Tập huấn về việc áp dụng công ước liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Tiêu điểm - Ngày đăng : 12:49, 26/02/2019

Sáng 25/2, TANDTC phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và UNDP đã cùng phối hợp tổ chức lớp tập huấn về việc áp dụng Công ước Liên Hiệp quốc về mua bán hàng hóa thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam.

Chủ tọa điều hành lớp tập huấn có các ông Đặng Xuân Đào, Thẩm phán TANDTC; ông Phạm Gia Quý, nguyên Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh và ngài Richard Garnett -Phó Giáo sư Đại học Melbourne, Úc. Thành phần tham dự lớp tập huấn gồm đại diện các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao thuộc các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Đỗ Thúy Vân, đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết: Lớp tập huấn này là một hoạt động của dự án UNDP cấp khu vực “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ. Trong những năm qua, Việt Nam đã theo đuổi thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu và đã trở thành thành viên của WTO vào năm 2017 và đàm phán ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh mới này, các tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế chắc chắn sẽ trở nên đa dạng và phức tạp và Tòa án sẽ là một biện pháp cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích các bên.

Tập huấn về việc áp dụng công ước liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Quang cảnh buổi tập huấn

Tòa án đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng. Thẩm phán Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức phát sinh từ các vụ án về tranh chấp thương mại quốc tế và họ cần học cách áp dụng các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Công ước Liên Hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là một trong những hiệp định quan trọng điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Tháng 12/2015, Việt Nam đã tham gia Công ước CISG và CISG bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Do đó, khóa tập huấn này là rất kịp thời và quan trọng để các Thẩm phán hiểu rõ hơn các nguyên tắc chính của CISG và cách áp dụng CISG trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Nguyên Chánh tòa Tòa Kinh tế TANDTP. Hồ Chí Minh Phạm Gia Quý cũng đã có bài tham luận về thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam. Ngoài tổng hợp các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, ông Phạm Gia Quý cũng đã điểm lại thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại một số Tòa án cấp tỉnh của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2018. Ông Phạm Gia Quý cũng đã có những kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết loại vụ án tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam.

Ngài Richard Garnett, Phó Giáo sư của Đại học Melbourne, Úc cũng đã có bài phát biểu phân tích tổng quan về mua bán hàng hóa quốc tế và giới thiệu tỉ mỉ về các nội dung trong Công ước CISG.

Ngoài ra, các chuyên gia hàng đầu khác như ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC trình bày một số nội dung cơ bản về thẩm quyền của Tòa án Việt nam đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài. Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật, Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương trình bày một số lưu ý khi áp dụng CISG tại Việt Nam.                                                                                                   

 

Đan Hà