Việc một số cán bộ lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ bị tố cáo: Cần nhìn thẳng vào sự thật
Pháp luật - Ngày đăng : 15:09, 02/10/2014
Ngày 22/9/2014, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã có Văn bản số 492/TTra-P1 đề nghị Báo “xác thực” các thông tin có liên quan...
Cán bộ “tố” sai phạm trong việc cấp bằng độc quyền
Trước đó, trên báo điện tử, chúng tôi đã thông tin, ông Nguyễn Thanh Bình, hiện đang công tác tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhiều tháng nay gửi đơn thư đến lãnh đạo cao nhất của Bộ Khoa học & Công nghệ tố cáo ông Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp và ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phụ trách Kiểu dáng công nghiệp đã cố ý làm trái pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Lý do là, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp Bằng độc quyền cho Công ty Austdoor đối với chính kiểu mẫu đã cấp cho Công ty Smartdoor từ trước.
Không những thế, theo ông Bình, hành vi trên của ông Tân, ông Lâm còn thể hiện sự bao che, lừa dối dư luận, thay vì nhìn nhận, sửa chữa các lỗi lầm nêu trên. Ông Bình khẳng định, việc Cục Sở hữu trí tuệ vội vàng cấp Văn bằng này không khác gì đổ dầu vào lửa và không thể không có nghi vấn về một quan hệ “mờ ám” sau đó. Do sự thiếu trung thực và “chây ỳ” trong việc nhìn nhận sai sót của hai ông nên phải đến hơn hai năm sau, tức cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ mới có thể hủy bỏ được một phần hiệu lực của Văn bằng này (dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ).
Ngày 18/7/2014, Bộ này đã có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB-BKHCN do ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra ký. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, lẽ ra “thay vì tham mưu cho Bộ trưởng giải quyết vấn đề minh bạch để giúp Cục Sở hữu trí tuệ rút kinh nghiệm trong thi hành công vụ thì Thanh tra Bộ đã yêu cầu Cục phải sửa đổi Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, sửa đổi Quy chế thẩm định đơn KDCN để phù hợp với thực tiễn. Việc này chẳng khác gì hợp thức hóa các hành vi sai trái mà ông Hoàng Văn Tân và ông Lê Ngọc Lâm gây ra”.
Sau khi báo đăng, ngày 22/9/2014, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã có Văn bản số 492/TTra-P1 cho rằng: “Bài báo có những thông tin chưa được xác thực, gây ảnh hưởng tới uy tín của các cán bộ và cơ quan liên quan (trong đó có Thanh tra Bộ). Do đó, Thanh tra Bộ trân trọng đề nghị ông Tổng Biên tập Báo Công lý xác thực lại các thông tin liên quan và gỡ bài báo này trong thời gian xác thực”.
Cần sự quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ
Về nội dung Báo đã đăng, Báo Công lý có ý kiến như sau:
Thứ nhất, trong một văn bản rất ngắn gọn như trên, cụm từ “xác thực” được Thanh tra Bộ dùng tới ba lần. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã không cung cấp bất cứ một thông tin “xác thực” nào để Báo Công lý phải xét lại lập luận của mình. Do vậy, chúng tôi thấy rằng, Thanh tra Bộ đã thiếu trách nhiệm với công luận trong việc làm rõ sự việc Báo nêu nhằm xác định hành vi vi phạm của các ông Hoàng Văn Tân và Lê Ngọc Lâm trong việc cấp Bằng độc quyền số 14163.
Hơn nữa, trong bài báo “Hậu tranh chấp bản quyền, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ bị tố cáo”, chúng tôi nêu ý kiến của người tố cáo về sự thiếu khách quan trong Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB-BKHCN ngày 18/7/2014. Đây là văn bản của Bộ Khoa học & Công nghệ do ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ ký thừa lệnh Bộ trưởng. Tuy nhiên, ý kiến của Thanh tra Bộ tại Văn bản số 492/TTra-P1 lại chỉ là ý kiến của cơ quan Thanh tra, vì thế, chúng tôi hiểu, cho đến nay, Bộ Khoa học & Công nghệ chưa có ý kiến chính thức về vấn đề bài báo đã đăng.
Thứ hai, vì khuôn khổ bài báo “Hậu tranh chấp bản quyền, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ bị tố cáo” có hạn nên Báo Công lý chưa nêu rõ những chi tiết sai trái, thể hiện sự bao che, thậm chí không nắm rõ các quy định pháp luật tại Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB. Có thể thấy, Thông báo số 2563/TB cho rằng, việc ghép đơn có ngày nộp đơn muộn hơn vào đơn gốc chưa được quy định trong Quy chế, nhưng không giải thích là tại sao chưa được pháp luật quy định mà hai công chức Hoàng Văn Tân và Lê Ngọc Lâm lại được thực hiện trong khi thi hành công vụ?
Thông báo số 2563/TB mặc dù công nhận việc hai ông trên không công bố đơn trong quá trình cấp Bằng 14163 là sai (câu chữ trong Thông báo là “không phù hợp”), nhưng lại biện hộ cho các tuyên bố của các ông trên (đặc biệt là của ông Lâm - người trực tiếp thẩm định hồ sơ cấp Văn bằng bảo hộ: “Mọi thủ tục để cấp Văn bằng 14163 đều được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật”) “là phù hợp với nhận thức của người bị tố cáo vào thời điểm đó”. Vậy, phải chăng, hai ông Tân và Lâm không phân biệt được đúng sai khi thực hiện hành vi trên?
Lạ lùng nhất là “người bị xử lý” trong Thông báo trên lại là Cục Sở hữu trí tuệ mặc dù cơ quan này đã phải ra Quyết định số 2679/QĐ-SHTT hủy bỏ một phần hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 14163 do các sai trái của hai ông trên để sửa chữa sai lầm mà các ông này đã gây ra. Thông báo số 2563/TB (mục hình thức xử lý) yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ phải “rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN cho phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn”… Không lẽ lại phải nhắc ông Chánh Thanh tra Bộ rằng, các nhiệm vụ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Thông tư chính là trách nhiệm của Bộ Khoa học & Công nghệ, chứ không phải là trách nhiệm của Cục Sở hữu trí tuệ.
Cuối cùng, được biết, ngày 26/9/2014, Bộ Khoa học & Công nghệ đã tổ chức Lễ công bố việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cho bốn cán bộ, trong đó, ông Lê Ngọc Lâm được bổ nhiệm chức danh Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Với các sai phạm nêu trên đã được công luận đề cập rộng rãi, liệu việc bổ nhiệm này có xứng đáng(?). Ngoài sai trái nêu trên, nhiều cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, quy trình bổ nhiệm cho ông Lâm thể hiện sự vội vã, thiếu thận trọng. Đơn cử như việc lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Lê Ngọc Lâm được thực hiện vào ngày 12/7/2014, trước khi ban hành Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB-BKHCN (ngày 18/7/2014).
Chúng tôi thấy rằng, có quá nhiều câu hỏi cần phải “xác thực” trong vụ việc nêu trên.