Tĩnh Gia - Thanh Hóa: Hàng chục hécta đất rừng bị băm nát
Pháp luật - Ngày đăng : 10:02, 26/10/2015
Phóng viên đã phát hiện một sự thật động trời, hàng chục ha rừng khoanh nuôi tái sinh của Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị băm nát, lấy đất lậu bán cho Tổng thầu JGCS và các nhà thầu phụ.
Phá rừng lấy đất
Hiện nay, rừng và đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Tĩnh Gia được nhà nước giao quản lý là 6.163,94ha; trong đó đất rừng phòng hộ 5.237ha, đất rừng sản xuất 926,94ha. Chia sẻ với Giám đốc Nguyễn Hữu Thường, chúng tôi được biết Khu công nghiệp Nghi Sơn đang được nhà nước đầu tư phát triển mạnh mẽ nên việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Trong khi đó, Ban còn có trên 2.300ha rừng thông thuần loài với nhiều loại sâu bệnh phá hoại và nguy cơ cháy rừng cao.
Bên cạnh những mối nguy hại về thiên tai, địch họa, rừng Tĩnh Gia đang phải đối mặt với một mối nguy cơ lớn chưa từng có, đó là nạn đào đất trái phép mang đi bán, mà dân tạm gọi là “địa tặc”. Sâu bệnh hay hỏa hoạn chỉ có thể phá hoại cây trên đất, còn địa tặc không chỉ chặt hạ hàng chục ha rừng mà còn bóc đi cả chục, cả trăm quả đồi, phá tận gốc nguồn tài nguyên đất quý giá. Ngày 30/6/2015, Đoàn kiểm tra gồm 10 Sở ban ngành tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực các xã Tân Trường, Phú Lâm. Đây là khu vực mỏ một Công ty đang xin cấp phép khai thác. Khu vực này là đất rừng sản xuất đã giao 50 năm cho các hộ dân xã Tân Trường, đang có rừng keo, bạch đàn cao sản do các hộ dân xã Phú Lâm trồng.
Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện khu vực trên đang bị ba Công ty, tổ chức khai thác trái phép đất đem bán vào khu C dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND xã Tân Trường kiểm tra, dừng ngay hoạt động khai thác trái phép nói trên, gửi kết quả báo cáo về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh. Vậy ba Công ty đang tiến hành khai thác trái phép trên là Công ty nào và tại sao “đất lậu” họ khai thác được lại thoải mái bán vào dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn như vậy? Việc khai thác trái phép rầm rộ, công khai này đã tiến hành bao lâu, bán bao nhiêu “đất lậu” và tại sao không một cơ quan nhà nước này phát hiện suốt nhiều năm qua?
Được biết, ngày 26/6/2015, BQLRPH Tĩnh Gia nhận được báo cáo của Trạm quản lý bảo vệ rừng Phú Lâm với nội dung: Tại khoảnh 25b, tiểu khu 666 xã Phú Lâm có hai Công ty đang tiến hành khai thác đất trái phép trong rừng sản xuất. Căn cứ tài liệu, Công ty Đức Minh đã khai thác vượt ngoài diện tích cấp phép 3 ha, nhưng qua quan sát, không khó nhận thấy diện tích khai thác trái phép của Công ty này gấp cả chục lần con số 3 ha. Nếu Công ty Đức Minh “chỉ” khai thác vượt giấy phép thì các Công ty Anh Phát còn trắng trợn hơn khi thoải mái đào “đất lậu” mà chẳng có “mảnh giấy” nào lận lưng. Đáng nể hơn, khu vực khai thác đất lậu của Công ty Anh Phát rộng tới 8,8 ha tại các lô 61, 62, 18 khoảnh 25b, tiểu khu 667.
