Đắk Lắk: Cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì phế thải gây ô nhiễm môi trường
Pháp luật - Ngày đăng : 06:00, 22/05/2015
Mặc dù đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, xử phạt hành chính một lần, tuy nhiên, cơ sở này vẫn tái vi phạm.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân khối phố 7 và 14, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thì cơ sở sản xuất “hạt nhựa” từ bao bì phế thải của gia đình ông Phan Đình Huy, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước nghiêm trọng.
Tháng 3/2013, gia đình ông Phan Đình Huy mua 0,2ha đất ở khối phố 7, giáp với khối phố 14, thành lập cơ sở sản xuất tái chế bao bì, ni lông, sản xuất hạt nhựa. Cơ sở của ông Huy chỉ hoạt động vào ban đêm. Hàng ngày, hàng tấn bao bì, túi ni lông phế thải được mua về chất thành từng đống lớn. Khi cơ sở hoạt động, nguồn khí thải ra có mùi hôi nồng nặc, khét lẹt như mùi thuốc sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của hơn 200 hộ dân ở hai khối phố.
Giàn máy làm nóng chảy bao bì phế thải, sản xuất hạt nhựa
Bà Huỳnh Thị Cúc, tổ dân phố 14, nhà cách cơ sở tái chế bao bì của ông Huy chỉ 10m than thở: Hai năm nay, kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động, nhà nào cũng phải đóng kín cửa, tuy vậy, mùi hôi nồng nặc vẫn bốc vào phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Gia đình bà có 3 cháu nhỏ, các cháu đang tuổi đi học, hàng ngày phải tiếp xúc với khí thải ô nhiễm từ cơ sở của ông Huy, đứa nào cũng bị các bệnh đường hô hấp, phải đi bệnh viện điều trị liên tục.
Theo ông Lê Văn Đại, trưởng khối phố 14 thì: Không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ở đây cũng bị ô nhiễm nặng. Sau khi hàng tấn bao bì phế thải được ông Huy mua về, chất thành đống cao, 4 công nhân của cơ sở này trực tiếp đem các bao bì xuống suối Ea Knia, cạnh cơ sở để giặt tẩy, sau đó phơi khô và tiến hành công đoạn tái chế. Nguồn nước thải trong quá trình sử dụng nhiệt, làm nóng chảy nhựa, được cơ sở cho chảy trực tiếp xuống suối Ea Knia, khiến cho nguồn nước suối bị ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Sẽ xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Danh, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết: Cơ sở tái chế bao bì phế thải của ông Huy hoạt động từ năm 2011, trung bình một tháng, cơ sở tái chế khoảng 3 tấn bao bì, ni lon phế liệu, sản xuất 2,5 tấn hạt nhựa. Tháng 1/2013, Phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện cơ sở tái chế bao bì phế thải của gia đình ông Phan Đình Huy xả khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Phòng Cảnh sát về môi trường Công an tỉnh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu cơ sở có biện pháp thu gom, xử lý khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường, khắc phục ô nhiễm của cơ sở trong thời gian 60 ngày.
Sau khi bị xử lý vi phạm, tháng 3/2013, ông Huy đã di dời cơ sở gây ô nhiễm của mình về cuối tổ dân phố 7, bên cạnh suối Ea Knia, cách cơ sở cũ 500m. Cơ sở mới của ông Huy hoạt động, tiếp tục xả khí thải ra môi trường, nước thải được dẫn trực tiếp xuống suối Ea Knia, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. “Về việc này, xã sẽ cử cán bộ môi trường xuống trực tiếp cơ sở để kiểm tra, báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk để xử lý nghiêm theo quy định”, ông Danh nói.