Châu Thành - Tây Ninh: Bị hại trở thành “bị can”?

Pháp luật - Ngày đăng : 14:04, 19/11/2014

Mảnh đất thuộc quyền sử dụng của mình nhưng lại bị người khác tự ý canh tác trên đó không xin phép. Chỉ vì muốn giành quyền canh tác trên đất của mình, chủ đất bỗng nhiên vướng vào vòng lao lý.

Đó là chuyện hy hữu xảy ra tại Châu Thành, Tây Ninh…

Từ việc bị chiếm đất trái phép…

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Hoàng Hải (dược sĩ, cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm - thực phẩm, thuộc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh) thì năm 2007, mẹ ông cho ông phần đất nông nghiệp diện tích 14.967,8m2 tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Vì bận công tác nên ông Hải đã để lại cho người anh trai mượn canh tác.

Đến năm 2011, anh trai của ông Hải bị bệnh chết, mảnh đất trên để trống. Đến cuối năm 2013, vì có nhu cầu sử dụng đất, ông Hải mới tiến hành đi đăng ký và đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Từ đây, ông Hải phát hiện ông Võ Quốc Tiến (là anh rể ông Hải) và các con ông Tiến canh tác trên diện tích đất của ông Hải từ năm 2011 dù chưa nhận được bất kỳ sự đồng ý nào của ông Hải. Vì tình nghĩa gia đình, ông Hải không tố cáo cha con ông Tiến đến cơ quan chức năng mà thông báo cho ông Tiến biết sau khi thu hoạch hết vụ mía thì trả lại đất cho ông Hải sử dụng. Tuy nhiên, đến ngày 6/1/2014, sau khi thu hoạch xong, ông Tiến lại tự ý kêu người đến cày đất chuẩn bị vụ mới. Ông Hải đến ngăn cản thì các con ông Tiến xông vào đòi hành hung. Quá sợ hãi, ông Hải đã bỏ chạy và trình báo với chính quyền địa phương đến hiện trường lập biên bản đề nghị ông Tiến ngưng việc cày đất, chờ giải quyết.

Châu Thành - Tây Ninh: Bị hại trở thành “bị can”?

Ông Hải bị khởi tố vì hành vi hủy hoại tài sản của người khác trên chính mảnh đất của mình

Ngày 7/1/2014, UBND thị trấn Châu Thành có mời ông Hải cùng cha con ông Tiến đến tiến hành hòa giải. Tại buổi làm việc, Hội đồng hòa giải yêu cầu “ông Tiến trả lại phần đất đã cày để trồng mì, còn phần diện tích trồng mía, ông Tiến tiếp tục gặp ông Hải để thương lượng thuê lại”. Tuy nhiên, 20 ngày sau đó, cha con ông Tiến không có bất kỳ động thái nào đến gặp ông Hải để thương lượng. Từ đó, ông Hải đã thuê người tiến hành phun thuốc diệt cỏ, phát quang đất để chuẩn bị canh tác.

Ngày 29/1/2014, con ông Tiến là Võ Quốc Thịnh đã làm đơn tố cáo ông Hải đến Công an thị trấn Châu Thành với nội dung, ông Hải xịt thuốc làm chết 0,7ha mía và 0,4ha mì với tổng thiệt hại khoảng 29 triệu đồng. Cho rằng đây là tranh chấp nội bộ gia đình nên Công an thị trấn mời hai bên lên hòa giải. Tại biên bản hòa giải ngày 13/2/2014, ông Tiến cho rằng, trước đó ông có “đánh tiếng” mượn đất của ông Hải nên muốn lấy lại đất, ông Hải phải bồi thường 22 triệu đồng tiền khai phá, cải tạo đất và 29 triệu đồng tiền bồi thường diện tích mía, mì mà ông Tiến cho rằng ông Hải đã làm chết. Ông Hải không đồng ý vì cha con ông Tiến tự ý canh tác và đất của ông Hải vốn dĩ là đất nông nghiệp đã từ lâu. Mặt khác, ông Hải cũng không “thuê” ông Tiến cải tạo đất nên không có việc phải trả tiền.

Tuy nhiên, ông Tiến đã khởi kiện ông Hải ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu ông Hải bồi thường 29 triệu đồng. Tiếp đó, ông Tiến rút đơn khởi kiện dân sự và gửi đơn đến Công an huyện Châu Thành vu khống ông Hải tội hủy hoại tài sản, cho dù tại thời điểm ông Hải dọn đất thì cha con ông Tiến đã thu hoạch xong, không có tài sản trên đất của ông Hải.

 … đến vướng vào vòng lao lý

Ngày 9/10/2014, Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Hải. Quyết định khởi tố nêu rõ: Ông Hải đã có hành vi thuê người xịt thuốc diệt cỏ vào mía, khoai mì nhằm mục đích hủy hoại tài sản của ông Tiến. Trong bản kết luận điều tra ngày 15/11/2014 do ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành ký cũng có rất nhiều điểm không hợp lý như việc ông Tiến được mẹ vợ là bà Trương Thị Mật cho mượn đất, trong đó có phần đất của ông Hải. Việc cho mượn không có hợp đồng nhưng “có sự chứng kiến của các anh, chị, em vợ ông Tiến” là vô hiệu, bởi theo quy định của Luật Đất đai thì mọi giao dịch về quyền sử dụng đất đều phải lập thành hợp đồng và có công chứng. Mặt khác, chính bà Mật đã có giấy xác nhận, cam kết phần đất bà cho ông Tiến mượn không liên quan gì đến phần đất mà bà đã cho ông Hải. Giấy xác nhận của bà Mật được lập dưới sự chứng kiến của các con bà Mật (tức anh, chị, em vợ của ông Tiến) và ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng ấp nơi bà Mật sinh sống. Đây là tình tiết rất quan trọng nhưng Công an huyện Châu Thành không xem xét tới.

Kết luận cũng nêu việc ông Hải nhiều lần yêu cầu ông Tiến trả lại đất nhưng ông Tiến không trả, để có thể thấy được sự ngoan cố, muốn chiếm đoạt tới cùng quyền sử dụng tài sản của người khác của ông Tiến nhưng vẫn được Công an huyện Châu Thành bỏ qua.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc theo đơn kêu cứu của ông Hải, chúng tôi còn phát hiện việc, ông Võ Quốc Thái (con ông Tiến) đã cấu kết với cán bộ địa chính xã Trí Bình, huyện Châu Thành để xác nhận mảnh đất của ông Hải có vị trí tại thị trấn Châu Thành, thành đất “đất tự có” của ông Thái có vị trí ở xã Trí Bình nhằm chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng tiền ứng vốn và tiền hỗ trợ trồng mía của nhà máy đường Biên Hòa và nhà máy đường Bourbon tại Tây Ninh. Trước những hành vi sai trái của cha con ông Tiến và sự điều tra chưa đầy đủ của Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành, ông Hải đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Phong Vân