBND tỉnh Hà Giang giao cho Công ty tổ chức khảo sát, thăm dò lấy mẫu công nghệ để xây dựng dự án và được khai thác tận thu chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Ngày 19/6/2001 Bộ Công nghiệp có Văn bản số 1350/QĐ- ĐCKS. QĐ của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt khu vực khoáng sản và bàn giao để UBND tỉnh Hà Giang tổ chức quản lý, cấp phép khai thác tận thu; Ngày 29/8/2002 UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án khai thác chế biến quặng sắt cho Cty Sông Lô. Sau đó, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Công nghiệp cho phép Cty Sông Lô khai thác chế biến ra gang thép từ 2000 - 2500 tấn/năm; Ngày 5/2/2002 UBND tỉnh ra Quyết định số 397/QĐ-UBND cấp mỏ sắt Tùng Bá, 20 ha mỏ Chì kẽm Na Sơn cho Công ty Sông Lô; Ngày 29/8/2003, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2309/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án nghiên cứu, khai thác tuyển luyện quặng sắt ở tỉnh Hà Giang của Công ty TNHH Sông Lô…
Lễ khánh thành Công viên Hà Phương do Công ty Sông Lô đầu tư xây dựng
Căn cứ các quyết định đó, Công ty Sông Lô đã triển khai thực hiện suốt 6 năm với chi phí chừng 60 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đường vào mỏ Tùng Bá - Na Sơn, tháng 8/2003 chủ đầu tư là Sở Công nghiệp, Công ty Tư vấn thiết kế trường Đại học GTVT Hà Nội đã xác định giá trị dự toán hoàn thành là 22,601 tỷ đồng, chưa tính chi phí hơn 10km đường điện, thăm dò, khảo sát… Sau những gian nan phá đá mở đường, kéo điện, khi những vỉa quặng đã lộ ra thì cũng là lúc Công ty Sông Lô “gặp hạn”. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khóa sau đã có những thay đổi so với lãnh đạo khóa trước.
Ngày 27/4/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô ban hành Quyết định số 1058/QĐ-UB, hủy bỏ Quyết định số 2309/QĐ-UB với lý do trong đó có qui định UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ Công ty 50% kinh phí mở đường, trái với qui định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
Đến sai lầm nối tiếp sai lầm
Nếu coi qui định UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ Công ty 50% kinh phí mở đường, là một sai lầm vì trái với qui định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì những quyết định sau lại tiếp nối những sai lầm.
UBND tỉnh Hà Giang hoàn toàn có thể khắc phục sai sót trong Quyết định số 2309/QĐ-UB bằng cách sửa đổi điều khoản về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng giữ nguyên các điều khoản khác. Nếu như vậy vụ kỳ án này sẽ không xảy ra.
Trái lại, ngay sau đó, ngày 12/5/2006, UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định số 1188/GP-UBND cấp mỏ chì kẽm Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách - một doanh nghiệp mới thành lập vội vã trước đó chưa đầy 1 tháng. Điều đáng kinh ngạc là mỏ này đang thuộc quyền quản lý của Công ty Sông Lô vì đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng, nhưng Quyết định 1188/GP-UBND không hề nhắc đến quyền lợi và các khoản đầu tư của Sông Lô được xử lý ra sao, trách nhiệm của Công ty tiếp nhận thế nào…
Tình thế buộc Công ty Sông Lô phải khởi kiện. Lúc này doanh nghiệp nhận được lệnh miệng của lãnh đạo tỉnh “Nếu Công ty Sông Lô rút đơn, tỉnh sẽ phục hồi quyền lợi cho doanh nghiệp”. Công ty rút đơn. Thế nhưng ngay sau khi Công ty rút đơn, thì ông Chủ tịch Nguyễn Trường Tô lại ký Quyết định số 585/QĐ-UBND hủy cả hai Quyết định 2309 và 1085, không giải quyết yêu cầu bồi thường hết sức chính đáng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kêu cứu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, thay mặt Thủ tướng đã có đến 11 văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND tỉnh Hà Giang giải quyết yêu cầu của Công ty Sông Lô nhưng tiến độ vẫn ì ạch. Chỉ đến khi có Công văn hỏa tốc số 4025/VPCP-KNTC ngày 16/6/2009 thì UBND tỉnh Hà Giang mới trả một phần nợ cho Công ty Sông Lô 17,42 tỉ đồng, nhưng trả để Ngân hàng thu nợ ngay, Công ty không có đồng nào để trang trải.
Thiệt hại rất lớn
Vụ kiện hành chính giữa Công ty Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa có hồi kết. Nói về thiệt hại vật chất thì chỉ căn cứ vào Biên bản giao nhận tài liệu ngày 21/5/2013 thì Công ty Sông Lô đã giao tài liệu cho UBND tỉnh chứng từ chứng minh thiệt hại lên đến nhiều chục tỉ đồng. Hậu quả của những quyết định sai lầm 9 năm về trước hết sức nghiêm trọng.
Công ty Sông Lô của những cựu chiến binh tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, từng được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Hà Giang đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng nhiều Huân, Huy chương, và danh hiệu Sao vàng Đất Việt… bây giờ chỉ còn hoạt động chính là “đòi nợ”, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp tan hoang, nợ nần chồng chất. Thế mới biết những Quyết định hành chính sai lầm có thể gây tác hại ghê gớm đến thế nào.