Diễn biến mới vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Chuyên gia pháp luật nói về quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án

Pháp luật - Ngày đăng : 14:19, 23/09/2015

Sau khi TAND TPHCM ra Quyết định trả hồ sơ lần 2 đối với vụ án ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”,CQĐT Công an TPHCM vừa ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC nhận định việc tạm đình chỉ điều tra là không bình thường, khiến vụ án kéo dài…

Như Công lý đã thông tin, tháng 3/2013, ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty Việt Séc) bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC). Phòng Đăng kiểm Hải quân (đại diện phía Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân) đã đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Sáng 1/8/2014, ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu trên để đưa đón khách. Tối 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 bị lật tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ, khiến 9 người tử vong. Ông Đảo và ông Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn...”. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc truy tố về tội danh nêu trên là thiếu cơ sở, có dấu hiệu oan sai. Ngày 17/17/2015, TAND TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 176/2015/HSST-QĐ trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhiều vấn đề.

Diễn biến mới vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Chuyên gia pháp luật nói về quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án

Nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC Đinh Văn Quế trao đổi với PV

Ngày 28/8/2015, ông Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng CQĐT Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định đình tạm đình chỉ điều tra vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”; tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết. Theo đó, CQĐT nhận định sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02. Ngày 27/8/2015, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định số 372-04C trưng cầu Bộ Giao thông - Vận tải giám định.

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC nhận định: Quyết định tạm đình chỉ được ký khi thời hạn điều tra bổ sung vừa hết là việc làm không bình thường, muốn kéo dài vụ án. CQĐT mới trưng cầu giám định, chưa biết việc giám định thế nào? Hội đồng giám định là ai và việc tiến hành ra sao mà chỉ sau có một ngày đã quyết định tạm đình chỉ điều tra. Việc làm này chỉ khiến dư luận thêm nghi ngờ về tính khách quan, trung thực của CQĐT.

Theo ông Đinh Văn Quế, ngay từ khi khởi tố vụ án, CQĐT đã có nhiều hành vi vi phạm tố tụng như: Không tiến hành giám định ca nô gây tai nạn xem có đúng là phương tiện không bảo đảm an toàn hay không đã vội khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”. Khi Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam Bộ Giao thông Vận tải đã xác định nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện không bảo đảm an toàn mà là do lỗi của người điều khiển phương tiện, CQĐT đã không kịp thời đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, thay đổi ngay biện pháp tạm giam đối với bị can, mà vẫn gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam. Đáng tiếc là VKSND TP. Hồ Chí Minh lại phê chuẩn các quyết định của CQĐT, trong đó có quyết định để quá thời hạn mới phê chuẩn. Theo quy định của BLTTHS, khi đã quá thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm thì phải đình chỉ, nhưng CQĐT vẫn ra kết luận rồi chuyển hồ sơ vụ án sang VKS.

Ông Đinh Văn Quế cho biết, ông đã gửi bản kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu xem xét những dấu hiệu oan sai trong vụ án. Theo đó, khi ra bản cáo trạng, VKSND TP. Hồ Chí Minh xác định hành vi của các bị can hoàn toàn khác với bản kết luận điều tra. Bản Kết luận điều tra cho rằng, bị can sản xuất cano bằng vật liệu mới PPC chưa được phép nên không bảo đảm an toàn, còn cáo trạng lại kết luận bị can điều động cano không bảo đảm an toàn. Tuy xác định hành vi khác nhau nhưng VKS vẫn cho rằng, các bị can có hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” trong khi hồ sơ vụ án đã có đầy đủ tài liệu chứng minh rằng nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện (ca nô) không bảo đảm an toàn mà là do người điều khiển phương tiện gây ra.

Cả Công văn số 2273/ĐKVN-TB ngày 2/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Báo cáo điều tra số 3849/CHHVN-ATANHH ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đều không khẳng định nguyên nhân tàu BP 12-04-02 bị tai nạn là do chất lượng kém hay do lỗi kỹ thuật mà do lỗi người điều khiển, nên không thể xác định hành vi của ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” được!

Theo ông Đinh Văn Quế, việc tiến hành giám định ca nô BP 12-04-02 để xác định nguyên nhân gây tai nạn là “không cần thiết nữa, chỉ kéo dài vụ án”. Ông Quế hy vọng với tinh thần có sai, có sửa, CQĐT nên đình chỉ vụ án để lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân.

Lê Hoàng