Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng: Tự ý xử lý cổ phần của cổ đông
Pháp luật - Ngày đăng : 21:45, 05/06/2015
Chiếm đoạt tài sản của cổ đông?
Sáng ngày 28/5/2015, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015. Đại hội bộc lộ chuyện bất thường, thậm chí vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.
Trước kì họp cổ đông năm nay, mỗi cổ đông đến dự được phát một cặp tài liệu, trong đó ngoài các báo cáo tài chính, doanh thu thì còn kèm một Thẻ biểu quyết trên đó ghi rõ số cổ phần hiện sở hữu. Bà Trần Thu Thủy giật mình khi thấy số cổ phần của bà không còn là 37.264 cổ phần (chiếm tới hơn 46% tổng số cổ phần) nữa mà chỉ còn là 12.641. Lúc này Ban tổ chức thông báo, số cổ phần của bà Thủy thấy thiếu đã được “chia” cho các cổ đông khác, tỉ lệ nhiều ít mỗi người tùy theo số cổ phần họ đang có.
Người ta đã giải thích rằng: “Bà Thủy đang liên quan đến số tiền hơn 2 tỷ của Công ty nên Công ty giữ lại số cổ phần của bà Thủy để làm bảo đảm. Số cổ phần này sẽ thuộc quyền của các cổ đông còn lại trong toàn Công ty”.
Đây không phải là lần đầu tiên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng hành xử kiểu đó. Ông Nguyễn Văn Đạt là cổ đông Cty cho biết, năm 2006 ông được bổ nhiệm làm giám đốc Chi nhánh số I trực thuộc Cty Kim khí Hải Phòng. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, chi nhánh có bán hàng cho 3 đơn vị, “nợ khó đòi” đến nay chưa thanh toán được tổng số gần 665 triệu đồng. Theo quy chế của Cty, giám đốc chi nhánh ứng tiền chuyển hàng không thu được tiền về thì phải chịu trách nhiệm cá nhân. Vì việc này, ngày 29/11/2010, Hội đồng quản trị đã ra quyết định cách chức giám đốc chi nhánh đối với ông Đạt. Ông Đạt đã chấp hành và xác nhận đầy đủ công nợ và bàn giao theo yêu cầu của quyết định trên.
Công ty có nhiều khối bất động sản nhưng lỗ thường xuyên
Ngày 18/5/2011, HĐQT và Ban giám đốc Cty đã đưa vấn đề nợ của ông Đạt ra biểu quyết tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và thông qua quyết định thu hồi 90% số CP của ông Đạt để trừ vào khoản nợ mà chi nhánh chưa thu hồi được. Cụ thể số CP của ông Đạt bị khấu trừ nợ là 965 CP, số CP này được duyệt bán cho cổ đông khác theo giá đã định mà không được sự đồng ý của ông Đạt.
Bất chấp qui định của pháp luật
Công ty kinh doanh kim khí Hải Phòng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty thép Việt Nam rồi sau đó được cổ phần hóa năm 2004. Năm 2006, một bộ phận được tách ra, thành lập Công ty kim khí Hải Phòng rồi chuyển tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng. Kể từ khi cổ phần hóa đến nay, có trong tay những khối bất động sản rất có giá trị như Khu đất vàng hơn 3000m2 tại 19 Trần Khánh Dư, hay khu đất mặt tiền rộng mênh mông đường Sở Dầu nay đang cải tạo thành Bến xe Thượng Lý… nhưng Công ty vẫn lỗ đều đặn khiến cổ đông kêu trời.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, người từng có CP trên 40% vốn điều lệ của DN này bức xúc cho biết: “Tôi đầu tư vào Cty hơn 10 tỷ gần 10 năm nhưng cổ tức hầu như không có gì, trong khi chỉ cần cho thuê tài sản hiện nay cũng có tiền trả cổ tức cho cổ đông”.
Cổ phiếu là tài sản cá nhân, người sở hữu nó có toàn quyền định đoạt và quyền sở hữu đó luôn được pháp luật bảo hộ. Khoản 2, Điều 169 Bộ Luật dân sự quy định rõ: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kì người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trái pháp luật.”. Đồng thời, khoản 2 Điều 96 Luật Doanh nghiệp quy định về quyền và nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông, trong đó, không bao gồm quy định về quyền biểu quyết để định đoạt tài sản thuộc sở hữu của cổ đông. Do đó, có thể khẳng định, việc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng tự cho mình cái quyền thu giữ, chiếm đoạt cổ phần của một cổ đông để chia đều cho các cổ đông khác (trường hợp bà Thủy) hoặc tự ý bán (trường hợp ông Đạt) là vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, vào ngày 26/8/2014, Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tống Quốc Đạt thừa lệnh Bộ trưởng đã ký và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Công văn số 5640/BKHĐT-ĐKKD về nội dung công ty tạm thu giữ cổ phần của nhóm cổ đông để đảm bảo đền bù thiệt hại. Công văn trên đã khẳng định, cách làm của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng là không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm 28/5/2015, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng vẫn tiếp tục hành xử bất chấp qui định của pháp luật.
Dư luận mong các cơ quan chức năng xác minh làm rõ các hành vi sai phạm của HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải phòng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm trong sạch môi trường đầu tư thành phố.