Dàn xe hùng hậu của Công ty Anh Phát đang chờ đến lượt lấy đất trên núi
Qua kiểm tra, hiện tại hai Công ty này đều chưa đầy đủ thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo quy định. Mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần và lập Biên bản vi phạm, nhưng các Công ty trên vẫn cố tình vi phạm. Khi lực lượng bảo vệ rừng có mặt thì các Công ty này dừng hoạt động, thậm chí còn đưa phương tiện khỏi rừng. Nhưng khi lực lượng đi thì lại tiếp tục khai thác trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng và đất rừng.
Thi nhau bán rừng cho “địa tặc”
Con đường tỉnh lộ 513 (Nghi Sơn – Bãi Trành) hàng ngày bị băm nát bởi hàng trăm lượt xe vận tải hạng nặng “Hổ vồ” 4 chân, bụi bay mù mịt, phủ trắng vạn vật. Bám sát từng chuyến xe từ mỏ về đến nơi bán, chúng tôi thống kê riêng Công ty Đức Minh đã có hàng chục xe Howo gắn logo Đức Minh Group lừng lững chạy qua 3 chốt CSGT huyện Tĩnh Gia và một trạm cân liên ngành. Mỗi ngày, dàn xe khủng này của Công ty Đức Minh bóc đi ước chừng 4-5000 m3 đất với vài trăm lượt xe. Trên các đỉnh núi đất, những chiếc gầu xúc hạng nặng liên tục móc đất núi đổ lên hàng chục chiếc xe liên tục nối đuôi nhau như những chú kiến cần mẫn. Chúng tôi bàng hoàng nhìn những cánh rừng khoanh nuôi, tái sinh xanh mượt bị chặt đi, núi bị bóc lớp phong hóa, nham nhở, lở loét.
Tại sao đất rừng đã giao cho các hộ dân mà “địa tặc” vẫn có thể thoải mái, vô tư phá rừng lấy đất mà không bị phản đối? Tiếp cận các tài liệu, không khó nhận thấy thủ đoạn đơn giản mà các Công ty này áp dụng đối với đất rừng Tĩnh Gia. Trên các lô 27, 28, 58, 59 với diện tích 5ha giấy tờ thể hiện sở hữu của các ông Lê Trung Thể và Lê Đình Thơn nhưng đã bán cho bà Hồ Thị Thu Chung (Đông Sơn). Lô 29 khoảnh B, tiểu khu 667, diện tích 5,5ha rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc chủ hộ Lê Trọng Mao cũng đã chuyển nhượng cho bà Chung.
Khu vực khai thác trái phép của Công ty Anh Phát (chưa có hồ sơ cấp mỏ) tại lô 18, khoảnh 25B diện tích 4,1 ha, chủ hộ đã bán cho ông Trịnh Hữu Trung (Yên Định). Lô 61 khoảnh 25B diện tích 3ha, chủ hộ Lê Văn Phượng và lô 62 diện tích 1,7 ha chủ hộ Phạm Ngọc Xuân cũng đều bán cho ông Trịnh Hữu Trung như trên.
Tất cả các lô trên sau khi có trong tay quyền khai thác rừng, lập tức hai Công ty Đức Minh, Anh Phát tổ chức lực lượng xe máy vào chặt rừng, bóc phong hóa, đào đất đem bán cho Khu dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Rõ ràng, hành vi của các hộ dân trên và hai công ty Đức Minh, Anh Phát đều vi phạm luật nghiêm trọng.
Theo thông tin ghi nhận từ Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Xuân Thủy và Trưởng phòng TN MT Hoàng Bá Trung, chúng tôi được biết hiện đã có Đoàn thanh tra của tỉnh Thanh Hóa về thanh tra và có kết luận về việc Công ty Đức Minh nợ thuế gần một tỷ đồng. Ông Hoàng Bá Trung cũng khẳng định sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí sẽ khẩn trương báo cáo Sở TN MT tỉnh Thanh Hóa, đề xuất tổ chức đoàn kiểm tra vào xã Phú Lâm.
Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, làm rõ các sai phạm, chấm dứt tình trạng cho địa tặc lộng hành, cứu lấy những khoảnh rừng khoanh nuôi tái sinh của Tĩnh Gia.