Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên: Có dấu hiệu “hình sự hóa” quan hệ dân sự?

Pháp luật - Ngày đăng : 10:18, 07/08/2015

Tệ nạn cho vay nặng lãi, cờ bạc, cá độ bóng đá đang hoành hành tại rất nhiều địa phương, để lại vô vàn hệ lụy và làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thêm phức tạp, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó, tan nát.

Tại Hưng Yên, một vụ án đang gây nhiều tranh cãi cũng là một ví dụ điển hình.

Vay lãi để tiêu xài…

Theo Cáo trạng, để có tiền tiêu xài cá nhân và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet, từ 27/2/2013 đến ngày 7/10/2013, Đỗ Văn Chung, SN 1982 ở thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên nhiều lần đã dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền chị Bùi Thị Trang, ở thôn 1, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu số tiền gần 2,4 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/tháng. Đến thời hạn thanh toán, không thấy Chung trả tiền, chị Trang nhiều lần đòi tiền thì Chung trốn tránh và tiếp tục gian dối khất nợ nhằm chiếm đoạt tài sản đã vay. Chị Trang đã làm đơn tố cáo Chung. Vì vậy, VKSND tỉnh Hưng Yên đã truy tố Đỗ Văn Chung về  tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu, gia đình bị can Đỗ Văn Chung cho rằng, Trang chính là đối tượng cho vay nặng lãi ở địa phương. Tổng số tiền Chung vay là 1,2 tỷ đồng, số nợ hiện nay lên đến gần 2,4 tỷ đồng mà Trang tố cáo là đã cộng cả phần lãi vay. Điều đáng nói là trong suốt quá trình điều tra, Chung được triệu tập lên CQĐT đều nhận sẽ trả nợ cho chị Trang số tiền đã vay chứ không có ý định chiếm đoạt. Bà Nguyễn Thị Toan, mẹ đẻ Chung cho biết, chính bản thân bà đã cam kết trước Trang và CQĐT sẽ trả nợ số tiền trên cho Chung nhưng vẫn không được chấp nhận.

Theo bà Toan, việc Chung vay tiền gia đình không hề biết. Đến khi Trang lên nói với gia đình thì mọi người mới vỡ lẽ. Nghĩ rằng “con dại cái mang” nên gia đình xin trả dần nhưng Trang không đồng ý mà bắt trả ngay gần 2,4 tỷ đồng. Mặc dù, trước đó, chính Trang cũng đã có lần gọi điện cho bà Toan nói: “Bác ơi, thực ra tiền cháu cho anh Chung vay chỉ khoảng 1,2 tỷ thôi, bác trả cho cháu đi. Hình thức trả là mỗi tháng trả 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)”. Bà Toan cho biết, điều này đã được hai điều tra viên là Tấn và Đức Anh ghi trong hồ sơ vụ án.

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên: Có dấu hiệu “hình sự hóa” quan hệ dân sự?

Bà Nguyễn Thị Toan, mẹ đẻ của Chung

Vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 28/11/2014 và 20/3/2015 theo quy định của pháp luật. TAND tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ quan trọng trong vụ án nhằm xét xử khách quan, toàn diện và có căn cứ hợp pháp, không làm oan sai người vô tội. Song đến nay, nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ.

Dân sự hay hình sự?

Để truy tố một người với tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có đủ các yếu tố cấu thành: “Có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản” đó. Tuy nhiên, từ khi điều tra đến xét xử tại Tòa án, Chung đều khai Trang cho vay với lãi suất 5.000-8.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày và phải ghi vào giấy nhận nợ là “vay tiền làm ăn” thì Trang mới cho vay.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, số tiền Chung vay chị Trang chưa trả chính là quan hệ pháp luật dân sự, là hoạt động giao dịch vay mượn tiền bình thường trong xã hội. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, qua quen thân với em gái Chung là Đỗ Thị Phương thì Trang mới biết Chung. Trước đó, chính Trang là người nhờ Chung và Phương môi giới xem ai có nhu cầu vay tiền thì giới thiệu để Trang cho vay. Tại phiên tòa ngày 14/5/2014, Phương khai, biết Trang là người cho vay nặng lãi và vì Trang nhờ nên Chung và Phương cũng đã giới thiệu cho Trang một số khách vay tiền ở An Vỹ, Khoái Châu, Hưng Yên.

Cáo trạng thể hiện từng lần Chung vay có lãi 1,5%/ tháng và sau này là 1.500 đồng/ngày/01 triệu tính trên số tiền vay. Cả Trang và Chung tại phiên tòa đều khai nhận vay có lãi và đều đã có trả lãi vay trên thực tế. Điều này chứng tỏ nhu cầu của Trang cho Chung vay là để lấy lãi, chứ không phải vì Chung có hành vi gian dối để vay tiền.

Quá trình phát sinh tranh chấp về tiền cho vay, Trang đến đòi Chung tiền gốc và lãi cho vay. Mặc dù không trả được nhưng Chung không lẩn tránh, không bỏ trốn mà vẫn gặp gỡ Trang để xin khất nợ. Thậm chí, gia đình Chung còn thống nhất trả dần 10 triệu đồng/tháng cho đến khi nhận được tiền đền bù đất sẽ trả hết nhưng Trang không đồng ý. Ngay tại phiên tòa sơ thẩm, gia đình Chung còn mang đến 60 triệu đồng cùng cam kết trả nợ nhưng Trang vẫn không đồng ý. Như vậy, rõ ràng, những tình tiết trên không thể hiện Chung có ý định lừa dối để chiếm đoạt tiền.

Dù đã được hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ nhiều tình tiết nhưng dư luận địa phương vẫn đang lo lắng và nghi ngại rằng vụ án có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ dân sự”. 

Nhóm PV